GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ nhiệm Đề án soạn thảo bộ Lịch sử Việt Nam 30 tập, cho biết những vùng bị khuất dễ bị lợi dụng của cách viết sử trước, sẽ được lấp trong bộ sử này nhờ cách nhìn mới và ngôn ngữ khoa học.
Lấp đầy vùng khuất lịch sử
GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ nhiệm Đề án soạn thảo bộ Lịch sử Việt Nam 30 tập, cho biết những vùng bị khuất dễ bị lợi dụng của cách viết sử trước, sẽ được lấp trong bộ sử này nhờ cách nhìn mới và ngôn ngữ khoa học.
Xin ông cho biết về việc chuẩn bị và tiến độ của việc biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam 30 tập mà giới nghiên cứu đang gọi là bộ Quốc sử?
Giáo sư Nguyễn Quang NgọcẢNH: NGỮ THIÊN
– Việc chuẩn bị bộ Quốc sử với 25 tập chính sử, 5 tập biên niên đã được chuẩn bị từ lâu rồi chứ không phải bây giờ đùng một cái làm. Năm 2000, khi Khoa Lịch sử (ĐH KHXH-NV – ĐH Quốc gia Hà Nội) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó ủng hộ xây dựng bộ Quốc sử VN. Thủ tướng cũng yêu cầu ngay khoa lịch sử làm đề án. Khi đề án đưa lên thì các bộ, ban ngành có ý kiến nên chuẩn bị đầu tư kỹ hơn. Bộ KH-CN khi ấy đã đề xuất có một bước chuẩn bị, sau đó một đề tài độc lập cấp nhà nước đã được cấp để làm bộ Lịch sử Việt Nam 4 tập, tiến tới để làm đề án Quốc sử bây giờ.
Đề án bộ Quốc sử thì mới hoàn thành năm 2014, và năm 2015 mới triển khai, cố gắng hoàn thành vào 2018.
* Ông từng nói bộ sử sẽ có một số quan điểm khác hẳn trước. Xin ông nói rõ hơn?
– Khi triển khai 4 tập trước thì thấy cách trình bày lịch sử VN đã khác rất nhiều so với trước, đem ra thảo luận, tìm được nhất trí cao. Vì trước chúng ta viết sử là dựa theo các bộ sử của các cụ đời trước để viết, như là cụ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên… Các bộ sử thời trước, nói đúng ra được chép chính xác là sử của Đại Việt, ví dụ như Lê Văn Hưu là Đại Việt sử ký toàn thư. Sử Đại Việt là sử chính dòng của lịch sử VN, tính từ Hùng Vương dựng nước rồi Văn Lang Âu Lạc… rồi Đại Cồ Việt, Đại Việt.
Từ 1067, lúc đó Nam tiến mới chép thêm Quảng Bình, rồi nhà Trần mở đến đâu, rồi Lê Thánh Tông thì mở đến Bình Định, rồi sau đó mở thêm hai nước nữa là Nam Bàn và Hoa Anh, rồi chúa Nguyễn Phúc Nguyên mở ra đến Nam bộ… Quá trình mở cõi và định cõi để có như ngày hôm nay. Như thế có nhiều câu chuyện lịch sử, vấn đề lịch sử chúng ta bỏ qua. Chúng ta nhớ rằng trên phạm vi lãnh thổ VN không phải một vùng có lịch sử dựng nước mà cả 3 vùng đều có lịch sử dựng nước.
Đồng vàng La Mã từ năm 308 Công nguyên và đồng vàng La Mã phát hiện tại di chỉ Óc EoẢNH: DIỆP ĐỨC MINH
* Xin ông cho ví dụ về những vùng nào bị khuất và sẽ được lấp?
