29/11/2024

Trận địa pháo cổ bị xâm hại nghiêm trọng

Được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng di tích quốc gia hơn 20 năm qua và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chọn là một trong những điểm tham quan du lịch của địa phương, nhưng hiện trận địa pháo cổ gần như ít ai biết đến và bị xâm hại nghiêm trọng…

 

Trận địa pháo cổ bị xâm hại nghiêm trọng

Được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng di tích quốc gia hơn 20 năm qua và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chọn là một trong những điểm tham quan du lịch của địa phương, nhưng hiện trận địa pháo cổ gần như ít ai biết đến và bị xâm hại nghiêm trọng…



Khẩu pháo cổ nằm lọt thỏm trong lòng gian nhà một ngôi chùa trên đường Hạ Long /// Ảnh: N.L

Khẩu pháo cổ nằm lọt thỏm trong lòng gian nhà một ngôi chùa trên đường Hạ LongẢNH: N.L

Trận địa pháo cổ tại Vũng Tàu nằm ở hai sườn núi Lớn và núi Nhỏ, được chia làm ba cụm lớn với 23 khẩu đại pháo, gồm: các trận địa pháo cổ Cầu Đá, Núi Lớn và Tao Phùng.
Đại pháo chen với công trình dân dụng
Từ dưới đầu hẻm 444 Trần Phú, P.5, TP.Vũng Tàu, người dân chiếm lối đi để phơi hải sản khô và bày bàn ghế ra nhậu. Khi lên được đến trận địa pháo cổ Núi Lớn, chúng tôi hỏi ông Nguyễn Văn Trước, người được Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thuê dọn, quét rác, rằng có ai thuyết minh trận địa pháo cổ không thì người này lắc đầu. Ông Trước cho biết từ lúc trận địa pháo cổ Núi Lớn được xếp hạng di tích đến nay, ngoài một nhà tròn để du khách tham quan nghỉ chân được xây mới thì nơi đây không có ai bảo vệ hay hướng dẫn khách tham quan. Lúc chúng tôi đến, có một nhóm thanh niên đang ngồi nhậu ngay nhà tròn. Trên khu vực đặt khẩu pháo, một nhóm khác cũng đang ngồi… lai rai. Một cán bộ Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết khi nào có đoàn khách đến yêu cầu thuyết minh viên thì đơn vị này sẽ cho người chạy lên.
Trận địa pháo cổ Cầu Đá (thuộc P.2, TP.Vũng Tàu) nằm trên sườn núi Nhỏ ở độ cao 15 m, được bố trí theo hình cánh cung, cách đều nhau 18 m. Tuy nhiên, hiện nay cả 4 khẩu pháo của trận địa pháo cổ Cầu Đá đều đã bị che khuất và mắc kẹt giữa các công trình dân dụng, hệ thống công năng cũng đã biến dạng. Khẩu thứ nhất, nằm giữa hông chùa Sơn Bửu và đền Mẫu Thoải, đã bị hồ chứa nước, nhà bếp xây đè lên mâm pháo và hệ thống bánh răng cưa. Khẩu thứ hai, phần nòng nằm vào trong một góc nhà của chùa Sơn Bửu, còn phần thân pháo thì vùi lấp dưới căn gác xép. Khẩu thứ ba nằm trong khuôn viên một đơn vị hàng hải. Khẩu thứ tư lọt thỏm trong lòng gian nhà của một ngôi chùa trên đường Hạ Long. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống hầm ngầm và đường giao thông hào dài hàng chục mét cũng đã bị xây bít lại, chia thành từng lô để xây dựng các công trình nhà kho, nhà tắm, nhà vệ sinh, hố chứa rác, xà bần… Còn xung quanh trận địa pháo cổ Tao Phùng (cũng ở P.2) thì rác thải tràn ngập, cây dại mọc đầy.
Trận địa pháo cổ bị xâm hại nghiêm trọng1

