Tại cuộc họp với các sở, ngành bàn về tình hình kinh tế – văn hoá – xã hội hôm qua 27.2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu 24 quận, huyện phải cùng ra quân, xử lý triệt để việc lấn chiếm lề đường.
Đồng loạt ra quân lấy lại vỉa hè
Tại cuộc họp với các sở, ngành bàn về tình hình kinh tế – văn hoá – xã hội hôm qua 27.2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu 24 quận, huyện phải cùng ra quân, xử lý triệt để việc lấn chiếm lề đường.
“Chủ tịch hoặc phó chủ tịch phải xuống chỉ đạo trực tiếp, tác phong làm việc phải như vậy, chứ giờ còn ngồi bàn giấy chỉ đạo là không được”, ông Phong nhấn mạnh, sau khi biểu dương cách xử lý quyết liệt của Q.1 để lấy lại vỉa hè cho người đi bộ.
‘Chúng ta phải chịu khó ra địa bàn chỉ đạo trong các giờ nhạy cảm, cho các vụ việc nhạy cảm mới được việc, chứ ngồi bàn giấy chỉ đạo thì chẳng ra việc đâu’, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Quy định xử lý rất đầy đủ
Đơn vị vi phạm sẽ trả tiền chi phí tháo dỡ cũng như cẩu kéo phương tiện vật dụng lấn chiếm lề đường. Đối với các xe vi phạm, ngoài đóng phạt theo biên bản đậu không đúng nơi quy định thì các xe bị lực lượng cẩu kéo về phải đóng tiền cho lực lượng cẩu kéo
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1
Trưa cùng ngày, buổi họp báo định kỳ tháng 2.2017 tại UBND TP.HCM cũng nóng lên khi nói về tình trạng ngang nhiên, công khai lấn chiếm vỉa hè. Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP.HCM, nhận định trật tự đô thị là vấn đề đáng lo ngại nhất của TP và UBND Q.1 đã giải quyết rất quyết liệt, quyết tâm cao trong lập lại trật tự, nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội. “Văn phòng UBND TP vừa phối hợp với cơ quan chức năng Q.1 đi kiểm tra 10 ô tô đậu trước UBND TP thì phát hiện có 8 xe gắn thẻ ưu tiên giả (thẻ ưu tiên trước đây được UBND TP cấp cho các xe đến liên hệ công tác, dự họp thường xuyên ở trụ sở uỷ ban, xe có thẻ này được đậu phía sau lưng tượng đài Bác Hồ – PV)”, ông Hoan thông tin và cho biết đã yêu cầu xoá điểm đỗ xe này nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết lấn chiếm lòng lề đường. “Các xe đến liên hệ ở UBND TP.HCM có thể đậu ở các hầm gửi xe của các khách sạn lân cận. Riêng đối với thẻ ưu tiên từng được UBND TP.HCM cấp sẽ bị huỷ, không có giá trị nữa”, ông Hoan nói.
Xung quanh một số ý kiến nghi ngại về tính pháp lý khi đoàn liên ngành của Q.1 đi kiểm tra đã quyết liệt tháo dỡ, đập bỏ ngay những công trình lấn chiếm vỉa hè… Ông Hoan nói: “Có người đặt dấu hỏi việc làm này nhanh quá, liệu có đúng quy trình hay không? Thực ra, vấn đề ra quân xử lý lòng lề đường đã được đặt ra từ trước đến nay. Những quy định pháp luật về xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường rất đầy đủ, nhưng do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, đặc biệt ở các khu đô thị mới hay ngoại thành, càng xa trung tâm TP thì việc quản lý lòng lề đường càng bị buông lỏng, dẫn đến những công trình tồn tại lâu nay. Vì vậy, việc xử lý quyết liệt là cần thiết”.
Cũng theo ông Hoan, việc Q.1 ra quân xử lý lấn chiếm lòng lề đường như một cơn lốc, liên tục và liên tục, làm đúng với chỉ đạo của TP. “Không chỉ Q.1 mà các quận huyện khác cũng cần phải ra quân quyết liệt, dứt khoát để trả lại lòng lề đường về đúng chức năng của nó”, ông Hoan nhấn mạnh.
Ông Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo tháo dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè chiều 27.2ẢNH: NGUYỄN LÂM
Buộc người vi phạm trả chi phí tháo dỡ, cẩu xe…
Cũng trong hôm qua, đoàn kiểm tra liên ngành Q.1, do ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận, dẫn đầu tiếp tục tiến hành lập lại trật tự lòng lề đường, tháo dỡ các công trình vi phạm lấn chiếm vỉa hè trên nhiều tuyến đường, bao gồm cả những công trình liên quan đến cơ quan nhà nước… “Đây là công trình lấn chiếm phải trả lại lề đường cho người đi bộ”, ông Hải cương quyết.
