Biển đỏ giả tung hoành
Gần đây, bạn đọc Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng nhiều tài xế xe container, xe tải gắn biển số đỏ giả chạy bạt mạng, chở quá tải… trên đường phố.
Biển đỏ giả tung hoành
Gần đây, bạn đọc Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng nhiều tài xế xe container, xe tải gắn biển số đỏ giả chạy bạt mạng, chở quá tải… trên đường phố.
Thời gian qua, một số tài xế lái xe tải sử dụng biển đỏ giả ở Đồng Nai, TP.HCM đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt. Những người này tiết lộ họ liên hệ với một số người chạy xe ôm ở chân cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), khu vòng xoay Phú Lâm (Q.6)… để mua biển đỏ giả.
Giống y như thật
Trưa 3.3, trong vai lơ xe tải, PV theo chân một tài xế tìm đến khu vực đường Điện Biên Phủ (P.25, Q.Bình Thạnh), dò hỏi thông tin tìm mua biển đỏ giả. Tại khu vực cầu vượt dành cho người đi bộ ở gần giao lộ Điện Biên Phủ – Nguyễn Hữu Cảnh, nghe chúng tôi trình bày muốn mua biển đỏ giả, một người chạy xe ôm hỏi: “Ai giới thiệu mày tới đây?”. “Mấy anh em chạy xe tải đường dài ở Biên Hòa (TP.Biên Hòa, Đồng Nai – PV) giới thiệu chứ ai?”, PV đáp.
Nghe tới tài xế ở Biên Hòa, người này nói: “Tụi nó mới bị bắt, giam xe hết rồi. Mày mua làm gì nữa?”, rồi chỉ tay về góc giao lộ Điện Biên Phủ – D1 (Q.Bình Thạnh) nói: “Mày tới đó hỏi thử nó làm được không?”.
Từ lời giới thiệu này, chúng tôi đến địa điểm nói trên gặp một người tên L. (khoảng 35 tuổi). Sau khi nghe nói được giới tài xế Đồng Nai giới thiệu, L. đến kiểm tra xe tải của chúng tôi bằng cách dùng sợi dây điện đo chiều dài và chiều cao của biển số xe. Sau đó, L. liên hệ một cửa hiệu làm biển báo quảng cáo, dập biển số xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), rồi báo phía “đầu nậu” không dập được biển số giống như chúng tôi yêu cầu. L. chỉ: “Bây giờ ông đi ngoài đường thấy biển số quân đội thật nào thì chụp hình lại rồi nhắn tin cho tôi. Ví như biển đỏ đó là KP-123 thì tôi dập cho ông biển đỏ giả là KP-124. Tất cả đều giống y biển thật, chỉ khác ở số cuối thôi”.
Ngày 7.3, chúng tôi tiếp tục theo chân một tài xế xe tải đến một địa điểm chuyên dập biển số nằm ở khu vực vòng xoay Phú Lâm (Q.6) để đặt hàng “biển đỏ”. Một phụ nữ ở địa điểm trên ra giá 800.000 đồng cho hai “biển đỏ” (trước, sau) và yêu cầu đặt cọc trước 500.000 đồng. Tiếp đó, người này giới thiệu chúng tôi gặp ông B. (khoảng 55 tuổi) để đưa tiền rồi ghi lại biển số theo yêu cầu.
Chiều cùng ngày (7.3), ông B. gọi điện thoại nói “biển đỏ” đã xong. Chúng tôi trở lại vị trí gặp lúc sáng, ông B. cầm từ trong nhà ra bịch ni lông màu đen, bên trong có hai “biển đỏ” KP 71-34 được bọc kín trong tờ giấy báo; trong đó một biển để gắn phía sau, còn một biển để gắn phía trước xe tải. Ông B. nói: “Thấy như vậy được chưa, giống y biển số quân đội. Cái này mà gắn vào xe tải thì chạy vô tư”.
