Ngày mùng 1 Tết, nói chuyện về “Nếp người”
Nguòi xưa nói “Có thực mới vực được đạo”. Lại nói “Bần cùng sinh đạo tặc”, “No nên bụt, đói ra ma”… Để rồi ký gửi một niềm tin, rằng “Phú quý sinh lễ nghĩa”! Nhưng thực trạng xã hội Việt Nam từ nhiều năm nay đã và đang có một câu trả lời khác đầy nghịch lý, đáng buồn và đáng lo. Vì sao nên nỗi?!
Đời sống hôm nay không thể nói là không phú quý hơn xưa, vậy sao lễ nghĩa lại ngày càng thiếu vắng, hao hụt, như một biểu tượng thất truyền. Có bất ổn gì ở đây, thưa ông?
Nhạc sĩ Dương Thụ
hú không sinh được lễ nghĩa. Trọc phú càng không. Lễ nghĩa không là đặc quyền của người giàu. Lễ nghĩa thuộc về người có giáo dục, có văn hóa. Người giàu (phú), có giáo dục, có văn hóa (quý) thì mới lễ nghĩa được. Giáo dục, văn hóa ở đây không đồng nghĩa với bằng cấp, học vị.
Nước ta khi còn thuộc địa, dân ta thất học, nghèo khó nhưng không thiếu người lễ nghĩa, họ thể hiện những nét đẹp trong truyền thống đạo đức của người Việt.
Ngược lại bây giờ, nước ta đã độc lập, thống nhất, dân ta nhiều người từ nghèo khó đã trở thành giàu có (có làng trở thành “làng tỉ phú”, dân quê xây biệt thự sắm xe hơi cũng là chuyện thường); từ thất học nay thì “thừa học” (ngày xưa đỗ tú tài đã là quý hiếm, bây giờ thì cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ nhiều không kể xiết; có làng ngày xưa rất nghèo, dân mò cua bắt ốc, dân làng phần lớn mù chữ, nay có tới năm, bảy ông tiến sĩ…), thế mà lễ nghĩa như là chuyện trên trời.
Đâu đó vẫn vang lên tiếng cha mẹ mắng con, anh chửi em “mày là thằng bất nhân, bất nghĩa!”. Con cái đối với cha mẹ, anh em ruột đối xử với nhau, học trò đối với thầy cô giáo, con người ứng xử với con người… nhiều chuyện nếu kể ra thì đau lòng lắm, mà đấy là chuyện “thường ngày ở huyện”. Kính trên nhường dưới, hiếu đễ với cha mẹ, thành kính với tổ tiên, với tiền nhân, giúp đỡ người gặp hoạn nạn, người yếu thế… những câu chuyện của lễ nghĩa như thế càng ngày càng ít được kể lại.
Lễ nghĩa là đạo đức truyền thống của người Việt. Đã vô đạo đức thì làm gì có lễ nghĩa. Nhưng những mặc cảm về sự vô đạo đức đã dẫn tới sự phô trương lễ nghĩa, nhất là ở những người mới giàu (trọc phú).
Xây nhà thờ họ tốn kém tiền tỉ, tổ chức mừng thượng thọ cỡ vài trăm triệu cho cha mẹ, lập bàn thờ gia đình rất cầu kỳ, cúng giỗ cỗ bàn liên miên… để khoe chữ hiếu, để khoe sự thành kính, để khoe nghĩa tình, để khoe đủ thứ đủ kiểu.
Lễ nghĩa đâu chỉ là hành vi, đâu chỉ là việc thực hiện những nghi thức, và nó tuyệt nhiên không thể mua được bằng tiền. Lễ nghĩa là nhân cách bên trong mỗi con người, đôi khi nó không thể diễn tả bằng hành vi, bằng lời nói.
Phú quý sinh lễ nghĩa có khi chỉ là một cách nói nước đôi. Cũng có thể hiểu nếu phú mà quý thì có thể sinh lễ nghĩa, nhưng cũng có thể hiểu theo kiểu “ái chà, phú quý sinh lễ nghĩa ấy mà” với một nụ cười mỉm.
