Trẻ mong ngóng từng ngày để được nghỉ tết, được đi chơi, được diện quần áo mới, được mừng tuổi… và nếu để tâm một chút, người lớn sẽ cho trẻ rất nhiều bài học bổ ích trong dịp này.
Học được rất nhiều trong ngày tết
Trẻ mong ngóng từng ngày để được nghỉ tết, được đi chơi, được diện quần áo mới, được mừng tuổi… và nếu để tâm một chút, người lớn sẽ cho trẻ rất nhiều bài học bổ ích trong dịp này.
Không ít trường học đã dành những hoạt động của ngày cận tết là dịp để giáo dục cho học sinh về tình yêu thương và sẻ chia, đồng thời coi đó là những bài học đạo đức thiết thực hơn bất cứ bài học nào trong sách giáo khoa.
Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.Tây Hồ, Hà Nội, cho biết ngay trước ngày nghỉ tết, chúng tôi tổ chức 2 chuyến thăm và tặng quà tới những nơi khó khăn nhất, một là ở ngay TP.Hà Nội và hai là ở Sơn La. Chuyến đi này chúng tôi không gọi là “từ thiện” mà chỉ nói với học sinh và giáo viên trong trường: Đây đơn giản là một chuyến đi thăm và tặng quà tết cho những bạn còn thiệt thòi và khó khăn hơn chúng ta.
Đặc biệt, trong những chuyến đi ấy, trường không chọn những học sinh tiêu biểu mà chọn những học sinh “cá biệt”, những học sinh chưa ngoan cùng đi để tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh còn khổ hơn, khó khăn hơn nhiều nhưng tinh thần vẫn lạc quan và có ý chí vươn lên, từ đó để các em tự tin hơn, cố gắng phấn đấu hơn trong rèn luyện, học tập…
Còn thầy trò Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Hà Nội năm nay còn tổ chức cho học sinh toàn trường trực tiếp đan khăn ấm để trao tặng học sinh vùng cao. Lãnh đạo nhà trường cho biết: Học sinh miệt mài đan khăn rồi tự mình đi bộ đến tận điểm trường để trao quà cho các bạn, tận mắt chứng kiến bạn bè cùng trang lứa chỉ có tấm áo mỏng, đi chân đất trong cái rét tê tái của mùa đông, các em rất xúc động. Khi ra về, dường như em nào cũng lặng lẽ hơn, suy nghĩ sâu sắc hơn…
Ngày 20.1, nhiều trường học tại TP.HCM tổ chức chương trình lễ hội mùa xuân.
Không bài tập nhưng trẻ học được nhiều lắm
Bà Phan Hồ Điệp, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mẹ của Đỗ Nhật Nam chia sẻ: tết là dịp dạy trẻ được nhiều bài học lắm. Theo bà Điệp, cha mẹ hãy cùng con lên một thời gian biểu cho những ngày nghỉ: Bắt đầu nghỉ, thời gian biểu sẽ khác. Bạn hãy động viên con tự làm một thời gian biểu trong đó có rất nhiều “quyền lợi”, khác hẳn thường ngày, ví dụ như ngủ dậy muộn hơn, được xem ti vi nhiều hơn, thức khuya hơn… Mỗi thứ một chút thôi, là con đủ thấy vui rồi. Nhưng bên cạnh “quyền lợi” thì phải giao cho trẻ một số “nhiệm vụ”, như trang trí nhà cửa. Lưu ý là nếu bảo trẻ dọn dẹp thì trẻ có vẻ hơi ngại nhưng trang trí thì mình tin là bé nào cũng khoái.
