Quận Bình Thạnh lùi giờ học nửa tiếng, cô trò…nhẹ nhõm
Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh, TP.HCM vừa thay đổi giờ vào học của học sinh tiểu học trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 3-1-2017, giờ tập trung học sinh là 7g15 (thay vì 6g45 như trước), giờ vào học là 7g30 (thay cho 7g như trước).
Quận Bình Thạnh lùi giờ học nửa tiếng, cô trò…nhẹ nhõm
Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh, TP.HCM vừa thay đổi giờ vào học của học sinh tiểu học trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 3-1-2017, giờ tập trung học sinh là 7g15 (thay vì 6g45 như trước), giờ vào học là 7g30 (thay cho 7g như trước).
Theo quyết định của Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh, từ ngày 3-1-2017 các trường tiểu học thay đổi giờ cho học sinh tập trung và học từ 7g15 – 7g30 (thay vì 6g45 – 7g). Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh đi học từ 7g15 sáng 3-1 – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Nghe được thông tin này, rất nhiều phụ huynh các trường tiểu học Hồng Hà, Bế Văn Đàn, Nguyễn Trọng Tuyển, Phù Đổng… thở phào nhẹ nhõm.
Cô mừng, trò cũng mừng
Anh Nguyễn Văn Hạ, phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, cho biết: “Đây là một tin vui không chỉ đối với học sinh mà cả phụ huynh. Bởi học sinh tiểu học chưa có sự chủ động như học sinh trung học. Giờ vào học quá sớm như trước đây gây khó khăn cho chúng tôi rất nhiều, nhất là hồi bé mới vào lớp 1. Lúc ấy bé nhà tôi vẫn còn quen nếp ở trường mầm non: 7g15 mới thức dậy, vệ sinh cá nhân rồi đủng đỉnh đến trường lúc 7g30.
Khi vào lớp 1 thì 6g bé đã bị ba mẹ đánh thức, rồi ép ăn sáng và vội vàng đến trường. Có bữa trên đường đi học mà bé ngủ gục. Có bữa bé không chịu ăn sáng và nói “con chưa đói”. Mới hơn 6g sáng đã bị ép ăn thì quả là tội nghiệp. Nhưng gia đình tôi cũng không còn cách nào khác. Thế là bé không đói vẫn cứ phải ăn dù nhợn lên nhợn xuống…”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Ngọc Phi, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, kể: “Trường chúng tôi có một số em hay đến lớp trễ – nhất là học sinh lớp 1 và vào thời gian đầu năm học. Giờ vào học quá sớm cũng làm nhiều em không kịp ăn sáng trước khi đến trường. Thậm chí có em vừa ngồi trên xe ba mẹ chở vừa tranh thủ ăn; có em vừa đến trường thì nghe tiếng chuông reo, vội vàng chạy vào xếp hàng mà gói xôi trên tay vẫn chưa ăn hết.
Khi giờ vào học trễ hơn trước 30 phút, chắc chắn học sinh sẽ có thời gian chuẩn bị, không phải dậy sớm quá, ăn uống bình tĩnh hơn, không căng thẳng, gấp gáp như trước nữa”.
Một giáo viên lớp 1 (đề nghị không nêu tên) nhận định: “Học sinh khối 1 hay đi học trễ vì vẫn còn quen với lịch sinh hoạt của trường mầm non. Nhiều em vào lớp mà còn ngáp ngắn ngáp dài vì ngủ chưa đã giấc. Thậm chí khi vào tiết 1 rồi mà có em gục ngay trên bàn ngủ ngon lành”.
Phụ huynh cũng khỏe
Trong khi đó, chị Mai Liên, phụ huynh Trường tiểu học Hồng Hà, không phải đến nơi làm việc quá sớm. Chị cho biết: “Từ nay mọi người không còn chọc tôi nữa rồi. Trước đây tôi cứ bị mọi người trong cơ quan nói vui là quá gương mẫu vì mới 7g sáng đã có mặt tại phòng làm việc, dù 7g30 mới làm việc chính thức. Đơn giản vì tôi lãnh nhiệm vụ đưa con đi học, chở con đến trường rồi chạy tới cơ quan luôn…”.
Tương tự, ở Trường tiểu học Bạch Đằng, đa số phụ huynh khi được hỏi đều tỏ ra đồng tình với quyết định của Phòng GD-ĐT Bình Thạnh.
Cô Võ Thị Kiều Trinh, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Bạch Đằng, tâm sự: “Mặc dù thay đổi giờ học nhưng giờ ra về của học sinh trường chúng tôi không thay đổi, vì nhà trường rút ngắn thời gian vui chơi của học sinh bán trú sau giờ ăn trưa. Nhà tôi ở quận Thủ Đức nên trước đây tôi thường dậy lúc 5g30, 6g dắt xe ra khỏi nhà để đến trường. Nay giờ học thay đổi thì tôi sẽ thảnh thơi hơn, không bị cập rập vào buổi sáng như trước nữa”.