Mấy mươi năm chiến tranh, hàng chục năm nghèo đói, nhưng nhiều giá trị tốt đẹp vẫn được gìn giữ và coi trọng. Đói cho sạch rách cho thơm; Tốt danh hơn lành áo; Tham một miếng, tiếng để đời… Những lời dặn của ông cha có vẻ như đã được xã hội đáp lại ngay trong chính những năm tháng nhọc nhằn ấy?
hời chiến tranh và những năm mới hòa bình, cả nước, nhất là ở miền Bắc, cuộc sống vô cùng thiếu thốn khó khăn. Người dân cố gắng chỉ để “ăn no mặc ấm” chứ chưa thể “ăn ngon mặc đẹp”, vậy nhưng xã hội không phổ biến tâm lý bất an như bây giờ. Lúc đó người ta còn tin nhau hơn, tử tế với nhau và thiện lương hơn trong công việc.
TS. Nguyễn Thị Hậu(Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)
Có thể lý giải hiện tượng này từ bối cảnh xã hội: thời bấy giờ chưa “phú quý” nhưng “lễ nghĩa” truyền thống được gìn giữ, nhất là những gì thuộc về đạo đức. Mua gian bán lận bị coi thường, xa hoa lãng phí bị lên án, sĩ diện phô trương cũng bị phê phán…
Mặt bằng chung của xã hội không có sự phân hóa giàu nghèo, làm gì người ta cũng có ý tứ, nhìn xung quanh để không bị kệch cỡm hay vô tâm.
Nhưng đến lúc bị lâm vào tình trạng quá ngặt nghèo thì cả xã hội phải “bung ra” làm kinh tế – thực chất là kiếm tiền bằng mọi cách để trước mắt thoát đói nghèo.
Khi mục đích của việc làm chỉ là “kiếm tiền” thì quan niệm đạo đức và mọi mối quan hệ trong xã hội bắt đầu khác đi. Lấy tiền là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá sự thành đạt, phung phí tiền bạc để khẳng định vị thế giàu sang. Phần lớn chỉ là “giàu xổi” nên “phú quý” không sinh được “lễ nghĩa” mà sinh… “lễ hội” để phô trương.
“Lễ nghĩa” thực sự được sinh ra từ nền tảng đạo đức cộng đồng và sự hiểu biết từ tri thức của thời đại. Vì vậy mỗi thời “lễ nghĩa” biểu hiện khác nhau. Khi đạo đức xuống cấp và tri thức không được coi trọng thì mọi “lễ nghĩa” chỉ là cái vỏ của sự tha hóa.
Chúng ta đã nói nhiều đến gia phong, đến nếp nhà. Con dại cái mang; Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà… đều nhấn nhá đến vai trò của gia đình trong việc trồng người. Có nếp nhà để dựng nên một nếp người. Điều đó còn đúng với thời đại công nghệ này, khi nhiều giá trị đã đổi thay, và mọi thứ đều có thể nhanh chóng tìm thấy trên mạng…?
on trai tôi vừa 5 tuổi, nhưng suy nghĩ về việc giáo dục đứa trẻ của mình đã thường trực trước đó khá lâu. Tôi nghĩ thông qua cách mình được giáo dục, những đối xử trong gia đình, cách ba mẹ tôi duy trì nếp nhà trong những thời điểm khốn khó.
Giáo dục con cái trong một thời đại thiếu thốn phương tiện sống, phương tiện giải trí có lẽ cũng có nhiều điểm không đáng yêu hết thảy đâu, theo như trí nhớ, đứa trẻ – tôi cũng dăm lần thất vọng, khổ não, bực bội… trong quá trình loay hoay định hình nhân cách, tìm kiếm con người mình.
Rồi cuối cùng cũng ổn, trong mọi thời điểm khó khăn, ba mẹ tôi luôn có cách nhìn khai phóng để tôi có thể tự do tìm được cánh cửa của riêng tôi.
Có lẽ đó chính là điều cốt yếu trong việc giáo dục, nếp nhà có thể thay đổi theo thời đại, theo sự cấp tập phát triển của công nghệ, của các phương tiện, các thay đổi của giá trị sống… nhưng một cá thể tự do, biết chịu trách nhiệm, có sự thông hiểu, thương yêu với xung quanh thì luôn thế.
Nhà văn Vương Thuấn
Nếu có một điều gì để cung cấp cho cậu con trai của mình thì đó là các giá trị mà mỗi cá nhân phải giữ để có thể sống vui cho mình và sống vui cùng người khác.
