Dư luận bàng hoàng, xót xa và suy ngẫm trước thông tin Bộ Y tế báo cáo trong 7 ngày nghỉ tết có gần 4.500 người phải nhập viện vì đánh nhau, đặc biệt trong đó có rất nhiều người trẻ.
Gần 4.500 người nhập viện vì đánh nhau trong Tết: Người trẻ cần kiểm soát bản thân
Dư luận bàng hoàng, xót xa và suy ngẫm trước thông tin Bộ Y tế báo cáo trong 7 ngày nghỉ tết có gần 4.500 người phải nhập viện vì đánh nhau, đặc biệt trong đó có rất nhiều người trẻ.
Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (ảnh) xung quanh vấn đề trên.
Thưa ông, khi đọc được thông tin về số lượng người phải nhập viện vì đánh nhau trong dịp tết, ông cảm thấy thế nào?
Đây là một con số gây sốc khai mở cho đầu năm mới. Hầu như tết năm nào cũng vậy, cũng có nhiều người nhập viện do ẩu đả, trong đó hàng chục người đã phải ra đi không bao giờ trở lại. Bạo lực trong thời bình giữa những con người thân thiết với nhau, có lẽ là một nét “văn hoá” không hề sáng đẹp.
Ngày 4.2, nhiều luống hoa ở khu vực Hồ Gươm (Hà Nội) bị người chụp ảnh dẫm nát trong những ngày sau tết đã được trồng mới.
Tết là dịp đoàn tụ của các gia đình, người thân, bạn bè, là dịp thường kiêng kỵ cái xấu, cái ác, cự cãi lẫn nhau. Vậy theo ông hà cớ gì mà người ta lại gây sốc đến thế?
Sigmund Freud, ông tổ của ngành phân tâm học cho rằng: Bản năng của mỗi con người luôn có bóng dáng bạo lực như các loài vật khác, hay chúng ta thường nói đó là phần “con”. Nó sẽ bùng nổ nếu không có phần “người” kiểm soát, tức ý thức, tinh thần tôn trọng pháp luật và đạo đức. Khi con người mất đi lý trí hoặc phần “người” yếu ớt, họ sẽ là một con thú dễ nổi cơn điên.
Tết là đỉnh điểm của biểu đồ tiêu thụ rượu bia. Người trẻ thường hay bốc đồng, vì vậy tỷ lệ người mất kiểm soát hành vi trong dịp tết cao hơn bất cứ thời điểm nào trong năm.
Tuy nhiên, các vụ đánh nhau đến mức nhập viện do có liên quan đến bia rượu trong dịp tết vừa qua theo thống kê là hơn 10%, nghĩa là 90% còn lại vẫn tỉnh táo. Vậy là do đâu? Đó là do giáo dục. Giáo dục trong gia đình, trong nhà trường và từ xã hội.
Con người ở các đất nước yên bình bậc nhất thế giới như Thụy Sĩ, Na Uy, Phần Lan… chẳng hạn, về bản chất tự nhiên họ không khác gì chúng ta. Thậm chí người Thụy Điển, vốn mang trong mình dòng máu Viking, nổi tiếng hung dữ. Nhưng hiện tại, họ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Tất cả là do giáo dục: giáo dục văn hóa ứng xử, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật. Thiếu những thứ đó làm chủ hành vi, con người sẽ cư xử không còn văn minh nữa.
Lỗi không phải ở cuộc sống hiện đại, lỗi nằm ở con người chúng ta chỉ hiện đại về tiện nghi mà không “hiện đại kịp” về ý thức và ứng xử mà thôi. Xả rác, cướp hoa, tiểu bậy, đánh nhau… là biểu hiện của ý thức vẫn còn lạc hậu
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Những cư xử không văn minh như: chen lấn, cãi vã, giành giật lộc, đánh nhau… cũng xuất hiện thường xuyên ở các lễ hội. Ông nghĩ gì về câu chuyện buồn này?
Lễ hội là nơi thể hiện văn hoá của một địa phương, một dân tộc. Rất nhiều lễ hội đẹp, nhưng cũng nhiều lễ hội “dao búa”, thậm chí là tàn bạo.
Phải chăng những giá trị đạo đức, nét văn hóa truyền thống, cư xử văn minh đang dần bị mai một trong cuộc sống hiện đại, khiến cái ác lên ngôi và lộng hành?
Lỗi không phải ở cuộc sống hiện đại, lỗi nằm ở con người chúng ta chỉ hiện đại về tiện nghi mà không “hiện đại kịp” về ý thức và ứng xử mà thôi. Xả rác, cướp hoa, tiểu bậy, đánh nhau… là biểu hiện của ý thức vẫn còn lạc hậu.
Có ý kiến cho rằng, thời nay mọi người thật sự luôn luôn nơm nớp lo sợ khi ra đường, và cả việc phải dè dặt ngay cả với người thân của mình. Ông thấy ý kiến này thế nào?
