29/11/2024

Lê Anh Thư: “Tôi đi làm việc bao đồng”

“Nếu ai đó nói tôi đi làm việc bao đồng, tôi sẽ gật đầu bởi có thể với họ là những việc không đâu. Còn với tôi và những người đến thư viện thì đó là sự sẻ chia, thấu hiểu lẫn nhau để xoá bỏ nhữngkỳ thị và bất công”.

 

Lê Anh Thư: “Tôi đi làm việc bao đồng” 

“Nếu ai đó nói tôi đi làm việc bao đồng, tôi sẽ gật đầu bởi có thể với họ là những việc không đâu. Còn với tôi và những người đến thư viện thì đó là sự sẻ chia, thấu hiểu lẫn nhau để xoá bỏ nhữngkỳ thị và bất công”.

 

 

 

Lê Anh Thư: “Tôi đi làm việc bao đồng” 
“Bây giờ là thời điểm rất phù hợp để giới trẻ có thể phát triển những điều mà chính họ tìm tòi, khám phá, mang về nơi họ sinh ra và giúp đỡ cộng đồng” – Lê Anh Thư – Ảnh: Hữu Thuận

Lần đầu tiên, mô hình “Thư viện sách sống” sẽ xuất hiện tại TP.HCM, người đọc sẽ được lựa chọn “đầu sách” là các khách mời của chương trình để trò chuyện, tương tác về những vấn đề gai góc của xã hội theo từng chủ đề như: định kiến nghề nghiệp, xu hướng giới tính, xu hướng tình dục, lối sống, sức khoẻ…

Là người mang mô hình này từ Mỹ về VN, tổ chức ở Hà Nội và TP.HCM, du học sinh Lê Anh Thư (21 tuổi, học năm hai Trường Oberlin College chuyên ngành nghiên cứu về phụ nữ, tình dục và giới tính) khẳng định: “Nếu ai đó nói tôi đi làm việc bao đồng, tôi sẽ gật đầu bởi có thể với họ là những việc không đâu. Còn với tôi và những người đến thư viện thì đó là sự sẻ chia, thấu hiểu lẫn nhau để xoá bỏ những định kiến, kỳ thị và bất công trong xã hội”.

* Tại Mỹ, mô hình “Thư viện sách sống” có điều gì đặc biệt khiến bạn quyết tâm xin phép Human Library (khởi nguồn từ Đan Mạch cách đây 16 năm) để đem mô hình này về VN, tổ chức lần đầu tại Hà Nội vào 
tháng 7-2016?

– Lúc đầu tôi rất tò mò bởi không hiểu thư viện tại sao lại là người mà không phải là sách, sau đó tôi thực sự bất ngờ vì nó đem đến kiến thức không phải học thuật mà là vấn đề xã hội.

Tôi được gặp một “đầu sách” là cựu chiến binh Mỹ trong cuộc chiến VN. Quãng thời gian tham chiến ở VN dường như đã phá hủy cuộc đời của ông ấy bởi khi trở về ông bị sang chấn tâm lý, các mối quan hệ gia đình, người thân, bạn bè đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông kể lại những thay đổi trước và sau khi ông tham gia cuộc chiến và hệ quả mình phải gánh chịu.

Những câu chuyện đời thường như thế, tôi chưa bao giờ biết được vì trên sách giáo khoa chỉ là số liệu, bên thắng, bên thua. Nhưng còn một mảng tối ít ai biết là những người bị bỏ lại sau chiến 
tranh ở cả hai phía.

Ngoài ra, còn nhiều chủ đề khác như phân biệt màu da, giới tính… khiến tôi có cái nhìn đa chiều hơn, lĩnh hội nhiều tri thức mới hơn.

Từ đó, tôi nhận ra mình vẫn mang nhiều định kiến dù học và sống ở Mỹ nên tôi quyết tâm mang mô hình này về VN để giúp bạn trẻ có thêm nhiều trải nghiệm mới.

* Ở Hà Nội, bạn đã giới thiệu 18 “đầu sách” ở nhiều chủ đề khác nhau như: xu hướng giới tính, tình dục, sức khỏe thể chất, sức khoẻ tinh thần, lối sống khác biệt và các ngành nghề bị kỳ thị. Vậy những “đầu sách” nào khiến bạn đặc biệt ấn tượng?

