Coi chừng ủ bệnh với thức ăn đường phố
Trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, không khó để bắt gặp hình ảnh người bán dùng tay không để bốc, chế biến, còn nhiều món ăn lại nằm “phơi mình” bên hè phố, chẳng che đậy, mặc cho xe khói, bụi bẩn…
Coi chừng ủ bệnh với thức ăn đường phố
Trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, không khó để bắt gặp hình ảnh người bán dùng tay không để bốc, chế biến, còn nhiều món ăn lại nằm “phơi mình” bên hè phố, chẳng che đậy, mặc cho xe khói, bụi bẩn…
Thức ăn đường phố rất gần gũi với nhiều người, nhưng cần lưu ý lời khuyên của các chuyên gia y tế – Ảnh: Hữu Khoa |
“Thức ăn đường phố bẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm từng cá thể hoặc ngộ độc hàng loạt. Nếu nhẹ thì chỉ bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy rồi hết nhưng nếu nặng có thể gây mất nước và tử vong. Đặc biệt, nếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi và người già thì rất dễ bị nhiễm trùng nặng |
BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương |
Dọc theo các tuyến đường từ Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh đến Điện Biên Phủ đoạn qua quận Bình Thạnh (TP.HCM) có đến hàng trăm gánh, xe đẩy bán đồ ăn sáng, ăn chiều, ăn tối với đủ các món từ xôi, bánh mì, bánh ướt, bún bò, mì xào… dọc hè đường. Có xe bún bò còn bán cạnh bên một tiệm làm đồ sắt, đầy bụi bay.
Mất vệ sinh
Chúng tôi thấy một người bán bánh ướt, vừa làm xong một hộp bánh đưa cho khách, chị nhận tiền rồi gửi lại tiền thừa mà chẳng tháo bao tay ra. Rồi cũng với bao tay ấy, chị thoăn thoắt bốc bánh ướt, cắt chả lụa, bỏ hành phi vào hộp bánh ướt tiếp theo.
Đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) các buổi tối cũng tấp nập hàng quán không kém. Có những điểm bán buffet trái cây với đủ loại trái cây cắt sẵn và được phơi bày trống lốc trên vỉa hè, dưới những khay đựng không được che đậy bởi bất cứ màng bọc thực phẩm nào. Nhìn xung quanh cửa nhà người dân khu này luôn bám đầy lớp bụi xe cộ chạy, bụi bẩn dễ dàng bám vào từng miếng trái cây đã được cắt sẵn trưng bày lớp lớp.
Khu chợ Bà Chiểu cũng sôi động không kém vào ban đêm với đủ các món ăn từ xôi, bún thịt nướng, bánh mì đến bắp, bánh ngọt… Người bán vô tư để gánh xôi, thúng bắp, mâm bánh của mình ngay lòng đường – nơi dòng xe qua lại tấp nập. Người nào kỹ một chút thì che bằng vài tấm nilông mỏng manh, có người mặc kệ.
Nguy cơ gây bệnh cao
Theo số liệu được công bố tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM mới đây, kết quả kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở quận 1 cho thấy năm 2016, trong số 2.222 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, có đến hơn 70% cơ sở không đạt chuẩn.
BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương – trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) – cho biết cần xét hai khía cạnh khi nói về thức ăn bẩn. Một là thức ăn bị nhiễm vi trùng (các vi trùng này sẽ tiết ra độc tố) và hai là do dùng hóa chất cấm hoặc dùng hoá chất quá mức cho phép trong thực phẩm.
BS.CK1 Đào Thị Yến Thủy phân tích thêm các loại thức ăn đường phố không hợp vệ sinh, thiếu kiểm tra kiểm mẫu, thường thiếu iốt, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao cấp tính hoặc mãn tính. “Thức ăn đường phố nhìn trực tiếp chế biến có vẻ ngon lành nhưng thật ra bên trong chứa nhiều chất kích thích, nêm gia vị mạnh tay… có thể sẽ làm ta ăn nhiều, nguy cơ thừa cân béo phì cao, tăng mỡ máu, cao huyết áp, đái tháo đường,…”, BS Yến Thuỷ cảnh báo.