Khẩu pháo cổ nằm trong khuôn viên một đơn vị hàng hải

Xin trả lại danh hiệu di tích Quốc gia ?
Từ năm 1992 – 1994, ba trận địa pháo cổ lần lượt được Bộ VH-TT có quyết định công nhận Di tích cấp quốc gia. Hơn 10 năm nay, Sở VH-TT tỉnh, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề nghị chính quyền địa phương xử lý tình trạng xây dựng lấn chiếm trận địa pháo cổ nhưng cho đến bây giờ đâu vẫn vào đó.
Ông Đoàn Long An, Trưởng ban Quản lý phát huy di tích Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết ba trận địa pháo cổ được xác định là lớn nhất VN. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang quản lý trận địa pháo cổ Núi Lớn. Trận địa pháo này được trùng tu giai đoạn 1 từ hơn 10 năm qua, đến nay chưa có kinh phí để triển khai giai đoạn 2.
Còn theo Phòng VH-TT TP.Vũng Tàu, TP được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phân cấp quản lý hai trận địa pháo cổ Cầu Đá và Tao Phùng. Tuy nhiên, khi chưa được công nhận là di tích lịch sử quốc gia thì trận địa pháo cổ Cầu Đá đã bị lấn chiếm, xâm phạm. Sau khi được công nhận di tích quốc gia thì trận địa pháo này tiếp tục bị xây dựng lấn chiếm cho đến nay. Hiện tại, Phòng đang tham mưu cho UBND TP.Vũng Tàu đề nghị Sở VH-TT tỉnh hướng dẫn quy trình thủ tục rút tên một số di tích không xứng tầm di tích quốc gia, do hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, trong đó có hai trận địa pháo cổ Cầu Đá và Tao Phùng. Phòng cũng đề xuất UBND TP.Vũng Tàu kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xin ý kiến Cục Di sản văn hóa xem xét rút hai trận địa pháo cổ nói trên ra khỏi di tích cấp quốc gia. Liên quan đề xuất này, ngày 16.3, bà Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, nói trước khi UBND TP có văn bản đề nghị cấp trên rút tên hai trận địa pháo cổ ra khỏi di tích cấp quốc gia, TP sẽ họp với các nhà khoa học, sử học, lão thành cách mạng… để xin ý kiến.
Trong khi đó, ông Đoàn Long An nói thêm, kinh phí trùng tu không có và địa phương cũng không có ban quản lý di tích. Các di tích khi được phân cấp xuống cho địa phương quản lý thì cán bộ phụ trách không có chuyên môn về phát huy, bảo tồn di tích.
Cần làm rõ trách nhiệm của địa phương
Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Nguyễn Thế Hùng cho biết hiện Cục chưa nhận được thông tin liên quan đến việc xin rút tên khỏi danh sách di tích cấp quốc gia này. “Mọi việc cứ theo luật mà làm thôi”, ông Hùng nói. Theo điều 30, luật Di sản văn hoá: “Trong trường hợp di tích đã được xếp hạng mà sau đó có đủ căn cứ xác định là không đủ tiêu chuẩn hoặc bị huỷ hoại không có khả năng phục hồi thì người có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích nào có quyền ra quyết định huỷ bỏ xếp hạng đối với di tích đó”. Việc cấp danh hiệu di tích quốc gia, theo luật Di sản văn hóa, do Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quyết định.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, nói: “Di tích đó giờ ai quản lý? Lý do xin rút là gì? Do xuống cấp quá mà không có tiền đầu tư tu bổ phải không, hay lý do nào khác? Tại sao xin thành di tích rồi lại xin rút di tích? Nói như thế thì trách nhiệm của địa phương với di tích để ở đâu? Nếu di tích xuống cấp thì ngân sách của tỉnh phải đầu tư, phải báo cáo ra Bộ để Bộ có ý kiến chứ”.
Trinh Nguyễn

Trận địa pháo cổ Núi Lớn là một trong ba tuyến phòng thủ quân sự do thực dân Pháp xây dựng cuối thế kỷ 19 nhằm phòng thủ, tấn công và kiểm soát toàn bộ cửa biển miền Đông Nam bộ và trấn giữ an toàn cho trung tâm nghỉ dưỡng của thực dân Pháp tại Vũng Tàu. Trận địa pháo được khởi công năm 1885 và kéo dài trong vòng 15 năm mới hoàn thành, gồm 8 khẩu trọng pháo do Pháp chế tạo từ năm 1872 – 1876. Tuy nhiên, có 2 khẩu đã bị người dân cưa lấy sắt. Trận địa pháo cổ Tao Phùng (11 khẩu) được thực dân Pháp xây dựng cùng thời điểm với trận địa pháo cổ Núi Lớn, để quản lý vùng biển Phước Tỉnh, Long Hải. Trận địa pháo cổ Cầu Đá (4 khẩu) là một bộ phận trong phòng tuyến Vũng Tàu của thực dân Pháp, được thực hiện cuối thế kỷ 19, nhằm bảo vệ cầu cảng, khu điện báo, Bãi Trước và vùng biển tây nam Vũng Tàu.
Các khẩu pháo đều đặt trên sườn núi, hướng ra biển, trọng lượng từ 2 – 15 tấn, có thể quay tròn và nâng cao hay hạ thấp tầm bắn nhờ vào hệ thống đĩa răng cưa gắn với bệ pháo cố định. Những cỗ pháo này cùng kiểu dáng, cấu tạo, tuỳ loại lớn nhỏ mà cỡ đạn pháo khác nhau có đường kính từ 140 – 300 mm.

 

Nguyễn Long