Trộm cướp, móc túi khách hành hương
Tháng giêng, trên khắp cả nước diễn ra nhiều lễ hội, nhất là dịp cúng rằm. Lợi dụng lượng du khách đổ về các lễ hội, chùa chiền rất đông, bọn đạo chích cũng trà trộn để ra tay, thậm chí cướp giật trắng trợn…
Trộm cướp, móc túi khách hành hương
Tháng giêng, trên khắp cả nước diễn ra nhiều lễ hội, nhất là dịp cúng rằm. Lợi dụng lượng du khách đổ về các lễ hội, chùa chiền rất đông, bọn đạo chích cũng trà trộn để ra tay, thậm chí cướp giật trắng trợn…
Sáng 11.2 (tức rằm tháng giêng), chị H. (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) và gia đình đến thắp nhang tại chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, TP.HCM). Vì đúng ngày cao điểm nên lượng người đổ về chùa rất đông.
Khi bỏ giày ra, chuẩn bị vào chánh điện thắp nhang, trên tay chị H. cầm ví (bên trong có 2 điện thoại, tiền mặt) thì bất ngờ một người lao đến giật chiếc ví, rồi lẻn nhanh vào đám đông. “Tôi cứ nghĩ vô trong chùa rồi là yên tâm, không sợ bị cướp nên lấy ví ra cầm trên tay, nhưng không ngờ bọn chúng manh động quá. Nhóm cướp đi đông người nên rất ngang nhiên và chuyên nghiệp. Vừa giật xong là chúng chuyền tay nhau chiếc ví của tôi nên khó xác định được”, chị H. cho biết.
Trước đó, tối 10.2, chị N.T.T.P (25 tuổi, quê Đồng Nai) đi xe máy BS 60B-609… đến gửi tại điểm giữ xe số 498 đường Tô Ngọc Vân (P.Tam Phú, Q.Thủ Đức) để vào chùa Vạn Đức gần đó. Lúc này, Nguyễn Văn Bình (22 tuổi, quê Bình Thuận) đến bẻ khoá trộm xe máy chạy về Bình Dương.
Nhận tin báo, Công an P.Tam Phú phối hợp Công an P.An Bình (TX.Dĩ An, Bình Dương) bắt được Bình. Tại cơ quan công an, Bình thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Theo Công an Q.Thủ Đức, ngoài việc trực 24/24, nhiều trinh sát hình sự còn hoá trang hoà vào đám đông để theo dõi những nghi phạm khả nghi nhằm ngăn chặn kịp thời.
Giả khách đi lễ, dàn cảnh móc túi
|
Ngày 12.2, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ở chùa Ngọc Hoàng (hay còn gọi là chùa Phước Hải, Q.1, TP.HCM) có hàng nghìn lượt du khách đến đi lễ, tham quan. Để đảm bảo an ninh trật tự, nơi đây bố trí 16 bảo vệ túc trực, thay phiên nhau quan sát, cảnh giới, đề phòng kẻ gian móc túi, trộm tài sản của du khách.
Theo ông Hùng, tổ trưởng tổ bảo vệ ở chùa Ngọc Hoàng, từ đầu năm đến nay lượng khách đến chùa tham quan rất đông nên nhiều tội phạm lợi dụng dàn cảnh móc túi, trộm cắp tài sản. “Từ đầu năm đến nay, riêng tổ bảo vệ ở chùa phát hiện 4 trường hợp móc túi, trộm cắp tài sản; trong đó có 3 trường hợp tổ bảo vệ bắt quả tang và bàn giao công an phường xử lý, 1 trường hợp còn lại chạy thoát. Chúng tôi cũng thường phát loa thông báo, hoặc trực tiếp nhắc nhở du khách giữ gìn tài sản cẩn thận”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, kẻ gian thường ăn mặc rất lịch sự, đi theo từng nhóm để hỗ trợ nhau nên công tác bảo đảm an ninh gặp không ít khó khăn. “Khi bọn chúng xác định được mục tiêu thì giả vờ hô hoán nói rằng mình mất điện thoại, ví để thu hút tổ bảo vệ chạy đến vị trí đó, nhưng thực chất là tạo điều kiện để đồng bọn “săn mồi” ở một vị trí khác. Vì vậy, tôi thường yêu cầu anh em phải cảnh giác cao độ, không bị mắc lừa. Còn đối với những người khả nghi thì chúng tôi phối hợp với lực lượng công an phường theo dõi nhất cử nhất động của họ trong chùa để đảm bảo tài sản của người tham quan”, ông Hùng nói.
