Trên 100 tuổi, gãy xương đùi vẫn khỏi
Chỉ một chút sơ ý hay vội vã, người lớn tuổi có thể bị trượt té bất ngờ và gãy cổ xương đùi. Có người phải sống trong đau đớn vì thân nhân sợ lớn tuổi quá, đưa đi bệnh viện mổ sẽ chết!
Trên 100 tuổi, gãy xương đùi vẫn khỏi
Chỉ một chút sơ ý hay vội vã, người lớn tuổi có thể bị trượt té bất ngờ và gãy cổ xương đùi. Có người phải sống trong đau đớn vì thân nhân sợ lớn tuổi quá, đưa đi bệnh viện mổ sẽ chết!
Cụ Nguyễn Thị Thiệp hiện 105 tuổi khoẻ mạnh, đi lại được khi đến tái khám ngày 7-2, sau hai năm được phẫu thuật thay khớp háng tại Bệnh viện Nhân dân 115 – Ảnh: Hữu Khoa |
Triệu chứng của gãy khớp háng, nếu nhẹ người bệnh chỉ đau ít, bầm tím vùng mông. Nếu nặng có thể bị di lệch xương, bị choáng do người bệnh quá đau đớn. Đa số sau khi gãy khớp háng không đi lại được, trừ trường hợp gãy cài người bệnh có thể cố lết đi bằng khung đỡ” |
Tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân 115 (Bệnh viện 115, TP.HCM), trung bình mỗi năm tiếp nhận 400-500 người lớn tuổi bị chấn thương do té ngã, trong đó nhiều người bị gãy cổ xương đùi (gãy khớp háng) phải nhập viện.
Người lớn tuổi dễ bị gãy xương
Mới đây, chỉ trong ba ngày các bác sĩ của Bệnh viện 115 phải phẫu thuật cho bảy người bệnh trên 80 tuổi bị gãy khớp háng. Một trong bảy người này được TS.BS Nguyễn Đình Phú – phó giám đốc Bệnh viện 115 – mổ thay khớp háng thành công là ông N.V.T. (95 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM).
Trường hợp của cụ Nguyễn Thị Thiệp (105 tuổi, Q.7, TP.HCM) đến tái khám ngày 7-2, sau hơn hai năm được phẫu thuật thay khớp háng thành công tại Bệnh viện 115, cũng là do sơ ý nên bị té gãy khớp háng.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh – con gái cụ Thiệp – cho biết gia đình đưa cụ đến một bệnh viện quận khám sau khi cụ bị té, bác sĩ chẩn đoán cụ bị gãy khớp háng và nói: “Cụ già rồi không mổ được, chỉ chích thuốc giảm đau và chờ xương lành tới đâu hay đó”.
Sau đó người nhà tìm hiểu thông tin mới biết Bệnh viện 115 mổ thành công nhiều người bị gãy khớp háng trên 90 tuổi nên đưa cụ đến điều trị.
“Sau hai năm được TS Phú phẫu thuật thay khớp háng, mẹ tôi vẫn khoẻ, minh mẫn, tự đi lại bằng khung đỡ và tự vệ sinh cá nhân mà không cần người hỗ trợ” – chị Anh vui vẻ kể.
Còn quan niệm cổ hủ
Theo TS Phú, hệ thống xương khớp của người lớn tuổi (trên 70 tuổi) rất yếu và giòn nên nhiều người dù té rất nhẹ vẫn bị gãy khớp háng. Đa số người bệnh bị tai nạn do té trong nhà tắm, khi đi lại trong nhà, đặc biệt là những nhà có nền gạch trơn rất nguy hiểm cho người lớn tuổi.
Khi gãy khớp háng, trường hợp nặng khớp háng sẽ gãy lìa nhau, gây đau đớn dữ dội cho người bệnh và phải đi cấp cứu ngay. Nhẹ hơn thì khớp háng bị rạn nứt, hoặc gãy cài với nhau, người bệnh có đau nhưng vẫn có thể nhúc nhích được nên người nhà và người bệnh không biết bị gãy. Có khi còn cho là đau khác ở người lớn tuổi nên không đưa đi khám. Chỉ đến khi người bệnh đau kéo dài nhiều ngày, có biến chứng do nằm lâu mới đưa vào viện thì đã muộn.