– Đại Việt Sử ký toàn thư chỉ tính phạm vi nhà nước Đại Việt là từ Quảng Bình đổ ra Bắc. Từ Quảng Bình đổ vào Bình Thuận thì vùng đó là một vùng không gian văn hoá Sa Huỳnh. Khi đó nhà nước của người Sa Huỳnh cổ, trước giờ bị bỏ qua. Rồi nhà nước của Lâm Ấp và sau này là Chăm Pa. Một vương quốc rất huy hoàng, một vương quốc biển hùng mạnh ở khu vực châu Á. Một nhà nước tổ chức và làm chủ trên Biển Đông như vậy nhưng các bộ sử trước đây không đụng đến, thậm chí bị coi là nhạy cảm. Có những người nghiên cứu nhưng là nghiên cứu về văn hoá Chăm Pa, nghiên cứu về khảo cổ học Chăm Pa chứ còn đặt trong logic lịch sử của lịch sử VN thì nhiều người không coi là một phần. Đó là khoảng trống quá lớn cần lấp.
Ở khu vực phía nam, cả đông và tây Nam bộ, cũng có lịch sử lâu đời. Đến giai đoạn văn hóa Đồng Nai phát triển cũng rực rỡ, rồi sau đó có văn hoá Óc Eo. Văn minh Óc Eo là một văn minh đô thị hàng đầu ở khu vực châu Á, là văn minh thành thị ở trình độ cao. Lúc đó tìm thấy cả những đồng tiền La Mã do giao thương. Đấy là vùng phát triển sầm uất trong khu vực châu Á, rồi sau đó thành một đế chế rộng lớn. Nhưng cũng từng bị coi không phải của VN. Nhiều người học sử VN cũng không biết đó là của VN.
Trước đây, chúng ta cũng đã nghiên cứu các vùng đó rồi, nhưng giờ thì thêm việc tích hợp nó vào cơ sở chung của lịch sử VN.
Sẽ có những nhận định công bằng về vua Gia Long trong bộ quốc sửẢNH: TƯ LIỆU
* Khi nhìn lại, chúng ta thấy nhiều khoảng trống lịch sử. Nhưng lấp thế nào thì người nghiên cứu đã nghiên cứu rồi, người không thì cũng không rồi. Thế thì lấy đâu ra nhân lực để lấp khoảng trống đó?
– Chúng ta cũng có nghiên cứu rồi. Gần đây còn tổ chức kỷ niệm 100 năm văn hóa Sa Huỳnh. Người Pháp cũng nêu cao cái đó. Các khai quật khảo cổ học đã làm rất nhiều việc. Ngay những ngày này, trong Quảng Ngãi cũng đang khai quật một tháp Chăm khá điển hình vào thế kỷ 12. Ngay cả Nam bộ, hồi 2004 cũng đã có hội thảo nhân 60 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Óc Eo và Phù Nam. Lúc đó số lượng công việc đã được làm cũng nhiều. Đó là cơ sở để triển khai phần viết trong bộ Quốc sử. Chứ không phải bây giờ làm thì mới đi lo người.
* Các kết quả nghiên cứu hiện nay có gì khác các cụ xưa đã chép sử không?
Với các vấn đề đang tranh cãi thì sẽ được giải quyết thế nào ?
Có tranh cãi chứ. Như tôi cũng đưa tư liệu về đàn tế trời đất tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long, tôi cho rằng nó liên quan đến nghi thức định đô, tế trời đất để định đô ở Thăng Long của chính Lý Công Uẩn. Nhưng cũng có anh em ngay trong nhóm nghiên cứu thời Lý của tôi phản đối, thì khi đó người chủ biên phải chịu trách nhiệm về việc đưa ra quan điểm, lập luận, chứng cứ, thể hiện thái độ khoa học trước những vấn đề chưa thể kết luận hay đang tranh luận. Lịch sử Việt Nam còn không ít các vấn đề chưa thể có ý kiến thống nhất. Khi biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam tựu trung có hai loại vấn đề:
Các vấn đề mà các tác giả tham gia biên soạn không thể hiện quan điểm. Trong trường hợp này cần phản ánh đầy đủ và trung thực các ý kiến khác nhau. Có thể giải thích bằng chú thích.
Các vấn đề mà tác giả tham gia biên soạn có chính kiến hoặc có cách kiến giải riêng. Trong trường hợp này phải nêu rõ căn cứ về tư liệu, lập luận. Các tác giả biên soạn vẫn cần nêu đầy đủ các quan điểm khác nhau với xuất xứ chính xác, sau đó mới trình bày quan điểm của tác giả. Tuyệt đối không trình bày ý kiến riêng một cách đương nhiên, không cần quan tâm đến ý kiến khác.