Chiều 11.2, tại chùa Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM), rất đông người chen lấn thắp nhang cầu an. Có mặt tại đây, PV Thanh Niên chứng kiến một vụ dàn cảnh trộm cắp điện thoại bất thành. Tại chánh điện, một phụ nữ đang thắp nhang khấn thì bị một phụ nữ khác ăn mặc rất lịch sự đứng phía sau móc trộm điện thoại trong túi quần. Theo phản xạ, nạn nhân quay lại hô hoán và giữ người móc trộm điện thoại. Ngay lập tức, nữ đạo chích vứt điện thoại xuống đất và đá vào gầm bàn nhằm tẩu tán vật chứng, miệng chối cãi và cố vùng vẫy thoát thân. Xung quanh, nhiều phụ nữ khác che chắn, hùa vào chen lấn… để giải vây cho đồng bọn. Theo những người tại đây, người phụ nữ trộm điện thoại nằm trong một băng nhóm chuyên móc túi tại khu vực này.
Nhiều nạn nhân không trình báo
Tình trạng trộm cắp, móc túi khách hành hương cũng diễn ra tại nhiều lễ hội, chùa chiền ở phía bắc. Theo thông tin từ Công an TP.Nam Định, tại đền Trần tối 9.2 lực lượng chức năng và người dân đã phát hiện, bắt quả tang Cao Văn Bằng (51 tuổi, trú P.Trần Hưng Đạo, TP.Nam Định) lấy trộm điện thoại của anh Nguyễn Văn Hoan, du khách đi lễ đền Trần. Sáng 10.2, tại đây lại bắt quả tang một đối tượng trà trộn với người đi lễ, đột nhập vào đền Thiên Trường lấy trộm hơn 8 triệu đồng từ các bàn lễ, hòm công đức. Trong đêm khai ấn 10.2, tình trạng mất ví, mất điện thoại cũng diễn ra. Tuy nhiên, hầu hết những người bị mất trộm đều không trình báo cơ quan công an.
Một trong những “điểm nóng” an ninh trật tự mùa lễ hội là hội chùa Hương (H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội) kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ tháng giêng. Trung tá Lê Kim Đồng, Đội trưởng Đội 5 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.Hà Nội, cho biết do lễ hội kéo dài nên PC45 vẫn đang tiếp tục triển khai lực lượng, phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an TP.Hà Nội tuần tra nhằm đảm bản an ninh trật tự cho du khách đi chùa Hương. Còn theo đại tá Lê Xuân Văn, Trưởng công an H.Mỹ Đức, đơn vị này cũng đã xây dựng, triển khai kế hoạch, phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.Hà Nội bố trí 18 chốt tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh cho hội chùa Hương, trực 24/24 để kịp thời tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác, phòng chống đối với các loại tội phạm như trộm cắp, móc túi, lừa đảo…
Phát loa để du khách cảnh giác
Theo quan sát của PV Thanh Niên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mỗi ngày có hàng vạn người đến tham quan, vãn cảnh tại các điểm du lịch lớn như chùa Bái Đính và khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình). Tuy nhiên, khác với mọi năm, dù rất đông du khách, nhưng tình hình trật tự, trị an ở đây khá tốt. Ngay từ trước tết, các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình đã lên kế hoạch cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng kẻ xấu lợi dụng lộn xộn móc túi cũng như tình trạng ăn xin, chèo kéo, “chặt chém” du khách.
Cụ thể, các ban quản lý khu du lịch sinh thái Tràng An và chùa Bái Đính đã bố trí người hướng dẫn tham gia cùng tổ an ninh đứng chốt tại các điểm và tuần tra lưu động; lắp đặt các bảng hướng dẫn, bảng thông báo nội quy, nhắc nhở du khách cảnh giác phòng trừ kẻ xấu. Bên cạnh đó, các ban quản lý cũng thường xuyên tuyên truyền trên loa về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để người dân và du khách nâng cao ý thức cảnh giác tự bảo vệ tài sản, không để tội phạm lợi dụng chiếm đoạt.
Đại tá Lã Hồng Phúc, Trưởng công an H.Gia Viễn (Ninh Bình), cho biết hiện Công an H.Gia Viễn và Công an tỉnh Ninh Bình đang điều động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ tham gia giữ gìn an ninh, trật tự tại chùa Bái Đính. Lực lượng công an ứng trực ở 24 chốt và thường xuyên tuần tra để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực chùa; công bố số điện thoại đường dây nóng để du khách kịp thời phản ánh khi có sự cố xảy ra.
|
Thanh Niên