Mở nút giao nghìn tỉ, chưa chắc hết kẹt xe
Trước tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên và nghiêm trọng tại nút giao An Phú, Q.2, UBND TP.HCM vừa đề xuất Bộ GTVT về phương án làm hầm chui với kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng.
Mở nút giao nghìn tỉ, chưa chắc hết kẹt xe
Trước tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên và nghiêm trọng tại nút giao An Phú, Q.2, UBND TP.HCM vừa đề xuất Bộ GTVT về phương án làm hầm chui với kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng.
Theo phương án đã được các sở ngành chức năng nghiên cứu, quy mô nút giao thông An Phú gồm tầng hầm chui, tầng trệt và cầu vượt.
Tầng hầm gồm 2 chiều kết nối đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng đi về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại. Tầng 1 sẽ bố trí cầu vượt qua đường Mai Chí Thọ theo hướng kết nối 2 chiều giữa đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và đường Lương Định Của.
TIN LIÊN QUAN
CSGT tiến hành giải tỏa 37 điểm kẹt xe nghiêm trọng ở TP.HCM
Chiều 1.3, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) tổ chức triển khai thí điểm phương án giải toả ùn tắc giao thông tại giao lộ Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ.
Ngoài ra, tuyến đường sắt nhẹ Long Thành – Thủ Thiêm và tuyến đường sắt TP.HCM – Nha Trang sẽ được bố trí đi trên cao vượt đường Mai Chí Thọ để vào ga Thủ Thiêm.
Tầng mặt đất sẽ bố trí giao bằng cho tất cả các hướng kết nối còn lại. Kết hợp cùng hầm chui, Sở GTVT TP.HCM đang có 4 phương án bố trí tầng trệt và cầu vượt cho nút giao thông này.
UBND TP.HCM đề xuất đầu tư sẽ phân kỳ theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng hầm chui 2 chiều (4 làn xe) kết nối đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại, tổng mức đầu tư dự kiến 1.036,7 tỉ đồng. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư hoàn chỉnh nút giao theo quy mô được duyệt. Mức đầu tư giai đoạn 2 chưa được UBND TP công bố.
Với lý do để nhanh chóng giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên diễn ra tại nút giao An Phú và tận dụng được nguồn vốn dư của dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận về quy mô xây dựng nút giao thông An Phú giai đoạn hoàn chỉnh và phân kỳ đầu tư xây dựng giai đoạn 1.
UBND TP cũng kiến nghị Bộ GTVT thống nhất việc TP.HCM tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nút giao giai đoạn 1 và bàn giao hồ sơ dự án cho Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) triển khai các công việc đầu tư tiếp theo bằng nguồn vốn dư nói trên.
TIN LIÊN QUAN
Hiến kế chống ùn tắc tại TP.HCM: Xóa dần kinh doanh mặt phố
Nhiều ý kiến cho rằng đây là giải pháp ít tốn ngân sách nhưng hiệu quả tức thì. Thực tế, văn hoá tận dụng nhà mặt phố để kinh doanh và thuận tiện đi lại đã khiến vỉa hè, đường phố, lộ giới bị lấn chiếm vô tội vạ, góp phần lớn vào vấn nạn kẹt xe hiện nay.
Còn đèn đỏ sẽ còn ùn tắc
Đồng thuận với việc sử dụng vốn dư của dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây để làm nút giao, giảm bớt gánh nặng ngân sách, nhưng kỹ sư Đức Kiên, một người có nhiều năm kinh nghiệm thi công đường cao tốc, cho rằng phương án xây dựng nút giao An Phú tương lai sẽ không giải quyết được kẹt xe.
Theo kỹ sư Kiên, xe từ ngã ba Cát Lái nếu vào cao tốc theo phương án này vẫn phải dừng chờ đèn xanh đèn đỏ. Bên cạnh đó, một số hướng xe đi vào đường cao tốc hay đường Mai Chí Thọ vẫn phải dừng đèn xanh, đèn đỏ.
Trong khi đó, thời gian tới, ở khu vực phía đông, ô tô của người dân và xe tải, container sẽ tăng lên rất nhiều, nên giao lộ quan trọng này phải triệt tiêu đèn đỏ. Nếu theo đề xuất, từ hướng đường cao tốc vào Lương Định Của chỉ là cầu vượt một nhánh. Như vậy, trong tương lai lại phải đục ra như cầu Nguyễn Văn Cừ nối thêm nhánh. Lẽ ra phải có giải pháp từ bây giờ, hướng đến tương lai 70 – 80% dân số đi xe hơi nên phải thiết kế đa chiều, đa tầng. Chính vì vậy, cần phải làm đa tầng, đa chiều, bỏ đèn xanh, đèn đỏ.