Theo ông H. (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM – chủ một đoàn xe container chuyên chở hàng), hiện có nhiều xe tải, xe container dân sự gắn biển đỏ giả chạy khắp nơi. Nói về biển đỏ giả gắn vào xe dân sự, ông H. tiết lộ: “Đó là các tài xế đánh lẻ hoặc chủ xe có 1 – 2 chiếc, mua biển đỏ giả gắn vào để chạy liên tỉnh. Xe này chạy thì CSGT ít “đụng” đến nhưng chở quá tải mà qua trạm cân, có lực lượng kiểm soát quân sự phối hợp với CSGT, thanh tra giao thông sẽ bị vịn lại ngay vì không có giấy tờ lận lưng”.
|
Tuy nhiên, việc tài xế xe tải đi mua biển đỏ giả gắn vào chạy như trên được người trong giới vận tải đánh giá thuộc dạng “a ma tơ”, còn dạng tổ chức thành đoàn xe, bãi xe thì hoành tráng, quy mô hơn nhiều.
Bãi xe biển đỏ giả
Ông D. (từng là tài xế chạy xe gắn biển đỏ giả) tiết lộ: “Đa số xe dân sự gắn biển đỏ giả thường mang biển số với ký tự: TH, KP…; xe nhìn bề ngoài cũ kỹ, hoặc được sơn phết lại màu xanh rêu sao cho giống màu xe quân đội. Giới xe tải, xe container rỉ tai nhau, trên địa bàn TP.HCM, không ít người có trong tay vài chiếc đến cả chục chiếc gắn biển đỏ giả chạy ầm ầm, như: ông Q., ông T. có bãi xe ở Q.2; ông H. ở H.Bình Chánh… “Hiện ở khu vực Q.2, bãi xe ông Q. hoạt động khá mạnh, tận dụng được lợi thế xe gắn “biển đỏ” nên hàng hóa có đều đều”, ông D. cho biết thêm.
Từ nguồn tin này, khoảng 9 giờ 30 ngày 4.3, PV Thanh Niên thâm nhập lãnh địa một đoàn xe container gắn “biển đỏ” nằm trên đường K1, KCN Cát Lái II, P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2 (dưới chân cầu Phú Mỹ). Ở đây đang có 4 xe đầu kéo, 5 rờ moóc (có 2 container 40 feet nằm trên rờ moóc), tất cả đều gắn “biển đỏ”. Tại bãi xe, tiếng máy xe nổ gầm rú vang dội cả khu vực, lấn át dòng xe qua lại nơi đây.
Để tiện việc quan sát hoạt động của bãi xe này, trong vai một doanh nghiệp xuất nhập khẩu hạt nhựa muốn thuê xe container gắn “biển đỏ” chở hạt nhựa vào giờ cấm từ cảng Cát Lái (Q.2) đến nhà máy ở đường Tạ Quang Bửu (Q.8) thì có một người đàn ông tên Q. hỏi: “Sao ông biết chỗ này mà đến đây, ai giới thiệu?”. “Nhờ anh em làm xe ở cảng Cát Lái giới thiệu”. Nghe vậy, ông Q., cho biết: “Đoàn xe ở đây chuyên chở hàng ở cảng Cát Lái đi các KCN ở TP.HCM và các tỉnh, thành khác. Tôi điều phối xe, còn giá cả thì ông chủ quyết định. Tôi cho ông số điện thoại của ông chủ cũng tên Q. liên lạc hỏi giá cả”.