– Tôi lấy ví dụ về Hoàng thành Thăng Long chẳng hạn. Cũng đã có lúc chúng ta thấy hoang mang rằng sử chép về Hoàng thành Thăng Long như vậy nhưng khi đào xuống thì hầu như không tìm ra được những chứng cứ vật chất đích thực. Nhưng bây giờ khai quật khảo cổ cho thấy cả vị trí của các cung mà nếu trước đây nghiên cứu thư tịch chúng ta không bao giờ nghĩ tới. Ví dụ như chuyện vua Lý Thần Tông đưa bố mẹ về ở cung Động Nhân. Sử xưa thoáng qua như thế. Nhưng đào ở góc thành gần đường Trần Phú (Hà Nội) thì ta thấy gạch ghi rõ cung Động Nhân. Chúng ta xác định được vị trí của cái đó. Rồi từ đó chúng ta xác định được thêm về các cung điện khác có liên quan, chúng ta sẽ tiệm cận gần thực tế lịch sử của thời kỳ đó hơn.
* Câu chuyện nhà Nguyễn, vua Gia Long đã nói đi nói lại nhiều rồi. Chuyện đưa nó vào sách giáo khoa cũng nói nhiều rồi mà chưa làm được. Thế thì trong bộ Quốc sử này, nó sẽ được viết thế nào, dung lượng có lớn hơn thời kỳ khác để nhìn rõ hơn không?
– Theo tôi vấn đề không phải là dung lượng nhiều hơn, số lượng lớn hơn mà vấn đề là chúng ta đánh giá nó như thế nào. Đưa nó vào nhiều hơn mà vẫn đánh giá không đúng, hay thiên lệch kiểu quá ca ngợi cũng chẳng để làm gì. Cho nên vấn đề là người viết có thật sự khách quan, thẳng thắn không. Hiện theo phân công, PGS-TS Vũ Văn Quân – một người chuyên nghiên cứu về nhà Nguyễn phụ trách phần viết này.
Một phó chủ nhiệm đề án soạn khảo khác, PGS-TS Trần Đức Cường nói là chúng ta chưa nói về cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm đầy đủ. Có một câu chuyện đã nhìn thấy, khi Bảo tàng Lịch sử quốc gia làm triển lãm về cải cách ruộng đất thì PGS-TS Nguyễn Văn Huy (người đã làm triển lãm về thời kỳ bao cấp tại Bảo tàng Dân tộc học – NV) cho rằng nói như thế là quá nhiều đến thành tựu mà nói ít đến cái chưa được, như thế không cân bằng. Chúng ta có lặp lại cách làm như vậy?
Tinh thần chung là tôn trọng sự thật lịch sử. Ban chủ nhiệm đề án đã tổ chức khá nhiều cuộc hội thảo về những vấn đề lớn. Còn những vấn đề nào nằm gọn trong tập nào thì tập đó sẽ tự tổ chức trao đổi, người chủ biên thậm chí có toàn quyền mời chuyên gia trong nước và quốc tế, mời chuyên gia hàng đầu của các nước lớn. Cái rất quan trọng nữa là triệt để khai thác các nguồn tư liệu.
* Thế chúng ta có dùng, tham khảo các tư liệu, trích dẫn các nhà nghiên cứu lịch sử ở nước ngoài không? Tỷ trọng tư liệu nước ngoài có nhiều không?
– Đối với sử, cái quyết định là tư liệu gốc. Tư liệu cũng phải được nghiên cứu, phân tích, giám định bài bản. Cũng có những đề tài buộc phải dùng tài liệu nước ngoài mới xác tín. Chẳng hạn nghiên cứu về ngoại thương thì buộc phải có tài liệu nước ngoài. Thậm chí là có những nguồn thông tin tư liệu chỉ có ở nước ngoài, và chúng tôi có cả chương trình để đi tìm tư liệu đó.
* Trong nhóm biên soạn có các chuyên gia các ngành khác không vì có những vấn đề văn học sử, kinh tế, nghệ thuật?