Không quy định giờ vào học chung
Theo ông Nguyễn Minh Nhơn – trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh: “Trước đây chúng tôi cũng có nghe than thở từ một số cán bộ, công chức trên địa bàn quận rằng họ cứ phải đóng vai công chức gương mẫu bất đắc dĩ.
Bản thân tôi cũng từng trải qua tình trạng này khi con đi học tiểu học. Vì vậy đáng lẽ việc thay đổi giờ vào học phải làm sớm hơn, nhưng vì một số lấn cấn mà bây giờ Bình Thạnh mới thực hiện.
Mục đích cuối cùng là tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh tiểu học. Nói chung, điều này sẽ không làm công tác dạy và học thay đổi nhiều, các trường chỉ xếp lại thời gian biểu.
Riêng đối với phụ huynh, trong thời gian đầu khi thực hiện thay đổi có thể một số phụ huynh vẫn quen với nếp cũ, họ sẽ đưa con đi học sớm như trước. Phòng GD-ĐT đã lưu ý các trường bố trí giáo viên, nhân viên trực ở trường theo giờ cũ để đón nhận những học sinh đến trường sớm”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại TP.HCM khá nhiều quận, huyện đã ấn định giờ vào học của học sinh tiểu học từ 7g30 như quận 1, 3, 10, 11… Ông Nguyễn Lê Nhân, tổ trưởng tổ phổ thông Phòng GD-ĐT quận 10, cho rằng: “Phụ huynh đồng thuận với phương án học sinh có mặt tại trường lúc 7g15, vào học lúc 7g30 bởi giờ đó phù hợp với giờ đi làm của họ. Nếu ấn định giờ vào học sớm hơn thì phụ huynh sẽ rất vất vả”.
Tuy vậy, hiện trên địa bàn TP còn khá nhiều quận, huyện vẫn ấn định giờ vào học của học sinh tiểu học là 7g, các em phải có mặt tại trường lúc 6g45 để xếp hàng vào lớp. Người đi đường cũng đã quen với hình ảnh nhiều học sinh ngồi trên xe ba mẹ chở đến trường mà mắt nhắm mắt mở, ngủ gà ngủ gật.
Và nhiều phụ huynh vẫn thắc mắc một điều xưa cũ, như bà Nguyễn Thị Minh Thuỷ – phụ huynh ở quận Phú Nhuận – đặt vấn đề: “Tôi không hiểu nhà trường bắt học sinh đi học sớm để làm gì? Mới 10g30 các cháu đã học xong buổi sáng và chuẩn bị ăn trưa rồi. Buổi chiều thì tan học rõ sớm, mới 16g20 các cháu đã ra về, giờ đó có phụ huynh nào ra được khỏi cổng cơ quan để đi đón con? Chỉ có phụ huynh nội trợ mới làm được mà thôi”.
Không có mẫu số chung Ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin: “Sở GD-ĐT TP không ban hành quy định chung về giờ vào học cho tất cả các quận huyện, mà để các trường chủ động – tuỳ theo môi trường và hoàn cảnh của từng đơn vị. Ví dụ, nhiều phụ huynh ở nội thành muốn con mình vô học trễ hơn, nhưng phụ huynh ở ngoại thành lại cho con đến trường sớm do họ đã quen với nếp sống của nhà nông là dậy sớm. Do đó không thể có mẫu số chung trong việc này. Sở chỉ lưu ý các trường tính toán giờ vào học của học sinh sao cho phù hợp với tâm sinh lý các em và thuận lợi trong việc đưa đón con em với đại đa số phụ huynh”. |
Khó vì ngại thay đổi Theo nhận định của các chuyên viên phòng GD-ĐT quận, huyện, việc quy định giờ vào học bắt đầu lúc 7g30 trở đi là phù hợp với tâm sinh lý học sinh tiểu học hơn cả. Thậm chí nhiều trường quốc tế còn ấn định giờ vào học lúc 8g sáng, với mục đích để học sinh thật sự tỉnh táo mới bắt đầu vào tiết học. Điều này đa số hiệu trưởng nhà trường tiểu học đều biết, nhưng một số người ngại thay đổi nên cứ thực hiện theo nếp cũ từ bao lâu nay. Ngoài ra, còn một lý do khác nữa là đặc thù một số trường tiểu học ở TP.HCM thực hiện cả hai mô hình dạy 1 buổi/ngày và dạy 2 buổi/ngày. Đối với những lớp học 2 buổi/ngày thì dễ dàng thay đổi, giờ vào học có thể là 7g30 hay 7g45 thì vẫn thoải mái do thời khóa biểu mỗi ngày chỉ học 7 tiết: sáng 4 tiết, chiều 3 tiết. Trong khi đó, những lớp học 1 buổi/ngày thì khó khăn hơn cho nhà trường trong việc xếp thời khóa biểu, bởi mỗi ngày các em phải học 5 tiết. |