Trắng đêm trên 2 công trường quan trọng
Những ngày cuối cùng của năm 2016, hàng loạt công trình mới như cống ngăn triều Phú Xuân, cầu vượt ngã sáu Gò Vấp… cũng bước vào giai đoạn thi công nước rút.
Trắng đêm trên 2 công trường quan trọng
Những ngày cuối cùng của năm 2016, hàng loạt công trình mới như cống ngăn triều Phú Xuân, cầu vượt ngã sáu Gò Vấp… cũng bước vào giai đoạn thi công nước rút.
Công nhân tại công trình cống ngăn triều Phú Xuân (H.Nhà Bè, TP.HCM) đo lấy thông số một lỗ khoan – Ảnh: Lê Phan |
Tại những công trình hạ tầng trọng điểm của TP.HCM, hàng trăm công nhân vẫn hăng say lao động để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình này, sớm hoàn thành phục vụ người dân TP một mùa xuân mới.
Công trường 10.000 tỉ đồng
Con hẻm nhỏ sâu hun hút dẫn vào công trình xây dựng cống ngăn triều Phú Xuân (H.Nhà Bè). Đây là một hạng mục của dự án chống ngập do triều cường có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện. Đã hơn 21g, toàn bộ công trường ngập trong ánh đèn, công nhân vẫn miệt mài mỗi người làm một việc không ngơi nghỉ.
Xa xa, dưới mặt nước lấp lánh ánh đèn, hơn 50 công nhân đang bận bịu công việc. Trong đó, một nhóm công nhân điều khiển cẩu để đưa dầm thép ra khu vực lòng sông, nhóm khác lắp dầm thép dưới sông.
Với đặc thù thi công trên sông nước nên việc thi công gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Chẳng hạn, việc vận chuyển vật liệu đều dựa hoàn toàn vào các sà lan lớn và các công nhân, kỹ sư đi lại làm việc trên những cọc sắt được vắt ngang nối từ sà lan này đến sà lan khác.
Để đẩy nhanh tiến độ của dự án, các công nhân tại đây cũng làm việc xuyên đêm. Theo chỉ huy công trình, dự kiến sẽ thi công ngay trong những ngày Tết Nguyên đán 2017 để kịp tiến độ.
Anh Khang, kỹ sư tại đây, chỉ về phía bờ sông cho biết: “Công trình cống ngăn triều Phú Xuân nằm trong hệ thống sáu cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập lớn của TP.HCM. Riêng cống ngăn triều Phú Xuân khi hoàn thành sẽ giải quyết dứt điểm nỗi ám ảnh ngập khi triều cường của người dân sống xung quanh bờ sông, đồng thời giúp người dân chủ động đối phó với biến đổi khí hậu ở khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và khu trung tâm TP”.
Đứng trên điểm cao nhất của công trình cách mặt nước khoảng 15m, anh Khang chia sẻ lúc đầu khi mới tới để thi công công trình, nhiều người dân hai bên bờ sông đã phản đối và tìm cách không cho giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, sau khi họ hiểu được tầm quan trọng của dự án này thì chủ động hỗ trợ.
Anh Nguyễn Hoàng Tùng, một công nhân (quê Bắc Ninh), đưa tay quệt những giọt mồ hôi đổ dài trên trán hồ hởi nói: “Mình thích làm ca đêm vì làm việc ban đêm không khí mát mẻ. Chúng tôi làm công trình lớn nên thường phải chấp nhận ăn ngủ thất thường để đảm bảo tiến độ công trình.
Biết làm sao được, anh em tự bảo ban nhau mình làm công trình trọng điểm quốc gia phải đặt tầm quan trọng của nó lên hàng đầu”.
Anh Tùng nói sẽ ở lại công trình hết Tết âm lịch 2017 rồi mới về với vợ con.
Xây cầu vượt chống kẹt xe
Công trường cầu vượt ngã sáu Gò Vấp đã có hình hài với những nhịp cầu vươn lên cao so với mặt đất sau hơn ba tháng khởi công xây dựng.
Ban đêm trên công trường có hơn 150 công nhân bận rộn làm việc và không ai chú ý đến dòng xe cộ tấp nập ở hai bên đường công trường.
Các kỹ sư và công nhân thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long và Tổng công ty 319 chia ra từng nhóm làm việc, trong đó có nhóm đan từng thanh sắt, có nhóm đổ từng lớp bêtông cho cây cầu thành hình.
Công nhân tất bật thi công để kịp tiến độ công trình tại cầu vượt ngã sáu Gò Vấp (Q.Gò Vấp, TP.HCM) – Ảnh: Lê Phan |
Nhiều kỹ sư cho biết phải thay nhau túc trực ở đây 24/24 giờ, không được lơ là.
“Chúng tôi phải làm luôn ngày chủ nhật. Ngay cả Noel cũng đi làm từ sáng sớm, không có thời gian chở con đi vui chơi. Mấy đứa nhỏ cứ trách ba thất hứa với tụi nó” – anh Lê Văn Chuyên, giám đốc, kỹ sư phụ trách chính chi nhánh của Tổng công ty xây dựng Thăng Long, chia sẻ.
Anh Chuyên cho biết: “Cầu vượt này chia làm hai giai đoạn để thực hiện. Hiện nay Tổng công ty xây dựng Thăng Long cùng Tổng công ty 319 đang xây dựng giai đoạn 1 là nhánh cầu Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm.
Đây chính là nhánh đường chính phục vụ một lượng lớn người dân ra vào trung tâm TP. Chúng tôi đang cố gắng hết sức, làm việc liên tục ba ca mỗi ngày để kịp thời bàn giao nhánh thứ nhất, phục vụ người dân đi lại trước Tết âm lịch 2017”.
Anh Nguyễn Văn Cường, một công nhân (26 tuổi, quê Thanh Hoá), cùng hai công nhân nữa ngồi nghỉ tạm trên một đoạn cầu mới lắp xong nhịp dầm chia sẻ vào TP, anh phải thuê phòng sống cùng nhiều người làm chung công trình nên đời sống còn thiếu thốn.
Tổng công ty cũng hỗ trợ anh một khoản tiền để chi tiêu nên anh thấy được động viên, có động lực lớn để làm ca đêm.
Ngoài ra, những công nhân phải làm ca quá khuya thường chọn ngủ lại trong những căn nhà container chật hẹp được dựng ngay bên dưới công trình, để có thể làm việc hiệu quả nhất.
Dần dần, mọi người tự biết điều chỉnh giờ và sắp xếp giờ nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khoẻ làm việc.
Người dân được hưởng lợi nhiều Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam, chủ đầu tư dự án, cho biết hiện nay có hơn 1.010 kỹ sư và công nhân đang lao động tại sáu công trình xây dựng cống ngăn triều và 8km đê bao ven sông Sài Gòn. Dự án được kỳ vọng giải quyết tình trạng ngập cho 570km2 với 6,5 triệu dân được hưởng lợi từ dự án này. Theo lãnh đạo Khu quản lý giao thông đô thị số 3 TP.HCM, chủ đầu tư, dự án cầu vượt ngã sáu Gò Vấp với tổng vốn đầu tư 405,7 tỉ đồng, sau khi hoàn thành sẽ giải quyết được nạn kẹt xe trầm trọng tại khu vực này vào giờ cao điểm. |