Đáng lưu ý, vẫn còn người bệnh ở vùng sâu vùng xa bị gãy khớp háng, người nhà thiếu thông tin nên không đưa người bệnh đi khám bệnh kịp thời.
Đặc biệt, vẫn còn người quan niệm với người trên 80 tuổi không nên mổ vì mổ sẽ chết nên thân nhân cứ để người bệnh ở nhà điều trị bằng cách đắp lá cây, bó thuốc nam vào vùng bị đau.
Bó mãi người bệnh không hết đau và phải nằm một chỗ không đi được, dẫn đến bị nhiễm trùng chỗ đắp, loét vùng tì đè, viêm phổi do nằm lâu ngày. Khi đến bệnh viện điều trị đã quá muộn, người bệnh bị tử vong rất đáng tiếc chỉ vì quan niệm cổ hủ.
Kỹ thuật mổ ít xâm lấn
TS Phú khẳng định hiện y học phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực gây mê hồi sức, điều trị nội khoa, thiết bị chẩn đoán, phương pháp phẫu thuật… nên Bệnh viện 115 đã phẫu thuật thay khớp háng thành công cho khoảng 100 người lớn tuổi, trong đó có nhiều cụ từ 95 đến 103 tuổi với kết quả tốt và tỉ lệ thành công cao.
Trong khi trước đây, gãy khớp háng ở người lớn tuổi là một thách thức các phẫu thuật viên vì người lớn tuổi sức yếu, có nhiều bệnh lý đi kèm, khả năng chịu đựng đau kém, dễ bị lở loét nhiễm trùng, viêm phổi do nằm lâu, nguy cơ tử vong rất cao nên các bác sĩ thường muốn rút lui, chọn cách an toàn là điều trị bảo tồn bằng thuốc.
“Trước thực tế nhiều người lớn tuổi bị gãy khớp háng, nếu không mổ không vận động được sẽ bị lở loét mông, viêm phổi do ứ đọng, nằm lâu, nhiễm trùng đường tiểu, chưa kể việc chăm sóc người già rất cực nên chúng tôi quyết tâm phải mổ cho các cụ.
Mổ mà vẫn sống và sống có chất lượng. Còn không mổ, các cụ phải sống và chết dần chết mòn vì đau đớn.
Nhiều năm nay Bệnh viện 115 đã ứng dụng kỹ thuật ít xâm lấn với đường mổ nhỏ, không cắt cơ, ít chảy máu, thời gian mổ tối đa một giờ. Kỹ thuật này giúp người bệnh sớm phục hồi chức năng và vận động sớm sau mổ, nâng cao chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ” – TS Phú chia sẻ.
Để thực hiện quyết tâm này, Bệnh viện 115 đã xây dựng quy trình thay khớp háng rất nghiêm ngặt cho người lớn tuổi. Trước mổ người bệnh được tầm soát các nguy cơ tim mạch và các bệnh lý nội khoa khác của người lớn tuổi.
Bác sĩ chấn thương chỉnh hình còn hội chẩn, phối hợp với bác sĩ nội khoa, gây mê hồi sức để cân nhắc kỹ và phân tích các yếu tố nguy cơ khi phẫu thuật thay khớp háng. Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn, giải thích cho gia đình người bệnh trước khi phẫu thuật.
Khi mổ vẫn nói chuyện được Khi mổ, người bệnh được đặt Catheter gây tê ngoài màng cứng nên không có cảm giác đau, vẫn tỉnh táo nói chuyện được trong lúc mổ. Sau mổ người bệnh tiếp tục được truyền thuốc giảm đau 48 tiếng qua Catheter lúc gây tê nên cũng không đau. Nhờ vậy, họ vượt qua được cuộc mổ dễ dàng, ít bị biến chứng như gây mê nội khí quản. Người bệnh còn được vật lý trị liệu sớm sau mổ để tránh các biến chứng thuyên tắc mạch, viêm phổi ứ đọng, lở loét, nhiễm trùng… và chỉ sau 7-10 ngày phẫu thuật là được xuất viện. |