Các phương tiện công nghệ đang dấy lên mối lo cho các bậc phụ huynh, rằng những thứ ấy sẽ khiến con cái xa cách, sẽ dẫn đến sự cô đơn của những đứa trẻ, sẽ khiến những đứa trẻ cùn mòn.
Đừng lo, phương tiện có thể thay đổi nhưng cứu cánh vẫn còn đó, để những đứa trẻ tin tưởng vào giá trị sống ta đề nghị, để những đứa trẻ tiếp thu những điều sẽ tạo nên một cá thể tự do, biết tin tưởng và tìm đến những điều tốt đẹp ngày mai, ta phải hiểu chúng, phải trở thành bạn chúng.
Một gia đình ấm cúng không phụ thuộc vào có hay không các phương tiện công nghệ, nhưng công nghệ với tính nhanh nhạy và khả năng lan tỏa nhanh, buộc mỗi phụ huynh phải luôn đặt các nội dung con mình tiếp cận trong tầm kiểm soát.
Không trở thành tấm gương tối cho con luôn là việc phải làm của các bậc cha mẹ, nhưng ở thời đại công nghệ này, việc kiểm soát hành vi, mục tiêu của bản thân còn phải khắt khe hơn nữa khi nó dễ dàng phơi ra, dễ dàng trở thành vấn đề hơn trước.
Cùng với đó, công nghệ còn phát tán nhanh các “nếp nhà” sai, như kiểu các biệt phủ, các cơ ngơi, các hào nhoáng đời sống được các bậc cha mẹ tích cóp từ nguồn tiền bí ẩn và truyền cho con cái có thể làm dấy lên cuộc đua bòn rút với mục tiêu “để cho thế hệ sau của bản thân”.
Sự phú quý không sinh ra bằng và với lễ nghĩa chính là sự bần cùng. Sự bần cùng thái độ sống, bần cùng nghĩa tình với tha nhân, đã và đang tạo ra các đạo tặc bậc cao, các đạo tặc có thể trộm cướp tương lai của cả nhiều thế hệ.
Vì thế, ở phía cá nhân, tôi mong con mình được sống theo cách của thời đại riêng chúng, không cần sống giùm những ước muốn hay hoài niệm của tôi. Tôi chỉ có một niềm hi vọng khi cố gắng nhắc mãi với con mình rằng chúng là những cá thể tự do, những cá thể tự do biết nhìn thấy và tìm đến điều tốt đẹp.
ã hội và đời sống đã có nhiều thay đổi thì dù ít dù nhiều nếp nhà có biến đổi cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng, quan trọng nhất là hồn cốt của gia phong vẫn còn được giữ, có giá trị định hình, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi thành viên, đặc biệt là con cái.
Nếp nhà là sự gắn bó giữa các thành viên, là những người trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nhường nhịn nhau, nhưng đùm bọc không có nghĩa là chấp nhận những việc làm sai trái của những người trong gia đình mình.
Nguyễn Sự(Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, Quảng Nam)
Bảo bọc nhau bằng cách là bảo ban giữ những điều tốt đẹp và để ứng xử với người trong gia đình, với người ngoài xã hội.
Nếp nhà mà giữ không tốt thì đừng nói chuyện giữ cho xã hội tốt đẹp được. Điều đáng nói, giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình.
Quan trọng để giữ nếp nhà là người lớn phải là tấm gương soi chiếu để cho con cái học theo. Cha mẹ mà không tốt – như bây giờ đang có hiện tượng xã hội xảy ra là cha mẹ có quyền có chức mà cố vơ vét rồi tham nhũng khi làm quan – thì con cái không thể nên thành được.
Cho nên, gia đình là cái mốc đầu tiên, gia đình rồi mới tới làng xã, rồi tới môi trường rộng lớn hơn là xã hội. Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình. Văn hóa gia đình mà không lo giữ thì xã hội cũng sẽ loạn.
Hiện nay có thực tế là nhiều hiện tượng cực đoan trong đời sống xã hội đang nảy sinh và như một tất yếu, khi có những sự việc đó thì người ta lại đổ thừa nhà trường, thầy cô nhưng thật ra cái gốc sâu xa ở đây chính là ở trong gia đình.
Việc giáo dục con cái không tốt đã tạo ra những hệ quả xã hội như thế, cho nên suy cho cùng xã hội muốn tốt đẹp hay không thì phải chăm lo từ cái mốc, cái nấc thang quan trọng đầu tiên đó chính là gia đình.