– Có chứ. Chúng tôi có những chuyên gia Hán Nôm đã làm sử, họ đã có liên ngành tốt giữa hai ngành. Chúng tôi mời nhiều chuyên gia Hán Nôm không chỉ làm tư liệu mà còn nghiên cứu nữa, còn cả những chuyên gia tiếng Anh, Pháp, Nhật nữa. Có người viết trực tiếp, có người thẩm định tư liệu. Chẳng hạn, PGS-TS Phạm Thuỳ Vinh, TS Trần Trọng Dương, PGS-TS Đinh Khắc Thuân của Viện Hán Nôm…
* Về ngôn ngữ, bộ Quốc sử sẽ ra sao, thưa ông?
– Việc soạn thảo bộ Lịch sử Việt Nam 30 tập xây dựng một phong cách viết sử hiện đại, vừa khách quan, tôn trọng người đọc, vừa văn minh lịch sự. Không dùng các danh xưng nặng tính biểu cảm hay những mỹ từ ca tụng quá mức. Ví dụ: không dùng “nước ta”, “dân tộc ta” chung chung mà sử dụng tên gọi chính thức trong từng thời kỳ lịch sử như Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam… và trong trường hợp gọi chung thì dùng nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Cũng sẽ dùng quân đội/Chính phủ Việt Nam Cộng hoà thay vì ngụy quân, ngụy quyền. Dùng quân đội/binh lính Hàn Quốc thay vì lính đánh thuê Park Chung-hee…
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Sử học VN
Cuộc kháng chiến chống Pháp đặc biệt là thời kỳ Cần Vương là thời kỳ được nghiên cứu rất kỹ. Nhưng có cuộc tranh luận rất lớn về các phong trào đầu thế kỷ 20, đó là tranh luận về quan hệ giữa Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Ta lại coi Phan Châu Trinh như một nhà cải lương về tư tưởng. Giờ đây cũng phải nhận thức lại hai cụ đều là hai nhà yêu nước đi theo hai hướng khác nhau. Một bên huy động sức mạnh toàn dân để khởi nghĩa vũ trang. Còn một bên là cụ Phan Châu Trinh thì thấy với dân trí khi đó cần phải khai dân trí, hậu dân sinh rồi mới tiến lên giành độc lập dân tộc. Cũng đi tới một mục tiêu, xuất phát từ một động cơ, cùng đi tới độc lập dân tộc nhưng hai con người có hai con đường khác nhau, gần như bổ sung cho nhau. Cũng cần phải nghiên cứu khách quan hơn.
.GS Vũ Minh Giang, Phó ban Chủ nhiệm Đề án soạn thảo bộ Lịch sử Việt Nam
Chúng ta sẽ có một bộ sử được tích hợp các nghiên cứu khoa học mới nhất về VN trên thế giới. Nghĩa là ta sẽ thấy trong bộ sử này không chỉ tên các nhà khoa học lịch sử VN mà chúng ta sẽ thấy cả các nhà nghiên cứu lịch sử VN hàng đầu thế giới từ Nga, Pháp, Hoa Kỳ.
Tôi muốn nói đến sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Ban Tuyên giáo với lịch sử… Gần đây, thông qua các bộ chức năng, các nhà sử học được tạo điều kiện để có những công trình gặp gỡ, ví dụ như bộ Sự phát triển vùng đất Nam bộ, một đề án cấp nhà nước. Gần đây là bộ Lịch sử Việt Nam. Như thế là có sự quan tâm về kinh phí, vật chất là đáng trân trọng. Nhưng điều tôi đề nghị cũng không kém quan trọng là phải tạo môi trường tự do học thuật trong lịch sử.
PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử
Năm 1951, tại Hội nghị San Fransisco (Mỹ) thảo luận về vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á – Thái Bình Dương, thì có ý kiến trao Hoàng Sa, Trường Sa về cho CHND Trung Hoa. Lúc đó ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của quốc gia VN đứng ra tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời đã là lãnh thổ của VN. Đó là quan chức thời cận hiện đại tuyên bố sớm nhất về điều đó… Vậy chúng ta sẽ đặt ra vấn đề gì nếu ta nói đó hoàn toàn là ngụy. Chỉ có cái là chúng ta đánh giá về các nhà nước đó như thế nào.