– Có một “đầu sách” ám ảnh tôi là chị gái thôn quê ở miền Bắc. Chị lấy chồng sớm, bị bạo hành nên phải trốn đi nhưng lại bị bán sang Trung Quốc đến hai lần.

Về VN chị lấy chồng mới nhưng tiếp tục bị đánh đập, đay nghiến tinh thần, chồng ép chị phải làm gái mại dâm. Tủi nhục nhưng chị vẫn cam chịu vì còn một đứa con.

Chị chỉ ước có 1 triệu đồng chị sẽ bỏ nghề và đi mở hàng nước. Sau chương trình, chúng tôi đã quyên góp 3 triệu đồng và chị đã bỏ nghề.

Từ đó tôi thấy rằng chúng ta mang trong mình những định kiến nhưng chưa hiểu nội tình hoặc chưa một lần lắng nghe họ nói trong khi định kiến đó gây đau khổ cho họ hằng ngày.

Ngoài ra, có hai “đầu sách” là người chuyển giới. Họ muốn trở về bản ngã của mình nhưng xã hội chưa có cái nhìn thiện cảm về họ. Gia đình không chấp nhận, cấm cản, thậm chí doạ tự tử mỗi khi họ muốn sống thật với chính mình.

Câu chuyện này có thể giải quyết nếu hai bên lắng nghe, chấp nhận con người thật của nhau và xã hội cũng nên có cái nhìn bao dung thay vì xua đuổi, dồn họ đến bước đường cùng của đau khổ bởi lỗi không phải nơi họ, cũng chẳng phải ở những người sinh thành.

* Bạn muốn gửi gắm điều gì đối với mọi người thông qua mô hình này?

– Sự lắng nghe và thấu hiểu là quan trọng nhất. Tôi mong những ai đến thư viện đều nghiệm ra những giá trị cuộc sống từ việc biết lắng nghe, quan tâm lẫn nhau và hi vọng giá trị đó càng được lan tỏa.

Ngoài ra, tôi cũng muốn truyền đi cảm hứng dám ước mơ và thực hiện ước mơ đến với nhiều người bởi năm ngoái tôi không nghĩ mình có thể tổ chức sự kiện có đến 500 người tham gia.

* Bạn là một người trẻ, lại có cơ hội sống, học tập ở cả VN và Mỹ, bạn có điều gì muốn chia sẻ với giới trẻ Việt?

– Tôi thấy một bộ phận giới trẻ Việt nhiều khi hơi lười, họ không nỗ lực tìm kiếm cơ hội cho bản thân. Khi không có cơ hội, họ thường oán trách hoàn cảnh hơn là nhìn lại bản thân hay tìm hiểu lý do.

Nhiều người không chịu bồi bổ kiến thức, lười đọc sách trong khi lại thường xuyên đọc và chia sẻ thông tin vô bổ trên các báo “lá cải” lên mạng xã hội.

Ngay cả sử dụng Facebook, trong khi giới trẻ Mỹ chia sẻ một bài tranh luận về một vấn đề xã hội thì giới trẻ Việt lại thường chia sẻ chuyện người đẹp này yêu đại gia kia.

Tôi không muốn đưa ra sự so sánh, nhưng rõ ràng có một thực tế cần phải nhìn nhận là xu hướng dùng mạng xã hội có những sự khác biệt.

Tôi cho rằng văn hóa dùng Facebook ở một số bạn trẻ VN chưa lành mạnh, thường xảy ra bắt nạt kiểu đám đông, công kích cá nhân. Cũng có những người xung quanh tôi viết, chia sẻ những thông tin, kiến thức hay, nhưng rất tiếc họ chỉ là số nhỏ giữa đám đông hỗn loạn 
mà đa số là giới trẻ.

Trong hai ngày 14 và 15-1-2017, chương trình “Thư viện sách sống” sẽ diễn ra tại Trường ĐH Mở TP.HCM (Q.1, TP.HCM).

Gần 30 “đầu sách” sẽ giúp người đọc thấu hiểu hơn về các chủ đề giới tính, xăm trổ, lạm dụng tình dục, bắt nạt trên mạng, những ngành nghề bị định kiến…

Lê Anh Thư, trưởng ban tổ chức chương trình, cho biết mọi người có thể đến chương trình, chọn tựa sách, đăng ký với thủ thư rồi đến phòng đọc để lắng nghe và tương tác với “sách sống” trong thời gian 10-15 phút đối với mỗi “đầu sách”.

NGỌC HIỂN thực hiện