29/11/2024

Bóng cười, coi chừng cười không nổi

Sau thời gian xuất hiện rầm rộ ở Hà Nội, trào lưu hít bóng cười (funky ball) bắt đầu lan rộng vào các quán cà phê, quán bar tại TP.HCM.

 

Bóng cười, coi chừng cười không nổi

Sau thời gian xuất hiện rầm rộ ở Hà Nội, trào lưu hít bóng cười (funky ball) bắt đầu lan rộng vào các quán cà phê, quán bar tại TP.HCM.

 

 

 

Bóng cười, coi chừng cười không nổi

Bóng cười thực chất là các quả bóng bay được bơm khí N2O (nitrous oxide), sau đó được bán đại trà với giá từ 50.000 – 70.000/quả.

Hít bóng cười mang lại cảm giác phấn khích và gây cười trong thời gian ngắn, muốn duy trì trạng thái, người dùng buộc phải tiếp tục hít bóng.

“Thực tế khó có thể cấm được bóng cười vì đây là trò giải trí du nhập, phổ biến trong giới trẻ nhưng chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Cơ quan chức năng nên quản lý nguồn cung cấp khí, ngành y tế nên khuyến cáo ảnh hưởng của chất này lên sức khoẻ về trước mắt và lâu dài”.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang

Mốt “thời thượng”

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang – giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM, việc sử dụng bóng cười tràn lan xuất phát từ tâm lý đám đông, đặc biệt là ở giới trẻ. Đặc điểm của thanh thiếu niên là thường tò mò trước những trò chơi mới lạ, thử tìm hiểu rồi kêu gọi người khác tham gia cùng nhưng không biết hậu quả có thể có.

Một điểm nguy hiểm là các bạn trẻ Việt Nam thường có xu hướng sử dụng phối hợp các chất kích thích thần kinh như dùng kèm rượu, bia với thuốc lá, ma tuý đá hoặc tự pha chế các chất gây nghiện. Trong các trường hợp này, môi trường đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng trong việc đẩy nhu cầu sử dụng chất kích thích lên cao.

Ở độ tuổi thanh thiếu niên, việc lấy lý do hít bóng cười để giải toả stress chỉ là “nguỵ biện”. Nguyên nhân thôi thúc giới trẻ sử dụng bóng là do tò mò, muốn thử cảm giác mà không quan tâm những tác hại đến sức khoẻ.

Nhiều thanh niên hiện nay xem bóng cười là mốt “thời thượng”. Tuy nhiên, cũng như các trào lưu khác, đến một giai đoạn bóng cười sẽ phải chìm.

Nhìn chung, thanh thiếu niên muốn hít bóng cười cần phải có môi trường làm chất xúc tác, ít ai đem bóng về nhà trong phòng kín rồi tự hít, tự cười… một mình.

Lợi bất cập hại

ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang cho biết thực chất khí N2O có tác dụng giảm đau, chủ yếu được dùng trong gây tê, gây mê phẫu thuật và nha khoa. Chất này gây ức chế thần kinh, tác động lên sự chuyển hóa và hệ tuần hoàn, gây thiếu oxy.

Ngoài ra, N2O còn làm giảm khả năng nhận thức, suy nghĩ, trí nhớ, đôi khi khiến người tiếp xúc bị chóng mặt, thậm chí xuất hiện ảo giác, dần dần hình thành ảo thanh.Sử dụng bóng cười hoàn toàn không có lợi đối với người mắc các bệnh về tim mạch.

Khí N2O gây hưng phấn, từ đó làm nhịp tim tăng lên, thay đổi cảm xúc, huyết áp và cả lưu lượng máu trong tuần hoàn. Trong đó, thay đổi rõ nhất chính là ở mặt cảm xúc khi người dùng đột nhiên cười mà… không có lý do.

Khi sử dụng bóng cười, đặc biệt là phối hợp với các chất kích thích khác, việc cơ thể thích nghi được hay không còn tùy thuộc cơ địa của mỗi người. Đối với người dùng quen không gặp phải vấn đề gì.

Ngược lại, những người sử dụng lần đầu sẽ thấy khó chịu, bởi lúc đó cơ thể bắt đầu phản ứng theo cơ chế phòng vệ khi thấy có chất lạ được đưa vào. Các cơ quan từ hệ thống thần kinh đến dịch, nội tiết tố đều tham gia chống trả “vật thể lạ” thông qua các biểu hiện như nôn mửa, khó thở, tay chân hơi run, co giật, ngất, thậm chí nặng hơn là gây đột quỵ, liệt.

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang, khi xảy ra tình huống cấp cứu phản ứng với bóng cười, nhất là đối với nạn nhân sử dụng phối hợp nhiều chất kích thích hoặc gây nghiện, những người xung quanh cần phải hết sức bình tĩnh và xử trí như các trường hợp ngộ độc thông thường.

Cụ thể, đặt nạn nhân nằm đầu thấp để thông thoáng đường khí thở, giúp máu dồn lên não, vận chuyển oxy tốt hơn. Hết sức chú ý tránh dị vật trong miệng, không để người bệnh bị sặc, đồng thời quan sát mạch, nhịp thở, mức độ tỉnh táo rồi gọi xe cấp cứu.

Tuy nhiên, ThS.BS Quang nhấn mạnh ít có người ngộ độc chỉ vì hít bóng cười bởi N2O là loại khí mau thoát hơi. Nếu có xảy ra ngộ độc, thường là do kết hợp với các chất khác.

BÌNH MINH