07/01/2025

Tiền lẻ vẫn rải khắp đền, chùa

Tại đền chùa ở miền Bắc như Côn Sơn, Kiếp Bạc, Bắc Lệ, Bà Chúa Kho, phủ Tây Hồ… đâu đâu cũng ngập tràn tiền lẻ.

 

Tiền lẻ vẫn rải khắp đền, chùa

Tại đền chùa ở miền Bắc như Côn Sơn, Kiếp Bạc, Bắc Lệ, Bà Chúa Kho, phủ Tây Hồ… đâu đâu cũng ngập tràn tiền lẻ.
 
 
 
 
 

Tiền lẻ rải đầy các mâm lễ tại phủ Tây Hồ (Hà Nội) chiều mùng 4 tết /// Ảnh: Việt Anh

Tiền lẻ rải đầy các mâm lễ tại phủ Tây Hồ (Hà Nội) chiều mùng 4 tết ẢNH: VIỆT ANH

Xuân Mậu Tuất 2018, các đền, chùa lớn đều phát loa thông báo, khuyến cáo người dân không rải tiền lẻ; Ngân hàng Nhà nước cũng không in tiền mới mệnh giá nhỏ, nghiêm cấm đổi tiền lẻ thu phí, xử phạt nặng… song những động thái đó vẫn không ngăn cản được người dân.
 
Từ mùng 2 – 5 tết (tức từ ngày 17 – 20.2), hàng nghìn người bắt đầu đổ về các đền, chùa khu vực phía bắc. Ngoài đồ lễ, hương, hoa quả…, rất nhiều tiền lẻ với các mệnh giá từ 500 đồng đến 1.000, 2.000 và 5.000 đồng được người dân mang theo. Họ cài cắm khắp mọi nơi, từ các ban thờ, bàn tay Phật, đến ao, giếng Tiên. Tất cả chỉ mong một năm làm ăn phát đạt, khấm khá, hanh thông hay bén duyên, cầu tự. Tại đền Bắc Lệ ở Lạng Sơn, chị Ngô Thúy Hằng (ngụ TP.Bắc Giang) cho biết: “Sáng mùng 4 tết, người người chen chúc không đặt được lễ, tiền lẻ 1.000 – 2.000 đồng thả đầy mâm hoa quả, rải tràn lan khắp mọi nơi. Nhìn vô cùng phản cảm”.
 
Chị Nguyễn Thanh Hiệp (ngụ TP.Bắc Ninh) cho biết mùng 2 tết, chị đi Côn Sơn – Kiếp Bạc ở Hải Dương, mùng 3 tết đi Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh và mùng 4 tết đi chùa La tại Bắc Giang. Chị Hiệp chia sẻ: “Điện Tam Bảo chính giữa, hai bên Đức Ông, ban Thánh Hiền đâu đâu cũng ngập tràn tiền lẻ”.
 
Lỗi từ cả hai phía
Ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Đền Bà Chúa Kho, cũng thừa nhận, mặc dù nhà đền liên tục thông báo trên loa nhưng người dân vẫn còn thói quen đặt tiền lẻ ở khắp các ban khi khấn vái. Nhà đền cũng đã sắp xếp vị trí hòm giọt dầu để khách về lễ đền được thuận lợi hơn, nhưng tiền lẻ vẫn còn quá nhiều. Theo ông Lập, các phật tử nên để đồng tiền ở nơi hợp lý và mang đầy đủ ý nghĩa tâm linh chứ không nhất thiết phải nhiều tiền lẻ. Tiền lẻ đặt trên ban là tiềm thức của người đi lễ. “Chúng tôi cũng chỉ biết nhắc nhở và tuyên truyền để hạn chế việc đặt tiền lẻ cho hợp lý vào dịp tết thôi”, ông Lập nói.
 
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Uỷ viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng chuyện này xảy ra bao nhiêu năm rồi mà chưa có thay đổi. Người dân dường như có tâm lý là phải đưa đồ lễ đến tận tay các vị thần cho chắc chắn. Trước đây, các chùa vẫn có những đĩa để nhận lộc, tiền giọt dầu. Người dâng lễ đặt tiền lên đó. Nhưng bây giờ lại sinh ra biến tướng cài tiền vào tượng, vào lễ. “Phải chăng họ ý thức rằng cần có một cuộc mua bán chắc chắn với thần linh. Họ không tin cho vào hòm công đức thì sẽ đến tay thần linh. Rồi biến tướng thành những hành vi ném tiền, nhét tiền, cài tiền kém văn hoá như vậy”, GS Thịnh nói. Theo GS Thịnh, hiện tượng này cũng bắt nguồn từ nhà chùa, nhà đền khi không thu gom mà cứ để đó, vương vãi như thế. Lỗi ở đây là cả hai phía, từ cả người dân lẫn nhà tổ chức.
 
Chưa có chế tài
 
Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, những trường hợp cài tiền như trên thì không thể phạt được người đi lễ. “Chúng ta chỉ có tuyên truyền nhắc nhở người đi lễ. Ngoài ra, Ban Quản lý di tích cần nâng cao trách nhiệm. Họ cài lên thì ban quản lý phải có người đi thu và bỏ vào hòm công đức, chứ chưa có chế tài”, ông Phúc nói. Từ trước tết, theo ông Phúc, Thanh tra Bộ VH-TT-DL cũng đã nhắc nhở quán triệt các điểm di tích chùa, đền… nhưng ban quản lý di tích, các thủ nhang, thủ đền chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa bố trí người thu gom kịp thời, chưa làm đúng tinh thần Bộ và Chính phủ chỉ đạo.
 
Theo yêu cầu của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) vừa có công văn đề nghị các địa phương có biện pháp kịp thời thu gom tiền lẻ, tiền đặt lễ và hướng dẫn đốt vàng mã đúng nơi quy định. Công văn do Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương ký ngày 21.2, gửi các sở VH-TT-DL và sở VH-TT các tỉnh, thành.
 
Văn bản này cũng yêu cầu các sở phối hợp với cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ hiện tượng người ăn xin, ăn mày đeo bám gây bức xúc cho du khách; xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng đến phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia hoạt động lễ hội; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại di tích và lễ hội. Việc đẩy mạnh truyền thông về nguồn gốc của lễ hội di tích cũng được Cục lưu ý. Công văn cũng nhắc các địa phương cần đảm bảo người tham gia lễ hội và tham quan di tích có trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc VN…
 
Cục cũng đề nghị các sở hướng dẫn ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích nghiêm túc thực hiện và gửi báo cáo về Cục trước ngày 16.3 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.
 
Tốn kém, phản cảm
 
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tiền đi lễ thường tập trung vào mệnh giá 10.000 đồng trở xuống, nhưng chỉ sau mấy ngày tết lại được trả ngược về ngân hàng vì trong năm người dân chỉ muốn nhận tiền mệnh giá lớn cho dễ giao dịch.
 
Ông Đào Minh Tú cũng cho hay, từ năm 2013, cơ quan này thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán.
 
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, việc không phát hành tiền mới in dịp tết năm nay dự kiến sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 280 tỉ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến khoảng gần 2.200 tỉ đồng.


TIEU PHONG – TRINH NGUYEN