29/11/2024

Chữa lành những vết thương sâu kín

Các trẻ em bị lạm dụng, xâm hại, bị bắt ép làm nô lệ tình dục với những tổn thương khó nhìn thấy, nỗi sợ hãi, ám ảnh câm nín. Số lượng nạn nhân của nạn xâm hại tình dục vẫn đang tăng, dù những thủ phạm bị phát hiện và trừng phạt thích đáng vẫn còn quá ít.

 

Chữa lành những vết thương sâu kín

Các trẻ em bị lạm dụng, xâm hại, bị bắt ép làm nô lệ tình dục với những tổn thương khó nhìn thấy, nỗi sợ hãi, ám ảnh câm nín. Số lượng nạn nhân của nạn xâm hại tình dục vẫn đang tăng, dù những thủ phạm bị phát hiện và trừng phạt thích đáng vẫn còn quá ít.

 

 

 

Chữa lành những vết thương sâu kín
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy và các học sinh trong buổi tập huấn kỹ năng “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em” tại Trường tiểu học Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM – Ảnh: nhân vật cung cấp

Có cách nào xoa dịu vết thương nơi các em bị xâm hại?

Tuổi Trẻ đối thoại với những tổ chức và cá nhân đang làm công việc chữa lành vết thương cho các em: chị Nguyễn Yên Thảo – giám đốc Trung tâm tư vấn Nhịp cầu hạnh phúc, xơ Quỳnh Ngọc – quản lý Ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc (thuộc Hội Tâm lý – giáo dục TP.HCM), chị Nguyễn Thị Thu Oanh – Mái ấm Hoa hồng nhỏ và thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy – Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi nguồn 
(TP.HCM).

Những điều cần nói 
thật thẳng

Chữa lành những vết thương sâu kín
Chị Nguyễn Yên Thảo

* Chọn một đối tượng khá đặc biệt để tập trung các hoạt động của mình, Nhịp cầu hạnh phúc hẳn là phải có những lý do đặc biệt?

– Chị Nguyễn Yên Thảo: Đọc báo hằng ngày, trong các tin thời sự hẳn ai cũng dễ thấy tin đây đó phát hiện một vụ hiếp dâm trẻ em, thi thoảng lại có tin phanh phui một đường dây bắt cóc, lừa đảo, buôn bán trẻ em làm nô lệ tình dục.

Thủ phạm bị bắt, chịu sự xét xử của pháp luật có thể khiến nhiều người thở phào, còn chúng tôi tự hỏi các nạn nhân là những bé gái – bé trai đang tiếp tục sống ra sao? Các em có mau chóng quên đi những câu chuyện buồn để ngày mai lại là một ngày mới hay không?

Câu trả lời thường là “Không” đến từ chính bản thân các em, hoàn cảnh gia đình, từ hàng xóm láng giềng… Đáng sợ nhất là mối tương quan nạn nhân – tội phạm có khả năng lặp lại và hoán chuyển chỗ cho nhau… Nhận ra được những điều đó, cả trong lý thuyết và thực tế, chúng tôi vào cuộc.

* Tôi được biết rằng không có một nạn nhân nào của nạn xâm hại tình dục tự tìm đến trung tâm. Để có thể trợ giúp các em, chính chị và những nhân viên của Nhịp cầu hạnh phúc đã đi tìm tận những làng quê, thôn bản… Chị nhận ra điều gì trong những chuyến đi đó?

– Chị Yên Thảo: Con số 1.000 vụ xâm hại tình dục mỗi năm được đưa ra tại Hội nghị quốc gia về tình dục – sức khoẻ và xã hội lần thứ 3 (tháng 11-2016 – PV) vừa qua có lẽ còn rất nhỏ so với thực tế.

Đọc thông tin trên báo chí và tin báo của những thông tín viên, nơi nào có nạn nhân đúng đối tượng của mình, lập tức chúng tôi đến tận nơi tìm hiểu, nhiều trường hợp còn phải tổ chức giải cứu khi các em nằm trong tay tổ chức buôn người.

Rất nhiều lần trong lúc nói chuyện với gia đình hay cán bộ địa phương, chợt ai đó bỗng nhớ ra “ở đằng kia, đằng đó” cũng có những trường hợp tương tự.

Thống kê của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc cho biết tới 90% nạn nhân và thủ phạm của các vụ xâm hại tình dục trẻ em là quen biết, thậm chí có quan hệ rất gần gũi với nhau.

