29/11/2024

Làm điều thiện để thấy đời vui

Có người nói làm việc tốt sẽ sống khoẻ mạnh. Có đúng vậy không? Vì sao lại như vậy? Ngược lại, nếu người làm điều xấu thì sao?

 

Làm điều thiện để thấy đời vui

Có người nói làm việc tốt sẽ sống khoẻ mạnh. Có đúng vậy không? Vì sao lại như vậy? Ngược lại, nếu người làm điều xấu thì sao? 

 

 

 

Làm điều thiện để thấy đời vui
Bác sĩ Lê Minh Khôi trong chuyến đi khám cho các trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh ở Chợ Lách, Bến Tre vào tháng 12-2016 – Ảnh: Nguyễn Hoàng Định

Trả lời những câu hỏi này của PV Tuổi Trẻ, PGS.TS Lê Minh Khôi – bác sĩ tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cho biết:

– Khoảng 30 năm trước, các nhà khoa học của Đại học Harvard đã làm thực nghiệm quan sát những người xem phim về cuộc đời của mẹ Teresa, người đã hi sinh cả cuộc đời cho những người bất hạnh ở Ấn Độ và nhận thấy tần số tim, huyết áp của người xem đều thay đổi theo hướng tích cực.

Các nhà khoa học cũng ghi nhận phản ứng tích cực ở trẻ nhũ nhi khi quan sát người lớn đang giúp đỡ người khó khăn.

Thật sự hệ thần kinh, hệ nội tiết và miễn dịch hoạt động rất hài hoà với nhau. Một phản ứng tích cực của não bộ khi làm việc thiện, hoặc thậm chí quan sát người khác làm việc thiện hay thực hành yêu thương sẽ tác động rất tốt đến hệ nội tiết và miễn dịch.

Gần đây, chúng ta hẳn có biết thông tin rằng yêu thương có khả năng tăng cường khả năng của hệ miễn dịch góp phần tiêu diệt tế bào ung thư. Các “trung khu hài lòng” trong não phản ứng tốt với việc cho đi hơn hoặc ngang bằng với niềm vui được nhận.

Biết rõ làm việc thiện và yêu thương sẽ có lợi cho sức khoẻ thể chất lẫn tâm thần, nhưng chúng ta không nên làm việc thiện chỉ để cầu sức khỏe…

Vậy người làm việc xấu, thậm chí là điều ác, có ảnh hưởng sức khoẻ không? Theo tôi, chắc chắn có. Nếu ai còn chút lương tâm thì chính lương tâm đó sẽ bị dằn vặt khi làm điều ác. Sự dằn vặt này sẽ làm chúng ta bất an, mất tập trung, mất ngủ, stress và sẽ dẫn đến bệnh tâm thể…

* Nếu bỏ qua những vấn đề di truyền, sự trục trặc lý tính thì sự bất an, stress… do chúng ta tạo nên có làm khổ chính trái tim mình?

– Nếu so sánh bệnh tim bẩm sinh chỉ chiếm 1% số trẻ sinh ra và sống thì khi nhìn vào sự quá tải của các khoa tim mạch người lớn, chúng ta sẽ thấy bệnh tim mắc phải rất cao.

Có thể nói bệnh tim mạch là căn bệnh của xã hội hiện đại. Không chỉ vì chế độ ăn uống không đúng cách, không thường xuyên vận động, mà cả những bất an và stress của công việc và đời sống chắc chắn cũng ảnh hưởng rất lớn đến trái tim của chúng ta.

* Không ít người cho rằng việc chăm sóc phần hồn, phần tâm của chúng ta chỉ cần khởi phát từ những việc làm chúng ta vui mỗi ngày, lớn hơn nữa là chúng ta làm được những việc người khác vui. Bác sĩ có chia sẻ gì với ý kiến này?

– Một cây không thể tỏa bóng mát nếu chính nó không xanh tốt. Bản thân chúng ta không vui, chắc chắn không thể mang lại niềm vui cho người khác, hoặc giả nếu có vui thì cũng “vui là vui gượng kẻo mà” thôi. Muốn mang hạnh phúc đến người khác thì bản thân phải hạnh phúc. Mình phải sống trong một “từ trường” vui vẻ mới hi vọng lan tỏa niềm vui đến mọi người.

* Và để tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta cần “tập” làm điều gì, thưa bác sĩ?

– Với mỗi một con người, việc nhận dường như được tích hợp trong gien rồi. Một đứa trẻ vừa ra đời đã rất tự nhiên nhận lấy dòng sữa mẹ, nhận lấy sự chăm sóc và tình yêu thương của mọi người. Ngược lại, việc cho là quá trình học hỏi suốt cả cuộc đời mà lắm lúc không được.

Tôi nghĩ mình may mắn được nhận từ cuộc đời này rất nhiều từ thân xác đến sức khoẻ, trí não, công việc, gia đình, vậy nên tôi đang học cách cho đi một phần dẫu ít ỏi.

Những chuyến đi đến vùng sâu vùng xa – những nơi còn nhiều khó khăn – cũng là cách được trao gửi, nhưng quan trọng hơn là cách tôi nuôi dưỡng tâm hồn hướng đến cộng đồng. Ai cũng có thể cho đi hoặc cụ thể bằng tiền bạc, hoặc bằng những hành động khác dưới rất nhiều hình thức.

Nhưng cho một cách nồng ấm mới có thể thấy được ý nghĩa. Cho mà vọng cầu sự đáp trả thì sẽ không thấy được ý nghĩa của việc cho đi.

* Thời gian qua, dư luận khá bức xúc trước những tai biến y khoa. Bác sĩ có chia sẻ gì về những áp lực mà người làm ngành y thường xuyên đối diện?

– Nghề y là một ngành khoa học nên cần có những dữ liệu, bằng chứng, những quy trình, phác đồ chính xác. Không tuân thủ những điều trên thì chắc chắn dẫn đến sai sót.

Nhưng y khoa lại là ngành khoa học liên quan đến con người, do vậy cũng phải cần những điều mà khoa học chính xác chưa thể thực hiện được. Đó là sự thấu cảm trước nỗi đau của người bệnh.

Ngược lại, ngành y cần có sự cảm thông, chia sẻ của cả xã hội về những nỗ lực, những khó khăn và đôi khi là sai sót chuyên môn. Cảm thông không có nghĩa là bao che, mà chúng ta đừng gắn mác ác ý vào những sai sót đó…

“Nếu mỗi người đều khép cửa trái tim mình, hoặc để những nghi ngờ đứng canh cửa tâm hồn thì chắc cả nhân loại sẽ đi lạc trong chính khu rừng mình dựng nên. Chính vì vậy sự thông hiểu, đồng cảm, việc mở rộng trái tim từ ái là điều tôi luôn mơ ước trong cuộc sống, trong công việc và cả trong những trang viết của mình”

 

BÍCH DẬU thực hiện