Quên văn hoá, môi trường, Hội An sẽ chết!
Để Hội An trở thành điểm sáng du lịch của miền Trung và cả nước những năm qua có sự dày công vun đắp của chính quyền và người dân phố Hội.
Quên văn hoá, môi trường, Hội An sẽ chết!
Để Hội An trở thành điểm sáng du lịch của miền Trung và cả nước những năm qua có sự dày công vun đắp của chính quyền và người dân phố Hội.
“Du khách đến Hội An không phải đi xem di tích mà thích lang thang phố cổ, vào chợ, thăm thú vùng quê, sông nước, giao lưu với người Hội An”. Trong ảnh: vẻ đẹp Hội An một ngày mờ sương – Ảnh: DƯƠNG MINH LONG |
Song thời gian gần đây, du khách tấp nập khiến phố cổ quá tải và nhiều vấn đề thách thức đặt ra.
Tuổi Trẻ đối thoại với ông Nguyễn Sự – nguyên bí thư Thành uỷ Hội An (Quảng Nam), người mà tên tuổi đã gắn liền với một giai đoạn phát triển chuyển mình của du lịch Hội An – về những thách thức mới không chỉ của riêng đô thị cổ này.
Điều cốt tử
* Gần đây có nhiều lời phàn nàn về du lịch Hội An khi đô thị cổ này ngày càng đón nhiều du khách. Chắc ông cũng thường xuyên nhận được những góp ý đó. Ông thấy gì qua những ý kiến đó?
– Khách đến Hội An ngày càng đông là điều đáng mừng, phải biết làm sao khách đông nhưng vẫn giữ được Hội An, chứ không phải đổ lỗi khách đông không kiểm soát được.
Bây giờ tình trạng buôn bán chụp giật, chèo kéo, xô bồ tràn ngập phố cổ, đó là sự tổn thương. Hội An vô cùng mong manh, nó bền vững được thời gian qua bởi nhiều người Hội An cảm nhận được sự mong manh đó nên phải giữ.
Những người Hội An, kể cả người quản lý, lãnh đạo phải ý thức rất rõ rằng Hội An rất dễ bị tổn thương, dễ vỡ. Chúng ta không cố ý mà vô tình làm cho chúng bị vỡ, lúc ngộ ra thì mọi thứ đã qua, nước đã chảy qua cầu rồi thì khó mà cứu vãn được. Đó là nguy cơ thật sự với Hội An.
* Phải chăng Hội An đang bị cuốn đi, đang phát triển bằng mọi giá?
– Phải hiểu là Hội An đi lên bằng cái gì, du lịch chiếm tỉ trọng đến 70% kinh tế Hội An, nhưng du lịch Hội An bắt đầu từ văn hóa, từ tài nguyên, các giá trị nhân văn của người Hội An.
Phải nhất quán một điều: dù phát triển đến đâu nhưng phải xây dựng trên nền tảng văn hoá. Thứ hai là sinh thái, môi trường. Quên hai điều đó thì Hội An sẽ chết. Các giá trị này mất đi thì để xây dựng lại là câu chuyện không đơn giản, đôi lúc mất vài ba thế hệ.
Hội An trong tâm thức mỗi người là một địa chỉ thân thiện, đáng đến, thậm chí là đáng sống. Mảnh đất này hiền hòa và có bề dày văn hoá dữ dội. Nó không chỉ là phố cổ, là di tích mà là con người, là nếp sống, cách ứng xử.
Di tích Hội An không hoành tráng, quy mô, to tát, niên đại không dài nhưng nhiều người vẫn thích đến Hội An. Họ không phải đi xem di tích mà thích lang thang phố cổ, vào chợ, thăm thú vùng quê, sông nước, giao lưu với người Hội An. Không những họ đến một lần, một ngày mà nhiều lần, thậm chí có người ở cả tháng.
Điều gì làm cho người ta say mê mà rủ rê đến Hội An, theo tôi, đó là từ con người Hội An trong không gian Hội An. Đó là điều cốt tử, quyết định, quan trọng nhất đến giờ để Hội An vẫn phát triển, vẫn đi cùng thiên hạ, không tụt lại phía sau.
