Hợp nhất một số sở: phải tính hiệu quả khi sáp nhập
Việc hợp nhất một số sở theo dự thảo nghị định của Chính phủ đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng phải tính toán kỹ để việc sáp nhập đem lại hiệu quả thực sự.
Hợp nhất một số sở: phải tính hiệu quả khi sáp nhập
Việc hợp nhất một số sở theo dự thảo nghị định của Chính phủ đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng phải tính toán kỹ để việc sáp nhập đem lại hiệu quả thực sự.
Theo dự thảo nghị định của Chính phủ, sẽ hợp nhất sở Tài chính và sở Kế hoạch – đầu tư thành sở Kế hoạch – Tài chính. Tại TP.HCM, việc hợp nhất hai sở này đã được đưa ra bàn để nghe ý kiến các bên. Trong ảnh: doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM – Ảnh: Quang Định |
* Ông Diệp Văn Sơn (chuyên gia về cải cách hành chính):
Nhập sở để tránh chồng chéo chức năng
Việc nhập sở phù hợp xu thế cải cách hành chính, giảm đầu mối tạo tiền đề giảm biên chế, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các sở. Điều này sẽ tạo điều kiện phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Tôi đã từng đề xuất một số sở phải được tổ chức lại theo hướng liên ngành, đa lĩnh vực. Cụ thể như sau: có thể tổ chức sở quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm các sở tài nguyên – môi trường, xây dựng, giao thông công chính; sở văn hóa – thể thao và du lịch gồm bộ phận văn hóa của sở văn hoá thông tin, sở thể thao và sở du lịch…
Chắc chắn trong quá trình sáp nhập sẽ có nhiều sự xáo trộn. Vì việc tổ chức này sẽ đụng chạm đến nhiều “ghế”, nhiều quyền của nhiều người. Nhưng mục tiêu chung là phải đổi mới, phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với những đặc điểm tự nhiên và xã hội của địa bàn.
Kinh nghiệm trước đây tổ chức nhập nhiều bộ thành bộ liên ngành đa lĩnh vực như bộ nông nghiệp – phát triển nông thôn, bộ công thương… cũng gặp không ít khó khăn lúc đầu nhưng với quyết tâm chính trị cao thì cuối cùng vẫn ổn.
* Ông Lê Như Tiến (nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Nên có quy định mềm
Không nên quy định cứng việc thành lập các sở ban ngành ở tất cả tỉnh thành địa phương, mà hãy để các địa phương căn cứ tình hình địa chính trị và phát triển kinh tế – xã hội địa phương để thành lập các sở. Lý do là có tỉnh chủ yếu nông nghiệp thì nông nghiệp phải là ưu tiên; có tỉnh chủ yếu phát triển dịch vụ du lịch… Lâu nay ta dàn đều, tỉnh nào cũng đầy đủ các đầu mối. Nên có quy định mềm để các địa phương tự lựa chọn.
Không nên lý giải theo kiểu tách ra là để chuyên sâu hơn và nhập vào là để giảm đầu mối, mà phải trên cơ sở khoa học và thực tiễn thì việc nhập vào, tách ra mới có ý nghĩa và tác dụng hiệu quả.” |
Ông Lê Như Tiến |
Chủ trương nhập lại một số sở ngành như tài chính và kế hoạch – đầu tư, xây dựng và kiến trúc cũng hợp lý. Tuy nhiên tôi có băn khoăn là ở địa phương thì sáp nhập sở nhưng ở cấp bộ lại có hai cơ quan, liệu có thống nhất đầu mối không?
Nếu muốn sáp nhập bộ thì phải chờ quyết định Quốc hội, vì Quốc hội mới có thẩm quyền thành lập tổ chức cơ cấu chính phủ. Đó là bài toán, câu hỏi đang treo để chờ Quốc hội nhiệm kỳ này cân nhắc xem xét quyết định cho phù hợp.
Tôi cho rằng nên hợp nhất hai bộ kế hoạch – đầu tư và tài chính. Bởi nhiệm vụ đầu tư nào cũng gắn với tài chính, mà tài chính đi liền kế hoạch và đầu tư, lâu nay cứ có công trình dự án quốc gia thì hai bộ lại ngồi với nhau để phối hợp, sự phối hợp có lúc chưa tạo được sự chuẩn mực. Nếu hợp nhất hai cơ quan này từ cấp bộ đến cấp sở thì tốt hơn.
* PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp (nguyên trưởng khoa luật hành chính, Trường ĐH Luật TP.HCM):
Đừng vì áp lực tinh giản biên chế
Việc nhập các sở, ngành, quản lý đa ngành đang là xu hướng của thế giới. Tuy nhiên đừng vì áp lực tinh giản biên chế mà tạo sự gượng ép, vượt quá nguyên tắc chuyên sâu cần thiết trong quản lý nhà nước, đồng thời phải chú ý ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết khối lượng công việc sau khi nhập sở.
Các lĩnh vực được nhập về một sở ngành phải gắn với nhau, lệ thuộc nhau, khi giải quyết việc này thì liên quan đến việc khác. Những lĩnh vực, công việc độc lập, không liên quan, phụ thuộc gì với nhau thì không nhất thiết phải nhập.
Vì vậy, phải nghiên cứu thật cụ thể các lĩnh vực, nhiệm vụ, chức năng của các sở trước khi quyết định nhập với nhau. Riêng tôi thấy việc nhập các sở lại thì có chút gì đó gượng ép miễn cưỡng, như sở kế hoạch – đầu tư và sở tài chính thì cũng không hợp lắm.
Nếu nhiều sở nhập lại thành một mà các bộ phận chỉ là con số cộng của các sở cũ, giải quyết công việc như cũ thì chỉ làm cho bộ máy thêm cồng kềnh, không hiệu quả. Ba sở gộp lại thì bộ máy tinh gọn còn 1/3 nhưng phải làm việc hiệu quả, nhất là giải quyết các công việc liên quan đến người dân.
Các địa phương cần áp dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử để giải quyết công việc một cách nhanh gọn, tăng hiệu suất công việc, tăng được lương cho cán bộ công chức thì mới đúng với tinh thần cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy.
* Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam (phó trưởng khoa xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM): Tránh cách làm máy móc, rập khuôn Về vấn đề sắp xếp sáp nhập một số sở, tôi cho rằng nếu thực hiện ở TP.HCM và Hà Nội phải xét đến tính đặc thù của hai thành phố này chứ không thể đánh đồng với các tỉnh, thành khác trên cả nước. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị cũng đã nhìn nhận TP.HCM là một đô thị đặc thù. TP.HCM với quy mô dân số khoảng 13 triệu dân, 24 quận huyện, hơn 300 phường xã thị trấn và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trên 120.000 người đòi hỏi phải có mô hình quản lý đặc thù. Với TP.HCM, bất cứ quyết định nào sai lầm đều dẫn đến hậu quả to lớn, ảnh hưởng tới nhiều người, muốn sửa sai phải tốn nhiều công sức, thời gian. Nếu thực hiện với tư duy máy móc, không những không mang lại thuận lợi cho người dân mà còn trói chân, kìm hãm sự phát triển của TP. Do vậy, trước khi thực hiện việc sắp xếp cần có khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến cụ thể của các sở, ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm và hiểu rõ thực tiễn của TP.HCM. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thận trọng, khoa học, TP cần trao đổi lại với Bộ Nội vụ để đề xuất phương án phù hợp nhất cho TP.HCM.MAI HƯƠNG ghi |
Sáp nhập sở sẽ gây trì trệ, ách tắc công việc Đó là ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu ra tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội chiều 27-3 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Nêu quan điểm về đề xuất sáp nhập một số sở của Bộ Nội vụ, ông Phong dẫn chứng khối lượng công việc tại Sở KH-ĐT TP: năm 2016 thụ lý tới 273.000 hồ sơ, tiếp nhận 50.000 văn bản và phát đi 35.000 văn bản. Mỗi tháng có trên 4.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Còn Sở Tài chính TP cũng đang quá tải. Tương tự, ông Phong cho rằng nếu sáp nhập Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch – kiến trúc và Sở Xây dựng lại một cũng sẽ gây khó khăn ách tắc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. “Xin mời đoàn giám sát đến tham quan thực tế” – ông Phong nói và kiến nghị trung ương giao chủ tịch UBND TP có quyền chủ động điều tiết thêm thu nhập cho đội ngũ để tái tạo sức lao động, đảm đương nhiệm vụ. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý với quan điểm TP.HCM là một đô thị đặc biệt, cần có điểm riêng trong tổ chức, vận hành bộ máy. Ông Lưu cũng lưu ý TP.HCM cần đẩy mạnh xã hội hoá một số lĩnh vực như y tế, giáo dục… |