Ngôi nhà chung của chúng tôi có thể đón các em đến, tách khỏi môi trường cũ – nơi các em có nguy cơ cao sẽ tiếp tục bị tổn thương thể xác hay tinh thần, tạo một gia đình mới để những vết thương có cơ hội được chữa lành.

Nhưng đó vẫn không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc chiến chống xâm hại tình dục trẻ em.

* Tất nhiên điều quan trọng nhất là phải làm sao để không có cả thủ phạm lẫn nạn nhân. Trong công tác tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, chúng ta đã nhận thấy điều gì?

– Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy: Qua quá trình làm việc và tiếp xúc với trẻ trong các buổi tuyên truyền, tập huấn, tôi thấy học sinh cấp I, cấp II còn nhận thức rất mơ hồ về vấn đề này.

Phụ huynh của các em, nhất là những người ở nông thôn, chưa thấy rõ hệ quả nặng nề về tâm lý và thể lý của việc xâm hại nên khá chủ quan, thậm chí một số người còn có thói quen xâm hại con mình một cách không ý thức. Giáo viên thì đa số cho đây là vấn đề nhạy cảm nên ngại ngùng, khó đề cập hoặc chỉ trả lời qua loa khi được hỏi.

Sau khi tập huấn, các em đã thực hiện các bài tập kiểm tra nhận thức và cách ứng phó khá đầy đủ, chính xác, nhưng việc nhắc nhở và luyện tập thêm ở nhà càng cần thiết hơn. Khi các giáo viên và phụ huynh phản hồi thấy được sự quan trọng của việc giúp trẻ bảo vệ bản thân, chúng tôi mới có thể an tâm.

Vết thương khó lành

* Với các nạn nhân, chắc hẳn không phải nói thẳng ra là tốt? Vết thương tinh thần, thể xác với các em có thể quên đi được hay không?

– Chị Nguyễn Thị Thu Oanh: Mười một năm gắn bó với các em, tôi có thể khẳng định là không. Khi sự việc đã xảy ra rồi, chúng ta có một nạn nhân bị tổn thương cả thể lý lẫn tâm lý. Vết thương trên thân thể cần được thăm khám, chữa trị, chăm sóc; vết thương trong tâm hồn càng cần được quan tâm nhiều hơn.

Có những gia đình biết cách giúp bé giữ kín câu chuyện, giúp bé bảo vệ mình tốt hơn, nguôi ngoai cơn sợ hãi, tập trung sự chú ý vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Nhưng cũng có lúc vết thương của các em bị xát muối bởi sự vô tình của người đời, có lúc mưng mủ trong sự cô độc, có lúc lại sâu thêm, lớn thêm khi em mỗi năm mỗi lớn, có khi thành khủng hoảng khi em có người yêu, lập gia đình…

* Một ngôi nhà chung với mỗi người mỗi tổn thương có phải là cách tốt nhất để chữa lành?

– Chị Thu Oanh: Chúng tôi chưa biết một cách khác. Có khi vừa đến đầu xóm hỏi thăm tên cha mẹ đã có ai đó nói ra tên bé và nhanh nhảu kể câu chuyện khủng khiếp. Vừa vào nhà đã có người lố nhố đứng nghe chuyện, góp chuyện… Môi trường như thế sẽ rất khó để vết thương lòng được liền sẹo, mà có khả năng càng lúc càng trầm trọng hơn.

Lại có những trường hợp bé bị xâm hại, gia đình đi tố cáo nhưng không đủ bằng chứng, thủ phạm vẫn nhởn nhơ, có lúc còn quay lại đe dọa, có lúc còn tiếp tục hành vi.

Trong khả năng của mình, chúng tôi chọn cách thuyết phục bé và gia đình cùng địa phương cho bé tạm dời đi nơi khác, mở rộng cửa mái ấm của mình để đón bé, cho bé một nơi có thể giữ yên vết thương của mình. Tách khỏi gia đình, môi trường quen thuộc với các em là một cú sốc nữa. Mỗi em có một biểu hiện riêng.

Với mỗi em phải có cách tiếp xúc, nói chuyện, thăm dò khác nhau, tìm cách để bé mở lòng ra, tin tưởng và sống lại cuộc sống bình thường.

* Đối với thủ phạm, thái độ như thế nào là thích hợp?

– Chị Thu Oanh: Đứng về phía nạn nhân, chắc chắn không bao giờ có thể tha thứ. Thủ phạm bị trừng phạt trước pháp luật có thể khiến các em có cảm giác có được công lý, lẽ phải, được bảo vệ, nhưng khó xoá đi cảm giác sợ hãi, bất an.