Hiện nay áp lực kiếm tiền lớn quá lớn, đôi khi chúng ta quên đi những điều lớn hơn là văn hoá, là ứng xử, là sự thuần hậu… |
Ông Nguyễn Sự |
Ông Nguyễn Sự – Ảnh: Việt Hùng |
* Có nhiều cảnh báo Hội An đang tụt lại, có phần mất bản sắc và nhạt nhoà. Là người luôn thao thức về Hội An, cái nhìn của ông về hiện tượng này ra sao?
– Những điều tôi đề cập ở trên phải giữ, để khi mất rồi, nhạt nhòa rồi thì có tội lỗi với quá khứ, tương lai. Một con đường chưa có tiền để làm thì tương lai con cháu sẽ làm, làm to hơn; một cây cầu chưa mở thì sau này con cháu sẽ làm hoành tráng hơn.
Nhưng nếu không lo xây dựng, không lo vun xới những giá trị truyền thống tốt đẹp thì mất rồi không tìm lại được nữa. Các giá trị văn hóa tốt đẹp đó mất đi thì chính anh đã bị đồng hóa trên chính mảnh đất mình.
Mặt khác, không giữ các giá trị tự nhiên thì trả bài học lớn. Hàng loạt vấn đề sẽ xảy ra, toàn bộ không gian sống ở Hội An này bị lấp hết ruộng, lấp hết sông, xây hết trên các cồn bãi, lấn chiếm bằng nhà cao tầng thì anh góp phần phá vỡ không gian sống.
Cứ nghĩ bán đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn dân vào khu dân cư nhưng anh làm thế là phá vỡ các giá trị của làng, của xóm, người dân cũng bị lưu vong trên mảnh đất mình.
Không giữ giá trị tự nhiên thì trả bài học lớn
* Vậy muốn cho Hội An vẫn là một nơi chốn yên bình trong lòng du khách khi đến cũng như khi rời xa, theo ông cần phải làm gì?
– Khi tôi còn làm việc đã thấy, bây giờ chuyện đó vẫn còn nguyên nguy cơ đó. Nó làm tổn thương Hội An nhiều thứ, từ môi trường tự nhiên, thiên nhiên đến văn hóa.
Bây giờ làm thế nào để giữ Hội An, câu trả lời dành cho cả cộng đồng cư dân Hội An, đặc biệt là những người quản lý Hội An. Hội An đã thành “thương hiệu”, tự hào với quê hương của mình là điều cần thiết nhưng đừng tự cao, lúc nào cũng cảm thấy mình hơn thiên hạ, là số một.
* Từ kinh nghiệm của chính mình, ông có góp ý gì về giữ gìn và phát triển “thương hiệu” Hội An?
– Không phải xây dựng một cái cầu, một công trình thì mới là chuyện lớn, mà chuyện giữ hình ảnh Hội An phải là ưu tiên số một, phải thường trực trong suy nghĩ.
Phải xấu hổ khi có người nói Hội An chuyện này chuyện kia, vui khi được nghe khách khen người Hội An tốt. Phải phẫn nộ khi có một hành động làm hình ảnh Hội An xấu xí. Tôi có cảm giác anh em không phải là vô tâm nhưng chưa thấy cái nào quan trọng hơn.
Mọi cái bất cập, tồn tại nó bày biện trên phố cổ chứ không phải nhỏ như cây kim sợi chỉ gì mà không thấy. Điều quan trọng là anh phải cầu thị, lắng nghe.
* Dù đã về hưu rồi, ông có thường xuyên nhận những góp ý của dân không?
– Nhiều chứ. Tôi cảm ơn họ vì họ còn quý tôi, quý Hội An mà góp ý.
* Rồi ông có phản ảnh lại với lãnh đạo Hội An bây giờ không?
– Có chứ! Tôi chuyển những ý kiến đó cho anh em đương chức, điều đáng quý là khi nhận được những ý kiến phản ảnh, anh em đã cho kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh.
Đừng “đường xưa lối cũ”
* Nhiều người cho rằng du lịch Hội An đang ăn dần vào quá khứ, ông có thấy vậy không?
