Hội chứng “công chúa tóc mây”, nhổ tóc và… ăn tóc
Hội chứng công chúa tóc mây bao gồm hai dạng bệnh lý kết hợp là nhổ tóc (Trichotillomania) và chứng ăn bậy (Pica) – ăn những thứ không phải là thức ăn, thường gặp là ăn tóc và ăn đất.
Hội chứng “công chúa tóc mây”, nhổ tóc và… ăn tóc
Hội chứng công chúa tóc mây bao gồm hai dạng bệnh lý kết hợp là nhổ tóc (Trichotillomania) và chứng ăn bậy (Pica) – ăn những thứ không phải là thức ăn, thường gặp là ăn tóc và ăn đất.
Mới đây, một bé gái 6 tuổi, ngụ ở Biên Hòa, Đồng Nai vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 chẩn đoán bị hội chứng công chúa tóc mây (Rapunzel). Bé gái này thích nhổ tóc và ăn tóc.
Trường hợp hiếm
Bé gái được chẩn đoán bị hội chứng công chúa tóc mây này thích ăn tóc. Người nhà bé cho biết thỉnh thoảng thấy bé lượm tóc dưới sàn nhà ăn và bứt tóc bỏ miệng nhai. Bé suy dinh dưỡng, 6 tuổi nhưng chỉ nặng 13kg.
Bé nhập viện vì thời gian gần đây bé thường đau bụng, nôn ói khi ăn. Bác sĩ kiểm tra ghi nhận dị vật choán gần hết dạ dày, kéo xuống tận ruột non. Đường kính nơi lớn nhất của búi tóc là 12cm, chiều dài 40cm.
Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã mổ lấy búi tóc “khổng lồ” ra ngoài cho bệnh nhi. Hiện bệnh nhi đang được tiếp tục điều trị tại khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Theo bác sĩ Phạm Minh Triết – trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, hội chứng công chúa tóc mây bao gồm hai dạng bệnh lý kết hợp là nhổ tóc và chứng ăn bậy – ăn những thứ không phải là thức ăn thường gặp.
Coi chừng bệnh tâm lý
Bác sĩ Phạm Minh Triết cho biết những trẻ có thói quen nhổ tóc cũng có thể là bình thường nhưng cũng có thể là triệu chứng của tâm lý, tâm thần.
Về bệnh lý, đầu tiên nên xem trẻ có vấn đề gì về da và tóc không vì có những trẻ bị nấm tóc nên ngứa, gãi và nhổ tóc. Khi nhổ tóc, trẻ thấy đã ngứa nên nhổ tóc hoài. Do vậy, với một bé hay nhổ tóc, bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ khám để loại trừ bệnh từ da đầu.
Trẻ nhổ tóc còn gặp ở những trẻ ít được quan tâm và không có nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác. Trẻ nhổ tóc chỉ để được người nhà chú ý nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số bé nhổ tóc còn liên quan đến rối loạn lo âu. Do căng thẳng, sợ, trẻ sẽ có biểu hiện như mân mê tay áo hoặc có những trẻ lại nhổ tóc.
Trẻ hay nhổ tóc cũng có thể bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, biểu hiện qua việc trẻ có hành vi nhổ tóc lặp đi lặp lại thường xuyên, trẻ biết hành vi này không đúng nhưng không tự thay đổi được. Ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, từng tiếp nhận những trẻ có biểu hiện lo âu. Trước đó, trẻ đã nhổ tóc sạch hết một bên.
Tương tự, triệu chứng ăn bậy cũng có thể là bình thường và cũng có thể là bệnh lý. Một số dân tộc ăn đất sét hoặc một số bé do tuổi nhỏ quá không phân biệt được cái gì ăn được và cái gì không ăn được nên thấy cái gì cũng bốc bỏ vào miệng.
Những trường hợp này không được xem là bệnh lý. Tuy nhiên, ăn bậy cũng là biểu hiện tâm lý của bé khi muốn được người khác chú ý đến. Những trẻ chậm phát triển tâm thần, tự kỷ hay trẻ bị rối loạn cưỡng chế cũng có triệu chứng này.
Nên quan tâm đến trẻ
Bác sĩ Minh Triết khuyên, khi phát hiện ra trẻ ăn tóc hoặc ăn cái gì đó không phải thức ăn, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi kiểm tra xem đây có phải biểu hiện liên quan đến tâm lý, bệnh lý hay là biểu hiện trẻ muốn gây sự chú ý.
Quá trình điều trị tuỳ thuộc vào việc phân tích hành vi của trẻ. Nếu trẻ thích được quan tâm, không biết cách chơi các trò chơi thì chuyên gia tâm lý chỉ cần tư vấn cho các bậc cha mẹ quan tâm tới trẻ, dành cho trẻ khoảng thời gian cố định để chơi với trẻ và giới thiệu với trẻ những trò chơi khác.
Những trường hợp này điều trị khá đơn giản vì chỉ cần thay đổi cách chăm sóc, chơi với trẻ, trẻ sẽ cải thiện tốt. Với một số trẻ phát triển quá chậm, trẻ cần được giải thích những cái gì trẻ ăn được và không ăn được.
Còn những trường hợp liên quan đến rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế thì cần phải điều trị lâu dài, đôi khi kết hợp với điều trị thuốc…
“Khi ở mức độ trẻ tự giật tóc của mình để ăn, tạo thành búi tóc lớn nằm trong bao tử và một phần tạo thành đuôi thòng xuống ruột non, thậm chí xuống ruột già, có đủ hai yếu tố này gọi là chứng bệnh Rapunzel. Đây là một căn bệnh cực kỳ hiếm” – BS Đào Trung Hiếu, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1. |