Ở phương Tây vẫn có bạo lực học đường, vẫn có gây gổ đánh nhau. Nhưng có lẽ ít ở đâu lại trở thành nỗi lo nơm nớp và thường trực như ở VN: va quệt xe thì nỗi sợ đầu tiên là bị đối phương lao vào đánh đập bất kể đúng sai, nói chuyện lỡ lời là hai bên “sống mái”, hay một cái nhìn đểu cũng có thể dẫn đến cầm dao ẩu đả. Thậm chí đó là bà con, cùng làng, cùng họ, cách đây ít phút còn ngồi chung một bàn nhậu chén chú chén anh, vài phút sau đã mày tao thượng cẳng tay, hạ cẳng chân chỉ vì không giữ gìn lời nói khi say xỉn…
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội trong sáng 4.2, trước việc một số báo điện tử đăng tải thông tin nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương 4 ngày.
Nếu không ngăn ngừa cái ác, cái xấu đang hiện hữu ở mọi nơi, mọi lúc thì xã hội sẽ thế nào, thưa ông?
Tôi tin rằng bản chất của người VN là tốt đẹp. Tuy nhiên, theo dự đoán từ ban đầu, mặt trái của cơ chế thị trường dễ dẫn người ta đến chỗ ích kỷ hơn, tranh đấu với nhau nhiều hơn, cư xử thiếu tình người hơn. Dù đã dự đoán từ trước nhưng giáo dục và văn hóa vẫn không đủ sức để ra tay kiềm toả nó. Nhưng tôi tin rằng rồi chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn này, và sẽ trở thành một đất nước đúng nghĩa văn minh, giàu và đẹp cả về vật chất lẫn văn hoá.
Cư xử không văn minh như chen lấn, cãi vã, giành giật lộc, đánh nhau thường xuyên ở các lễ hộiẢNH: NGỌC THẮNG
Ông có cho rằng lỗi trong những chuyện đánh nhau một phần là do gia đình hiện nay không coi trọng nền tảng giáo dục cho con em, xem thường và chưa đề cao “tính nêu gương”, thậm chí xuê xoa khi con em mắc lỗi, từ đó đã dung dưỡng cái ác, cái xấu lên ngôi?
Cần phải nói rằng người VN chúng ta rất coi trọng giáo dục từ ngàn xưa, hãy thử tìm trong kho tàng ca dao tục ngữ, không có nghề nào được nhắc đến nhiều như nghề giáo. Không chỉ giáo dục trong nhà trường, người VN cũng rất coi trọng giáo dục trong gia đình, thậm chí giáo dục từ trong bụng mẹ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: xã hội đang vận động chóng mặt và trở nên phức tạp hơn nhiều, trong khi đó giáo dục gia đình lại ì ạch không đuổi theo kịp, và có cả những điều như bạn vừa đề cập.
Thế nên, dù được xem trọng và phải đi đầu để dẫn đường cho sự phát triển nhân cách, nhưng thực tế nó lại đang lạc hậu và lẽo đẽo theo sau bước đi của xã hội. Tất nhiên, điều đó sẽ tạo nên “sự hụt hẫng” trong nhân cách của con em.
Suốt từ 20 giờ tối mùng 7 tết đến 3 giờ sáng mùng 8, các phương tiện trẩy hội chợ Viềng (Nam Định) đều rơi vào tình trạng “ra không được, vào cũng không xong”.
Trong nhà trường, hãy thử nhìn vào môn giáo dục công dân. Đây là môn học chính để dạy lễ nghĩa, để hình thành tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, trong đó bao nhiêu nội dung được mang hơi thở cuộc sống, còn bao nhiêu là những chữ giáo điều? Ngay cả một học sinh chăm học nhất khi ra trường ắt cũng chẳng nhớ bao nhiêu về những giáo điều nằm trong đó. Ngoài ra phụ huynh học sinh và nhà trường đều xem môn đó là môn phụ, thử hỏi các thế hệ học sinh có ai quan tâm môn giáo dục công dân đâu?
Vậy làm thế nào để có thể triệt tiêu những hành xử không đẹp, thưa ông?
Tôi tạm gọi đó là “căn bệnh” đánh nhau. Để triệt tiêu, chúng ta phải chờ giáo dục: giáo dục ý thức pháp luật, giáo dục văn hóa ứng xử, giáo dục kỹ năng giải quyết mâu thuẫn một cách văn minh… Tuy nhiên, chờ thì lâu lắm! Tốt nhất, chúng ta sẽ tiếp tục tự giáo dục để hoàn thiện bản thân mình, kiềm chế phần “con”, ứng xử nghĩa tình, làm gương cho con cái. Hãy đọc sách nhiều hơn, nói lời tốt đẹp với nhau nhiều hơn, giúp nhau nhiều hơn. Một que diêm nhỏ sẽ thắp sáng cả căn phòng, một người sống tốt sẽ thắp sáng và “giáo dục tự nhiên” năm bảy người gần gũi.