Chiều 4.3, ông chủ Q. chủ động gọi cho chúng tôi: “Nghe nói anh muốn chở hàng đi Tạ Quang Bửu (Q.8), chừng nào mình mới đi?”. Ông Q. cũng “thẩm tra” chúng tôi vì sao biết bên ổng nhận chở hàng. Sau một hồi giải thích, ông Q. chốt giá: “Chở hai container 20 feet, 15 tấn/container từ cảng Cát Lái đến đường Tạ Quang Bửu (Q.8) giá 6 triệu đồng, vì đi vào giờ cấm ban ngày nên giá hơi cao. Anh muốn trước 14 giờ ngày 6.3 hàng có mặt ở Tạ Quang Bửu thì phải báo vào sáng chủ nhật (5.3) để em sắp xếp”. Trong quá trình điều tra, chúng tôi ghi nhận nhiều doanh nghiệp vận tải lớn đều kiêng nể đoàn xe của ông Q. bởi nó hoạt động khá rầm rộ.
Ngày 7 – 8.3, PV Thanh Niên tiếp tục thâm nhập bãi xe này thì phát hiện các xe đầu kéo, rờ moóc mang biển số đỏ hôm trước đã di chuyển đi nơi khác, chỉ còn 1 xe đầu kéo màu xanh rêu gắn biển số trắng (51C-095.68) có một mảnh gỗ gác lên che mất một góc biển số; 1 xe tải màu xanh rêu nằm chổng đầu; 1 xe đầu kéo chở hai container 20 feet, đều tháo biển số. Tuy nhiên, chiếc xe đầu kéo gắn biển số trắng (51C-095.68) chính là chiếc xe trước đó vài hôm (ngày 4.3), PV ghi hình xe đầu kéo này lại mang biển số đỏ (TH 66-70). Xác minh “lai lịch” xe đầu kéo mang biển số trắng “đột ngột” này, chúng tôi bất ngờ phát hiện xe do ông T.X.N (ngụ đường Nghĩa Phát, P.7, Q.Tân Bình) đứng tên, số khung: NH407050, số máy: 11629626, sản xuất năm 1992, xe đầu kéo của Mỹ, trong năm nay sẽ hết niên hạn sử dụng. Chúng tôi liên lạc ông T.X.N hỏi về việc bán chiếc xe đầu kéo biển số 51C-095.68 thì được biết ông này bán cách đây khoảng 6 tháng với giá 130 triệu đồng cho ông Q…
Ngày 7.3, chúng tôi theo chân một xe đầu kéo gắn “biển đỏ” (TH 50-53) kéo theo rờ moóc (biển số BM-049) từ bãi xe ông Q. (ở Q.2) chạy ra đi lấy hàng. Khoảng 10 giờ 30 ngày 7.3, khi chiếc xe biển số TH 50-53 lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh (từ hướng cầu Phú Mỹ về quốc lộ 1A) đến giao lộ Nguyễn Văn Linh – Phạm Hùng, PV Thanh Niên phối hợp Tổ kiểm soát quân sự thuộc Tiểu đoàn kiểm soát quân sự 31 của Bộ Tư lệnh TP.HCM, CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra thì tài xế L.P.M (40 tuổi, quê Long An, HKTT: Q.11) xuống xuất trình giấy chứng nhận đăng ký xe đầu kéo, rờ moóc; giấy phép lái xe quân sự, nhưng không xuất trình được giấy phép công tác, lệnh điều xe, phiếu xuất kho. Sau đó, lực lượng kiểm soát quân sự yêu cầu tài xế chạy xe về bãi ở Q.4 (TP.HCM) tạm giữ, đồng thời lập biên bản vi phạm chuyển cho Thanh tra quốc phòng của Bộ Tư lệnh TP.HCM xác minh xử lý.
“Nếu tài xế có giấy phép lái xe quân sự thì bắt buộc tài xế phải mặc quân phục khi điều khiển phương tiện, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt của đơn vị chuyên ngành. Ngoài ra, tài xế M. không xuất trình được giấy phép công tác, lệnh điều xe, phiếu xuất kho là không đúng với quy định của ngành. Hiện vụ việc đang được thanh tra quốc phòng xác minh điều tra làm rõ”, đại tá Huỳnh Ngọc Hải, Phó chánh thanh tra quốc phòng, Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết.
(Còn tiếp)
Nhóm PVXH