Tìm đâu ra chỗ đậu xe?
Qua ghi nhận, nhiều tuyến đường được phép đậu xe ô tô tạm dưới lòng đường có thu phí như Đông Du, Mạc Thị Bưởi, Huyền Trân Công Chúa… luôn trong tình trạng kín chỗ.
Tìm đâu ra chỗ đậu xe?
Qua ghi nhận, nhiều tuyến đường được phép đậu xe ô tô tạm dưới lòng đường có thu phí như Đông Du, Mạc Thị Bưởi, Huyền Trân Công Chúa… luôn trong tình trạng kín chỗ.
UBND Q.1 và các quận khác của TP.HCM đang quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường, nhưng vấn đề rất thực tế không thể không nhắc đến là hiện nhu cầu chỗ đậu xe tại trung tâm thành phố đang rất lớn, mà bãi đậu ô tô, xe gắn máy thì vô cùng khan hiếm.
TIN LIÊN QUAN
TP.HCM đề xuất xây dựng nhiều bãi đậu xe cao tầng
Sở GTVT TP.HCM cho biết, vừa kiến nghị cơ chế chỉ định nhà đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng hợp tác công tư) đối với một số dự án xây dựng bãi đỗ xe cao tầng mang tính cấp bách.
Trung tâm không còn chỗ trống
Qua ghi nhận thực tế, nhiều tuyến đường được phép đậu xe ô tô tạm dưới lòng đường có thu phí như Đông Du, Mạc Thị Bưởi, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Cư Trinh (Q.1), Lê Hồng Phong (Q.10), Bà Huyện Thanh Quan (Q.3)… luôn trong tình trạng kín chỗ.
“Những chỗ này giá giữ xe ô tô UBND TP quy định chỉ 5.000 đồng/lượt, nhưng tôi thường đưa cho nhân viên giữ xe 10.000 đồng vì thấy giá quá rẻ so với những bãi giữ xe của tư nhân”, anh Ẩn, một người làm kinh doanh ở Q.1, cho biết. Trong khi đó, anh M., ngụ ở Q.9, than rất khó tìm được chỗ đậu xe ở khu trung tâm TP nên anh phải chạy lòng vòng rất mệt mỏi, vừa gây kẹt xe vừa tốn kém nhiên liệu, thời gian.
|
Ngay tại nhà để xe cao tầng của Tổng công ty cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco) tại 326 Võ Văn Kiệt (Q.1), với sức chứa trên 400 chỗ ô tô (từ tầng 5 – 9), chưa kể tầng hầm dùng đậu xe gắn máy cho 2 tòa nhà văn phòng gần đó, cũng không còn chỗ trống.
Bà Võ Thị Minh Hà, Trưởng ban Quản lý các tòa nhà Samco, cho biết ở đây khách chủ yếu gửi xe theo tháng với mức giá giữ xe 2 triệu đồng/tháng cho một chỗ đậu xe cố định, nhà để xe này đã thu hút rất nhiều người đến gửi.
Thậm chí, không ít người ở quận khác cũng mang xe đến gửi. Samco đang xúc tiến tìm vị trí để đầu tư các nhà để xe cao tầng khác.
Dự án bãi đậu xe trên… giấy
Theo quy hoạch, khu vực trung tâm TP còn có nhiều dự án bãi đậu xe ngầm và nổi, nhưng đều… trên giấy. Dự án có khả năng khởi công sớm là bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng, theo đại diện Phòng Kế hoạch – Sở GTVT TP, có thể khởi công trong tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương – chủ đầu tư dự án này, cho biết tháng 4 có thể vẫn chưa khởi công, vì các thủ tục đền bù phần sân khấu chưa xong.
Đối với dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám (Q.1), đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết Sở chỉ đôn đốc nhà đầu tư sớm khởi công chứ chưa biết thời điểm nào vì phụ thuộc vào nhà đầu tư. Theo ông Lê Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS, chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám), hiện vẫn chưa xác định được cụ thể thời điểm khởi công dự án do chưa hoàn thành thủ tục, nguồn vốn.
Với các dự án bãi đậu xe cao tầng trên mặt đất như dự án bãi đậu xe sau lưng Nhà hát TP; dự án trên đường Phạm Hồng Thái đoạn bên hông công viên 23 Tháng 9, Q.1, theo đại diện Phòng Kế hoạch – Sở GTVT TP, đến nay cũng mới chỉ là có ý tưởng của các nhà đầu tư, chưa có dự án nào được trình và phê duyệt. Còn tại công viên Gia Định, nhà đầu tư – Công ty Satsco đề xuất xây dựng nhà đậu xe tạm dạng nổi hoạt động một thời gian nhằm trung chuyển phương tiện vào ra sân bay Tân Sơn Nhất, cũng vẫn chỉ là đề xuất.
Cần giải pháp cấp bách
Theo TS Phạm Sanh – chuyên gia giao thông, chính quyền cấp quận, huyện tại TP.HCM đang ra sức lập lại trật tự vỉa hè và lòng đường, nhưng việc này chỉ là phần ngọn, không thể giải quyết căn cơ nếu các cấp cao hơn như UBND TP, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng vẫn đứng ngoài việc đẩy mạnh xây dựng các nhà đậu xe, bãi đậu xe cho người dân TP.
Bởi nhu cầu mua sắm ô tô để đi lại, kinh doanh, mưu sinh chắc chắn sẽ tăng cao trong thời gian tới. Đó là chưa kể một lực lượng lao động lớn tham gia taxi, Grab, Uber, dù có hợp pháp hay chưa thì chính quyền TP cùng các cơ quan thuộc Chính phủ như Bộ GTVT, Bộ Xây dựng cũng phải khẩn trương giải quyết vấn đề chỗ đậu xe.
Nếu không, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để đậu xe lại tái diễn. Và cuộc “rượt đuổi” cũng sẽ xảy ra bởi không thể cấm người dân mua sắm ô tô. “Với các dự án bãi đậu xe ngầm, do đã hàng chục năm trôi qua mà vẫn không nhà đầu tư nào thực hiện được nên cần xem xét thật kỹ tính khả thi. Nếu không phù hợp, khả năng thu hồi vốn thấp cũng nên thay đổi”, TS Phạm Sanh đề xuất.
Còn theo thạc sĩ Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều Đức), nếu chỉ dọn dẹp vỉa hè, lòng đường mà không tính đến chỗ đậu xe thì chỉ mới giải nửa bài toán. Trong khi chờ đợi có đủ các nhà để xe, nên chú trọng đến khâu tổ chức, sắp xếp.
Chẳng hạn, đường Đồng Khởi, Q.1 có thể cho đậu một làn ô tô bên phải, thu phí cao và thu theo giờ. Nhiều tuyến đường như Lê Lai, Phan Bội Châu (Q.1) còn chỗ trống nên có thể cho đậu 5 – 6 chiếc và có thu phí. Các hàng quán phải có chỗ đậu xe cho khách mới được cấp phép. Nếu không có chỗ thì phải đóng một khoản tiền cho TP để TP đầu tư bãi đậu xe như nhiều quốc gia khác đã làm.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông, đề xuất TP tính đến giải pháp tạm là ngăn các tuyến phố phù hợp để tổ chức đậu xe trong khi chờ các dự án bãi đậu xe được triển khai, để đáp ứng nhu cầu đậu xe hằng ngày, hằng giờ. Trong khi đó, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay ở Mỹ, Canada… hầu hết các nhà hàng phải có bãi đậu xe đủ chỗ cho khách, nếu không đủ thì không được phép mở. VN cũng nên làm vậy.
Đình Mười