Nhận định về đề xuất xây dựng nút giao thông An Phú, KTS Đặng Vũ Doãn thuộc Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, cũng nhận định về lâu dài đây là phương án quá tốt để hoàn thiện hạ tầng tại cửa ngõ phía đông TP. Còn hiện nay nguyên nhân lớn nhất gây kẹt xe tại khu vực này do cảng Trường Thọ. Bởi lượng xe container quá lớn đi và đến từ cảng này đến cảng Cát Lái – cảng lớn nhất nước – đã gây quá tải trầm trọng cho xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống.
TIN LIÊN QUAN
TP.HCM nhiều xe máy nhất thế giới
Rất nhiều người dân ở 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM vẫn ao ước: giá như giao thông thành phố lúc nào cũng ‘bình yên’ như những ngày tết.
Mặc dù chủ trương di dời cảng Trường Thọ đã có từ rất nhiều năm trước, lãnh đạo UBND TP và Bộ GTVT đã ngồi họp bàn rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa di dời được. Vì vậy ông Doãn cho rằng để giảm kẹt xe cho khu vực phía đông, lãnh đạo TP.HCM nên cân nhắc triển khai dự án nào trước, dự án nào sau. Bởi nếu chỉ xây dựng nút giao An Phú mà không di dời cảng Trường Thọ thì kẹt xe vẫn không hết.
Cần tổ chức phản biện, thi tuyển kiến trúc
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nói rằng dự án nút giao An Phú rất quan trọng. Hiện nay tình trạng kẹt xe tại đây diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng, giao thông lộn xộn như ma trận nên phải làm hầm chui và cầu vượt vì rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Sanh, cần mời các hội KTS, Hội Xây dựng… để phản biện về quy mô và phương án xây dựng. Đồng thời, theo luật Xây dựng, đây là công trình quan trọng nên phải tổ chức thi tuyển kiến trúc. Thời gian vừa qua có nhiều dự án xây cầu vượt, hầm chui tại TP.HCM chọn nhà thầu theo chỉ định, trong đó có dự án xảy ra sự cố lún như cầu vượt ngã tư Thủ Đức…
Trong khi đó, KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng tại nút giao An Phú, đề xuất của TP là giải pháp tất yếu, nhưng vấn đề còn lại là giá cả phải hợp lý. Làm hầm chui đơn giản vậy mà tốn cả ngàn tỉ đồng thì quá cao. Ông lưu ý, khi làm hầm chui, để đỡ tốn tiền hơn, phải theo nguyên tắc tuyến đường nhỏ làm hầm chui vào tuyến lớn. Như đường cao tốc là lớn thì những tuyến đường nhỏ kết nối vào phải làm chui chứ không thể làm hầm chui ở đường cao tốc.
Ủng hộ việc lãnh đạo TP.HCM khẩn trương xây dựng nút giao khác mức tại An Phú, song KTS Ngô Anh Vũ, thuộc Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, lưu ý không nên xây dựng quá nhiều nút giao khác mức trong đô thị vì sẽ khiến đô thị ấy không thân thiện, khô cứng, giảm mỹ quan.
Trong khi đó, KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng các đường nội ô trong TP nên làm theo hướng cầu vượt và hầm chui, nhất là các tuyến đường mới. TP.HCM hiện rất ít hầm chui, cầu vượt mà chủ yếu là vòng xoay. Những đô thị có lượng phương tiện và dân số vừa phải thì vòng xoay đáp ứng được, còn đông đúc như TP.HCM hiện nay, vòng xoay sẽ tạo nên kẹt xe.
|
TIN LIÊN QUAN
Phân luồng độc đạo vào sân bay Tân Sơn Nhất
Cho rằng đề xuất sử dụng cáp treo đi vào sân bay Tân Sơn Nhất là không tưởng, nhiều chuyên gia cho rằng, phải phân luồng đường Trường Sơn là tuyến độc đạo vào sân bay như thiết kế ban đầu của nó thì mới giảm được ùn tắc cửa ngõ sân bay.
Đình Mười – Đình Sơn