– Nói Hội An ăn dần vào quá khứ thì cũng không công bằng với chính quyền hiện tại. Nhưng có lẽ anh em làm thế nào mà để bụi bặm phủ vào quá khứ tốt đẹp, phải lau lại cho nó sạch, nó sáng quá khứ tốt đẹp đó đi. Hãy tạo ra giá trị mới, sản phẩm mới trên giá trị của Hội An.
Bởi người ta đi du lịch là đến tìm giá trị ở vùng đất Hội An chứ không phải tìm giá trị vùng đất giống họ. Phải tạo ra sản phẩm mới trên nền tảng giá trị của anh chứ đừng “đường xưa lối cũ” lặp lại, rất nguy hiểm, nhàm chán.
Nếu biết giữ hình ảnh tốt đẹp thì bán ăn suốt đời chứ đừng “chặt chém”, chụp giật, chửi bới, trọng khách nước ngoài, coi thường khách VN, nghe khách nước ngoài thì lấy tiền cao hơn, đó là những điều bất ổn mới xuất hiện gần đây.
* Vậy theo ông, việc cần làm trước mắt để Hội An mãi là nơi hội tụ bình an cho mọi người là gì?
– Trước mắt cần làm là tập trung giải quyết bài toán văn hoá. Có nghĩa là phải khơi dậy và làm cho người dân Hội An họ tự hào về mảnh đất của mình.
Phải xây dựng cho được ý thức, các giá trị cộng đồng vốn có, con người có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và với xã hội. Người ta biết quan tâm nhau, biết lên án và không chấp nhận cái xấu, luôn ủng hộ những điều tốt đẹp. Chính quyền phải chú tâm làm việc, phải quyết liệt xử lý các trường hợp làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch Hội An.
Điều quan trọng là anh có làm hay không, làm thường xuyên, nó giống như cơm ăn nước uống hằng ngày. Góc phố nhếch nhác phải xử lý ngay, thấy một bịch rác vất ra đường thì có ý kiến ngay, chèo kéo thì phạt ngay. Xử lý để làm gương, để nói mọi người rằng Hội An chỉ tồn tại những gì đàng hoàng, tử tế.
Sứ mệnh du lịch không chỉ lấy tiền – Hồi tôi làm “Đêm phố cổ”, cũng rất nhiều người dân chửi nhưng mình nghĩ làm vì cái chung cho dân, không lợi ích riêng, mình kiên quyết làm. Giờ gần 20 năm “Đêm phố cổ” sống được trong lòng người dân Hội An, trong lòng du khách. Đó là một sản phẩm mới nhưng mang giá trị Hội An, không lai tạp nơi khác. Anh em nói với tôi sao không làm khu phố Tây, chơi thâu đêm suốt sáng. Nhưng tôi nghĩ khách Tây qua đây là để tìm giá trị của Hội An chứ không phải tìm giá trị của nước họ ở đây. Sứ mệnh du lịch không chỉ lấy tiền mà còn đưa hình ảnh, văn hóa của anh ra cho thiên hạ, đó mới là điều quan trọng. |
Dân chửi lên chửi xuống nhưng ủng hộ * Lúc ông còn làm chủ tịch rồi bí thư Hội An, hình như cũng đã có những cảnh tỉnh chứ không phải bây giờ? – Hồi tôi mới làm chủ tịch TP cũng làm gì to tát đâu, làm những việc như trật tự đô thị, sắp xếp kinh doanh buôn bán, thái độ với du khách… mà làm cả năm trời, cả ngày lẫn đêm. Dân chửi lên chửi xuống nhưng sau đó thì ủng hộ. Những việc làm đó đã tạo cho du khách thấy an bình, thân thiện khi đến Hội An. Sự phát triển nào cũng có sự trả giá nhưng để đến tình trạng báo động, khó kiểm soát là không được. Phải coi bài toán môi trường xã hội, ứng xử, kinh doanh, buôn bán, giá cả, cảnh quan, trật tự, an ninh, vệ sinh là số một. Anh phải làm quyết liệt và thường xuyên, phải đặt nó thành việc quan trọng để giữ và phát triển Hội An. Cái này mà anh không làm là mất lớn đấy. |