VN có quyền ngăn chặn thông tin xấu trên mạng xã hội
Việt Nam có quyền yêu cầu dỡ bỏ hoặc trực tiếp ngăn chặn những thông tin xấu độc được quy định theo pháp luật.
VN có quyền ngăn chặn thông tin xấu trên mạng xã hội
Việt Nam có quyền yêu cầu dỡ bỏ hoặc trực tiếp ngăn chặn những thông tin xấu độc được quy định theo pháp luật.
Trong phạm vi điều chỉnh của thông tư 38 bao gồm cả các website, mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube đang có lượng lớn người sử dụng tại VN – Ảnh: T.T.D. |
Đó là một trong những nội dung được quy định trong thông tư 38 về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vừa được Bộ Thông tin và truyền thông công bố.
“Văn bản này được xem là cơ sở pháp lý để loại bỏ các nội dung có thông tin xấu độc trên môi trường Internet tại Việt Nam” – ông Lê Quang Tự Do, phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông), đánh giá.
Theo ông Do, trên thực tế hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đã diễn ra từ rất lâu.
Tuy nhiên, lý do thông tư 38 ra đời vào thời điểm này bởi đây là vấn đề phức tạp, khi ban hành phải mang tính khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế và các điều ước Việt Nam đã tuân thủ, đặc biệt đối với lĩnh vực Internet.
Thông tin xấu, độc hại: xử lý như thế nào?
Các đối tượng chịu sự điều chỉnh của thông tư 38 gồm các trang web, mạng xã hội, ứng dụng trên mạng ở nước ngoài cung cấp nội dung vào Việt Nam, có người Việt truy cập, sử dụng dịch vụ; doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ đặt máy chủ ở trong nước.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết thông tư 38 khẳng định hai việc: Một là Việt Nam có quyền yêu cầu dỡ bỏ hoặc trực tiếp ngăn chặn những thông tin xấu độc được quy định theo pháp luật.
Hai là với những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.
Cụ thể hơn, đối với những trang web, mạng xã hội có lượng truy cập lớn từ 1 triệu lượt sử dụng mỗi tháng trở lên hoặc những trang web đặt máy chủ tại Việt Nam phải cung cấp đầu mối liên hệ cho Bộ Thông tin và truyền thông và thực hiện việc phối hợp ngăn chặn xử lý thông tin xuyên tạc, bịa đặt, xấu độc khi có yêu cầu.
Như vậy, trong phạm vi điều chỉnh của quy định này bao gồm cả các website, mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube đang có lượng lớn người sử dụng tại Việt Nam.
“Tuy các đơn vị này chưa có văn phòng đại diện ở Việt Nam nhưng vẫn có đầu mối tư vấn pháp lý. Chúng tôi đã thông qua đại diện đó để làm việc với các tổ chức này và hợp tác trong nhiều trường hợp” – ông Do cho hay và khẳng định “thông tư 38 là văn bản quy phạm pháp luật nên những yêu cầu, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới được quy định rõ ràng và điều này cũng phù hợp với mong muốn của các tổ chức trên”.
Xử lý thông tin xấu trong vòng 48 giờ
Theo ông Lê Quang Tự Do, quy trình xác định và xử lý thông tin xấu sẽ được thực hiện trong 24 giờ.
“Sau khi xác định nội dung thông tin vi phạm cần gỡ bỏ hoặc chặn, không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập, cơ quan quản lý sẽ gửi đề nghị phối hợp bằng văn bản hoặc phương tiện điện tử tới các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài đề nghị xử lý.
Sau khi nhận được đề nghị, trong thời gian 24 giờ tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo đề nghị” – ông Do thông tin.
Ông Do khẳng định: “Quá thời hạn nói trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi, chúng tôi sẽ gửi thông báo lần 2.
Sau 24 giờ tiếp theo nếu các tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn tiếp tục không xử lý thông tin vi phạm theo đề nghị và cũng không phản hồi, cơ quan quản lý sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết”.
Theo ông Do, một quy trình đặc biệt sẽ được áp dụng cho các trường hợp phát hiện thông tin vi phạm đe dọa đến lợi ích quốc gia Việt Nam.
Trong trường hợp đó, cơ quan chức năng sẽ thực thi ngay lập tức các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm không được cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam, đồng thời gửi yêu cầu xử lý thông tin vi phạm theo quy trình.
Biện pháp chặn kỹ thuật chỉ được gỡ bỏ sau khi các thông tin vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và truyền thông.
Thế nào là thông tin xấu độc? Khoản 1, điều 5 nghị định 72/2013/NĐ-CP đã quy định các hành vi bị cấm cụ thể là lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: chống lại Nhà nước; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước, quân sự; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin sai sự thật… |