– Anh Ngọc Duy: Đây không chỉ là một hành vi xấu, mà là một tội ác. Cộng đồng phải quyết liệt, dứt khoát nói “Không”. Cần cương quyết để bắt những thủ phạm phải chịu trách nhiệm tương ứng với pháp luật, dù đôi khi họ chính là người thân trong gia đình.

Cũng cần có thêm những giới hạn cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi thủ phạm trở lại đời sống bình thường, vì đây là những tội phạm thuộc trường hợp bản năng.

Cất nỗi đau để làm 
một người mới

Chữa lành những vết thương sâu kín
Xơ Quỳnh Ngọc

* Ở giữa ngôi nhà chung như thế này, giữa các chị em gái, làm cách nào để giữ những câu chuyện của các em nằm trong vòng bí mật của im lặng?

– Xơ Quỳnh Ngọc: Trong ngôi nhà chung của chúng tôi, nguyên tắc số một mà tất cả các con cũng như chúng tôi phải giữ: “Không hỏi, kể chuyện bí mật riêng tư của nhau”. Các con mỗi đứa một độ tuổi, một hoàn cảnh, một quá khứ, một tổn thương, quây quần tới đây thành một gia đình.

Tôi nói với các con: “Chúng ta coi nhau như ruột thịt, yêu thương nhau, sống cùng nhau một đoạn đời, chỉ có một mục đích hướng đến tương lai tốt đẹp cho mỗi người”.

Các chuyên gia, tình nguyện viên luôn theo sát để điều chỉnh hành vi, giải tỏa tâm lý, còn tôi dạy các con bằng chính cuộc sống, hành động của mình mà các con nhìn thấy. Khi nào trước mặt bọn trẻ tôi cũng vui vẻ, mạnh khoẻ, phong độ, lạc quan, không để các con thấy mẹ buồn, mẹ đau, mẹ khóc bao giờ.

Nỗi đau nếu chưa xả bỏ được thì hãy cất đi, đó là điều tôi muốn các con tự hiểu được và làm được.

* Những vết thương sâu kín và chữa trị cũng sâu kín, nhưng kết quả có được nhận thấy thật rõ ràng không?

– Xơ Quỳnh Ngọc: Rất rõ. Tôi coi các con như con cháu mình, đo lường, ghi nhận tiến bộ từng chút, từng bé mỗi ngày để kịp thời khen thưởng. Những bé chậm hơn thì động viên cố gắng học tập các chị.

Các con của chúng tôi đã trải qua nỗi đau, mất mát, lại biết thích nghi với một cuộc sống hoàn toàn mới. Khi rời khỏi đây, tôi đoan chắc các con sẽ trưởng thành, là một người mới với những ngày mới.

Mong được thất nghiệp

* Điều gì mà những người làm việc với sứ mệnh “Chống lại nạn khai thác/buôn bán tình dục trẻ em” mong muốn nhất?

Chị Nguyễn Yên Thảo: Mong được thất nghiệp, tức không còn trẻ em nào bị xâm hại, bị lợi dụng làm nô lệ tình dục để chúng tôi phải giúp đỡ. Chúng tôi nỗ lực cho mục đích đó bằng việc tìm cách tác động vào cộng đồng để có những tiếng nói, hành động mạnh mẽ hơn bảo vệ các em.

“Đầu ra” 
hạnh phúc

Đầu năm, Trung tâm tư vấn Nhịp cầu hạnh phúc có thêm hai điều hạnh phúc: một cô gái đang hồi hộp chờ ngày vu quy, một cơ sở kinh doanh mới được mở để tạo việc làm và nguồn thu nhập cho quỹ. Cũng đầu năm, ở Mái ấm Hoa hồng nhỏ (Q.7, TP.HCM) có hai cô gái đang hồi hộp đến tuổi 18, tuổi mà theo quy định các em sẽ phải rời mái ấm…

Hướng đến đối tượng tư vấn, hỗ trợ chính là những trẻ em bị lạm dụng, xâm hại, bị bắt ép làm nô lệ tình dục, “đầu vào” của Nhịp cầu hạnh phúc và Hoa hồng nhỏ là những bé gái với rất nhiều dòng nước mắt. Vậy nên khi “đầu ra” là những cô gái có nụ cười giòn, chăm chút vun đắp hạnh phúc, tương lai, ai cũng rất vui.

PHẠM VŨ thực hiện