BS Lưu Phương lưu ý một số loại thức ăn đường phố sẽ tạo cho ta cảm giác no giả tạo, về mặt dinh dưỡng, tiêu hóa đều không có lợi. Hệ tiêu hóa là hệ thống phản xạ có điều kiện. Vì thế nếu ăn lung tung, ăn lặt vặt thức ăn đường phố rồi bỏ qua các bữa ăn chính thì hệ tiêu hóa sẽ dễ bị xáo trộn, có nguy cơ viêm loét dạ dày.
Hại lâu dài
Về lâu dài, người dùng thức ăn chứa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm sẽ bị tích tụ độc tố trong các cơ quan như gan, thận, não, cơ quan sinh dục…gây suy gan, suy thận, dễ vô sinh, rối loạn nội tiết… Bên cạnh đó, việc sử dụng dầu mỡ cũ chiên đi chiên lại nhiều lần (kể cả đã lọc lại cho trong) cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư tiêu hoá, gan…
BS Yến Thủy cho rằng nếu quyết định ăn ở hàng quán vỉa hè thì ít nhất cần chọn quán có bàn ăn cao cách mặt đất 60cm để không bị rơi bụi vào chén ăn, chỗ bán hàng phải sạch sẽ không gần nơi để rác, thức ăn được nấu chín, không có ruồi nhặng, người bán không vừa thối tiền vừa bốc thực phẩm…
“Cần chú ý đừng lựa chọn những thực phẩm có nhiều màu sắc khác thường, nên chọn loại có màu tự nhiên, không ăn thực phẩm có mùi lạ, chảy nhớt…”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Một người nước ngoài ngộ độc methanol trong rượu lề đường Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa nhận thêm bốn người ngộ độc methanol, vào viện rải rác trong vài ngày gần đây. Bốn người này đều mua rượu uống ở các quán ăn vỉa hè. Trong số này có một người nước ngoài là Martin, 35 tuổi. Hôm 3-3, anh Martin đã mua rượu trắng ở phố Pháo Đài Láng về uống tại nhà. Đến ngày 6-3 có triệu chứng mờ mắt, người bệnh đã được đưa anh đi khám tại Bệnh viện Mắt T.Ư và đến ngày 7-3 được chuyển sang Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai do nghi ngộ độc methanol. Theo Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trong số bốn người ngộ độc methanol mới vào viện (bao gồm bệnh nhân Martin), có một người đang hôn mê, hai người có biểu hiện nhìn mờ, đau bụng. Tính từ ngày 22-2 đến nay, riêng Hà Nội có 11 người ngộ độc methanol. Đa số người bệnh cho biết đã uống rượu ở các quán ăn vỉa hè, hàng cơm bụi hoặc rượu không rõ nguồn gốc. Chiều 8-3, giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã dẫn đoàn kiểm tra truy tìm rượu nhiễm methanol tại các cơ sở ăn uống nhỏ lẻ khu vực quận Đống Đa. Đoàn đã kiểm tra nhanh 7 mẫu rượu trắng nhưng chưa phát hiện methanol trong các mẫu được kiểm tra. Ông Hiền đề nghị cơ sở y tế địa phương tiếp tục giám sát. Khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết số người bệnh xuất huyết tiêu hóa, sảng rượu, viêm tuỵ cấp do rượu… vào viện trong một tháng nay có xu hướng gia tăng. Hiện tại khoa đang có hai người bệnh sảng rượu phải buộc tay, chân vào giường tránh tình trạng kích động, trước đó có tới bốn người phải buộc tay, chân do bệnh nhân bị sảng, không nhận ra người thân, kích động… do rượu. Trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và các quận, huyện đã kiểm tra 225 cơ sở kinh doanh rượu, lấy 25 mẫu xét nghiệm tại labo, xét nghiệm nhanh 3 mẫu. Các mẫu rượu được lấy để đi xét nghiệm gồm rượu trắng, rượu nếp, trắng pha cẩm, rượu ngâm chuối hạt, nếp cái hoa vàng… tại các quận Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thường Tín… Kết quả đã phát hiện 2 mẫu có chứa hàm lượng methanol gấp từ 900 – 2.000 lần mức cho phép (100 mg/l). Rượu ở hàng cơm chứa methanol hơn 2.000 lần, đó là rượu trắng pha cẩm ở hàng cơm VT, khu giãn dân phường Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội.L.Anh |