Bà Điệp còn cho biết: tết là dịp rất tốt để trẻ thực hành các bài tập về giao tiếp: Có lẽ không có khoảng thời gian nào trong năm mà cha mẹ có thể hướng dẫn con các bài tập về giao tiếp tốt hơn thế. Hãy chơi trò đóng vai để con được làm một chủ nhà thân thiện hoặc một người khách lịch sự. Với những bạn lớn hơn, bạn hãy tham khảo ý kiến của các bạn xem sẽ nên mời ai, tiếp đón thế nào cho chu đáo, sắp đặt bàn tiệc, cắm hoa, rót nước… Đừng nghĩ việc đó chỉ là của bố mẹ, con cũng có quyền lợi được tham gia, như một chủ nhà thực sự. Bạn cũng cần đặt ra những tình huống và nhờ con giải quyết, ví như: Một bạn khi được nhận lì xì đã bóc ngay ra để xem, nếu là con, con sẽ làm thế nào.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, cho biết: Năm nào Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nhắc nhở các trường không giao bài tập toán, văn… cho học sinh trong dịp nghỉ tết. Sở dĩ phải nhắc như vậy vì tết là dịp để học sinh thực hành những “bài tập” trải nghiệm thiết thực hơn nhiều so với việc vùi đầu vào làm toán hay viết văn…
Theo ông Tiến, học sinh được học về ứng xử, về đạo hiếu qua việc cùng với bố mẹ đi lễ tết ông bà, họ hàng, thầy cô giáo; đây cũng là dịp rất tốt để trẻ “học ăn, học nói” qua những bữa cơm sum vầy, qua những lời chúc mừng năm mới mà chúng học được từ người lớn, từ truyền thống gia đình…
Thay vì mua vé xe như bao người khác, một chàng sinh viên ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc quyết định chọn cách về quê ăn Tết khác người. Anh không đi xe, tàu hỏa hoặc máy bay mà là đi bộ.
Tri ân tổ tiên, ông bà
Với học sinh, tết cổ truyền không chỉ là thời gian vui chơi mà còn là dịp được người thân dạy cách bày tỏ lòng tri ân, biết nói điều hay, làm việc tốt.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Thuý, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (cơ sở TP.HCM), sự tri ân của trẻ trở nên có ý nghĩa nhất khi cha mẹ luôn là tấm gương để trẻ soi vào. Vì thế, cha mẹ hãy là người đầu tiên giúp bé cảm nhận để từ đó thể hiện tình cảm đối với những người thân trong gia đình bằng những hành động cụ thể. Các bậc phụ huynh hãy cùng con em biến những ngày tết là ngày tri ân của mình với tổ tiên, ông bà.
Lời chúc đầu năm luôn mang lại niềm vui và sự thoải mái đồng thời tạo nên một hiệu ứng tốt đẹp cho trẻ em. Đừng quên giải thích con em hiểu tại sao cần nói lời chúc tết và ý nghĩa của lời chúc. Khi trẻ hiểu được ý nghĩa của hành động đó, trẻ sẽ dễ dàng tự giác nói lời chúc hơn là đợi người lớn nhắc nhở. Đặc biệt hơn đó là, bé sẽ tự mình phát sinh những động lực tri ân, những hành động tốt đẹp khi trưởng thành.
Cô giáo Trần Thị Tú Quyên, Trường mầm non Vàng Anh (Q.5), chia sẻ: “Nhiều phụ huynh thường hay bỏ qua mà không uốn nắn trẻ ngay khi trẻ quên nói lời cảm ơn. Đó là một sai lầm bởi như vậy vô tình đã đánh mất cơ hội để bé có thói quen tri ân, biết vâng lời, lễ phép”.
Theo giáo viên Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), chỉ cần một món quà đơn giản, không cầu kỳ, tốn kém mà vẫn thể hiện tình yêu thương của các con dành cho ba mẹ. Đó có thể là một bức tranh có nét vẽ nguệch ngoạc tặng ông bà, cha mẹ, người thân, bạn bè hoặc tấm bưu thiếp tự viết lời chúc mừng năm mới… Việc học sinh tự tay chuẩn bị món quà tặng người thân yêu sẽ tạo thói quen thể hiện lòng biết ơn theo cách riêng của mình.
Ngày 6.1, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sắp tới, học sinh thành phố sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tổng cộng 16 ngày (bao gồm các ngày cuối tuần).