28/11/2024

Những bác sĩ cắt tóc

Đều đặn từ 4h30 chiều thứ năm hằng tuần, từ gần 7 năm nay, điểm cắt tóc miễn phí ở Viện Huyết học và truyền máu T.Ư luôn tấp nập người bệnh.

 

Những bác sĩ cắt tóc

 Đều đặn từ 4h30 chiều thứ năm hằng tuần, từ gần 7 năm nay, điểm cắt tóc miễn phí ở Viện Huyết học và truyền máu T.Ư luôn tấp nập người bệnh.
 
 

 
Những bác sĩ cắt tóc - Ảnh 1.

Những giây phút vui vẻ giữa thầy thuốc và người bệnh tại điểm cắt tóc ở Viện Huyết học và truyền máu T.Ư – Ảnh: THUÝ ANH

Tiếng kéo, tiếng trò chuyện, những lời đề nghị “cắt cho em tóc giống Mỹ Linh”, “cắt cho tôi tóc cao một chút”… cứ rộn ràng đến tận tối. Ít ai biết “sáng kiến” cắt tóc cho bệnh nhân được bắt đầu sau một câu chuyện đau lòng. Bảy năm trước, một nữ bệnh nhân 23 tuổi mắc ung thư máu đã tự tử. Trong lá thư để lại, cô ấy kể về nỗi đau đớn vì mái tóc dài rụng dần sau liệu trình điều trị hóa chất, và cả những lo lắng, sợ hãi đến tuyệt vọng vì căn bệnh ung thư.

Cái hay là anh Hưng đã có sáng kiến, rồi tổ chức và huy động được nhiều bác sĩ, điều dưỡng trong khoa cùng tham gia. Các bác sĩ cùng điều dưỡng giờ cắt tóc rất giỏi, từ đó đến nay họ đã cắt tóc cho trên 5.000 người, chủ yếu là bệnh nhân và bệnh nhi ung thư

Bác Sĩ Nguyễn Anh Trí

Trị liệu tinh thần qua cắt tóc

Bác sĩ Vũ Quang Hưng – phó trưởng khoa điều trị hoá chất, Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, lúc đó là một bác sĩ của khoa – là người có sáng kiến cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân. Ban đầu để đưa được một bệnh nhân ra điểm cắt tóc, các anh phải đến tận giường bệnh nhân tư vấn như tóc bạn đã dài, giờ ra bác sĩ cắt tóc để dễ vệ sinh trong quá trình điều trị. “Đã có nhiều người hỏi vì sao các anh lại phải cắt tóc cho bệnh nhân nhưng đến giờ chúng tôi mới kể lại câu chuyện này, đó là ký ức đau đớn của cô gái 23 tuổi…” – bác sĩ Hưng nhớ lại.

Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư thời điểm đó là bác sĩ Nguyễn Anh Trí và các anh chị em trong Đoàn thanh niên của viện rất ủng hộ sáng kiến cắt tóc. Ông Trí thấy việc này hay quá vì ông chứng kiến nhiều tiệm cắt tóc từ chối bệnh nhân ung thư, họ rất sợ khi gặp những bệnh nhân có da đầu mềm và nếu không may bị chảy máu trong quá trình cắt tóc thì không cầm được vì lượng tiểu cầu của bệnh nhân thấp, sức đề kháng kém. Nhưng ông Trí cũng có chút e ngại việc cắt tóc sẽ không kéo dài được lâu, vì công việc của các bác sĩ rất bận rộn.

 

Những ngày đầu tiên đứng cắt tóc cho bệnh nhân, bác sĩ Hưng và các đồng nghiệp của mình không biết nhiều kiểu tóc, họ chỉ có niềm thương mến với bệnh nhân và sự nhiệt tình. Nhưng đến giờ, sau 7 năm giúp đỡ các bệnh nhân thì kiểu tóc nào các anh chị cũng biết, đều là nhờ tự học.

Giá trị của trị liệu tinh thần

Cũng như nhiều đồng nghiệp ở Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, bác sĩ Hưng vẫn đều đặn hiến máu mỗi năm 2 lần và đến đầu năm 2018 này, anh đã 26 lần hiến máu. So với các đồng nghiệp ở bệnh viện, bác sĩ Hưng kể rằng anh vẫn chưa phải là người hiến máu nhiều nhất. Các anh chị vẫn nghĩ đó là cách chia sẻ và đồng hành với những người bệnh đang điều trị ở viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Trí, trị liệu tinh thần có giá trị không kém so với giá trị của thuốc men và phương tiện y khoa. Mỗi chiều thứ năm, điều dưỡng và bác sĩ của khoa lại đến điểm cắt tóc miễn phí. Đó là giờ thư giãn, gắn kết của cả thầy thuốc và bệnh nhân, ở đó họ có dịp cùng cười, cùng vui thêm một chút vì những người mặc áo bệnh nhân có gương mặt tươi tắn hơn sau khi có kiểu tóc mới. Đó cũng là trị liệu tinh thần.

“Chúng tôi sẽ phải dành thêm nhiều thời gian chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân” – bác sĩ Hưng chia sẻ về dự định của mình.

Biết ơn bác sĩ điều trị quá tận tâm

Tháng 3-2017, con trai Eldaniz cho tôi biết sẽ sang VN dạy tiếng Anh theo hợp đồng. Tôi tán thành ngay vì sẵn có tình cảm với đất nước và nhân dân VN. Nhưng niềm vui của chúng tôi quá ngắn ngủi, tháng 6-2017 chúng tôi được thông báo Eldaniz phải nhập viện với chẩn đoán ung thư máu cấp tính. Đó là cú sốc đối với chúng tôi. Hôm sau tôi xin được visa và đến với cháu sau 15h bay. Tại Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, tôi gặp con trai trong tình trạng rất xấu, hai mắt cháu bị xuất huyết, tay thì thâm tím vì truyền thuốc.

Khi đó bác sĩ điều trị Vũ Quang Hưng đến. Bác sĩ sốt sắng động viên Eldaniz. Tôi chưa gặp người bác sĩ nào tận tình đến thế. Ngày hôm sau bác sĩ Hưng đưa tôi đến gặp chủ nhiệm khoa nơi con trai tôi đang điều trị. Đó là PGS-TS Nguyễn Hà Thanh, ông giải thích rõ cho tôi bệnh tình của con trai, cho biết phải điều trị tích cực, không thể chậm trễ.

Tuy nhiên ông cho biết chi phí điều trị rất cao mà tôi chỉ có 2.000 USD, trong khi tôi không thể mang Eldaniz về nước do con tôi không thể bay được, áp suất trên máy bay có thể gây xuất huyết não. Các bác sĩ đã động viên rằng người VN không bao giờ bỏ bạn bè. GS Trí khi đó đã kêu gọi trên trang cá nhân của mình, nhiều người khác cũng làm tương tự, không có điều gì mà họ không làm cho chúng tôi, những người khác tôn giáo, khác quê hương.

Có ở đâu bạn thấy bác sĩ điều trị tự tay cạo râu, cắt tóc, tắm rửa cho bệnh nhân? Bác sĩ Vũ Quang Hưng đã làm điều đó cho con trai tôi. Anh đã trở thành người bạn thân thiết của chúng tôi, bác sĩ trưởng khoa cũng là con người tuyệt vời. Tôi muốn viết cả một cuốn sách về đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện này.

(Trích thư của ông Valex Nasibov

– trưởng bộ môn ngôn ngữ Nga hiện đại, Trường ĐHTH Xlava tại Azerbaijal, cha bệnh nhân Eldaniz)

LAN ANH