Trả lời câu hỏi thời gian qua đoàn liên ngành đã tháo dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè và cẩu kéo nhiều xe vi phạm về trụ sở chờ giải quyết, vậy ai sẽ trả các chi phí phát sinh từ việc này, ông Hải khẳng định: “Đơn vị vi phạm sẽ phải trả các chi phí này. Đối với các xe vi phạm, ngoài đóng phạt theo biên bản đậu không đúng nơi quy định, nếu bị lực lượng cẩu kéo về thì phải trả chi phí cẩu kéo”. Cũng theo ông Hải, sau khi lực lượng chức năng giải toả công trình, vật dụng vi phạm, nếu đơn vị nào cố tình tái phạm lấn chiếm lòng lề đường sẽ bị phạt nặng. “Sẽ không có chuyện xử phạt xong thì buông lơi, không xử lý”, ông Hải nói.
Khẳng định thêm về tính pháp lý trong việc lấy lại vỉa hè cho người dân, ông Nguyễn Chí Việt, Phó chủ tịch UBND P.Nguyễn Thái Bình, Q.1 cho biết: “Chúng tôi đã thông báo cho các đơn vị trên địa bàn phường, từ ngày 23.2 chiến dịch ra quân dẹp bỏ lấn chiếm vỉa hè của UBND quận sẽ triển khai và xử lý triệt để. Đa số các hộ dân đã chấp hành và được thông báo nên hầu hết các hộ đều chấp hành việc tháo dỡ”.
Theo Đội quản lý trật tự đô thị Q.1, sau 40 ngày (16.1 – 26.2) ra quân đảm bảo trật tự an toàn đô thị trên địa bàn, UBND quận đã lập biên bản xử phạt 875 trường hợp vi phạm. Trong đó có 85 trường hợp vi phạm liên quan đến vệ sinh môi trường (xả rác, tiểu bậy, xả nước thải), còn lại 790 trường hợp vi phạm về lấn chiếm vỉa hè (đỗ xe, bày bán hàng hóa, bán hàng rong…). Tất cả các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản, tiền phạt thu về ngân sách gần 500 triệu đồng.
Trong đêm 26.2, Đoàn kiểm tra UBND Q.1 (TP.HCM) tiến hành lập biên bản xử phạt 2 xe biển xanh đậu trên vỉa hè, đồng thời bứng luôn cặp sư tử đá và tháo dỡ gà trống mô hình trước quán nhậu.
Tự giác phá dỡ công trình lấn chiếm
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng Q.1 và một số địa phương đã mang lại hiệu ứng tốt. Những ngày qua, nhiều quận huyện cũng đã triển khai lực lượng kiểm tra, tái lập trật tự vỉa hè, lòng đường trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình, cơ quan đã tự giác phá dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè.
Chiều 26.2, trước nhà 85A Trần Đình Xu (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1), bậc tam cấp được người dân tự phá bỏ. Người thuê căn nhà này cho biết được sự đồng ý của chủ nhà nên sẽ sửa chữa lại cho phù hợp. Cách đó không xa, trước một căn nhà cũng trên đường Trần Đình Xu, một người đàn ông đội mưa cố gắng hoàn thiện việc lắp bậc tam cấp bằng sắt, nhỏ gọn để không chiếm diện tích vỉa hè, thay cho bậc tam cấp bằng bê tông trước đó vừa được bỏ. Trong khi đó từ trưa đến cuối chiều 26.2, tại Bệnh viện (BV) Phụ sản quốc tế Sài Gòn (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) nhiều công nhân tất bật đập bỏ mảng bê tông ghi bảng tên BV trên vỉa hè đường Tôn Thất Tùng. Trả lời PV Thanh Niên, đại diện BV cho biết đã chủ động đập bỏ mảng bê tông để tạo sự thông thoáng vỉa hè cho người đi bộ…
Chiều 27.2, dọc các tuyến phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào, Chả Cá, Lương Văn Can… thuộc Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), đoàn công tác của công an quận và các phường trên địa bàn đồng loạt ra quân xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè. Hàng chục hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, mặt đường đã bị lập biên bản xử lý; nhiều phương tiện dựng đỗ trái phép bị tạm giữ, xử phạt. Thượng uý Đinh Thanh Tùng, Cảnh sát trật tự P.Hàng Đào, cho biết việc ra quân xử phạt, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ được thực hiện thường xuyên từ mùng 5 Tết Nguyên đán 2017 đến nay.