Những phụ nữ nào không nên sinh con dưới nước?
Sinh con dưới nước có nghĩa có ít nhất một phần của giai đoạn lâm bồn, sinh con, hoặc cả hai giai đoạn này diễn ra ở bồn sinh con chứa đầy nước ấm.
Sinh con dưới nước có nghĩa có ít nhất một phần của giai đoạn lâm bồn, sinh con, hoặc cả hai giai đoạn này diễn ra ở bồn sinh con chứa đầy nước ấm.
Việc sinh con dưới nước có thể diễn ra trong bệnh viện, tại trung tâm sinh sản hay ở nhà. Dĩ nhiên khi dùng phương pháp này, sản phụ phải có một bác sĩ, y tá sản khoa hoặc một bà đỡ chuyên nghiệp hỗ trợ.
Cân nhắc lợi, hại
Tại Mỹ, một số trung tâm sinh sản và các bệnh viện có cung cấp dịch vụ sinh con dưới nước.
Theo trang web Webmd, việc sử dụng bồn sinh trong giai đoạn đầu tiên khi lâm bồn (giai đoạn đầu trong lâm bồn được tính từ khi xuất hiện các cơn co tử cung cho tới khi cổ tử cung giãn mở hoàn toàn) có thể giảm bớt đau đớn cho người mẹ, giúp sản phụ không cần gây tê/gây mê, đẩy nhanh quá trình lâm bồn.
Còn theo trang American Pregnancy, việc đắm mình trong nước cũng giúp hạ huyết áp, theo đó bớt căng thẳng cho người mẹ. Nước ấm cũng giúp vùng đáy chậu (vùng giữa hậu môn và bộ phận sinh dục) co giãn tốt hơn, giảm nguy cơ phải can thiệp thủ thuật rạch âm đạo.
Ngoài ra, vì nước mang lại cảm giác riêng tư nhất định cho sản phụ, nên nó có thể giúp giảm ức chế, lo lắng hay sợ hãi cho người mẹ lúc lâm bồn.
Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ, nơi thiết lập các chỉ dẫn cho việc chăm sóc khi mang thai và sinh con ở Mỹ, khuyến cáo: việc sinh con dưới nước trong giai đoạn đầu lâm bồn có thể có một số lợi ích, song việc sinh con dưới nước nên được xem như một thủ thuật thực nghiệm, có những nguy cơ đi kèm.
Dù vậy, việc tắm nước ấm có thể giúp sản phụ thư thái và có cảm giác kiểm soát tình hình tốt hơn. Việc cơ thể nổi trong nước cũng giúp người mẹ trong cơn trở dạ có thể di chuyển xung quanh dễ dàng hơn so với trên giường.
Ở giai đoạn hai của lâm bồn (tức là khi cổ tử cung đã giãn mở hoàn toàn và các cơn co thắt bắt đầu đẩy cho tới khi đứa trẻ chui ra), nhiều bác sĩ nói vẫn chưa đủ thông tin để biết việc sinh con dưới nước an toàn và có tác dụng ra sao trong giai đoạn này.
Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ cho rằng ở giai đoạn thứ hai trong lâm bồn, việc ở ngoài bồn nước sẽ giúp di chuyển sản phụ nhanh hơn nếu xảy ra sự cố trục trặc nào. Chẳng hạn nếu buộc phải mổ bắt con, người ta sẽ phải mất thêm từ 4-5 phút để đưa sản phụ ra khỏi bồn nước nếu họ đang ngâm mình trong đó.
Những nguy cơ
Theo trang American Pregnancy, trong vòng 30 năm qua, mặc dù việc sinh con dưới nước ngày càng phổ biến, song vẫn có rất ít nghiên cứu tìm hiểu về nguy cơ của việc này. Một số nghiên cứu của châu Âu cũng chỉ ra tỉ lệ tử vong trước và sau khi sinh con dưới nước cũng tương tự sinh con thông thường.
Hiệp hội sản phụ khoa Hoàng gia Anh cho rằng có một nguy cơ về mặt lý thuyết là tắc mạch do nước (water embolism). Điều này xảy ra khi nước đi vào mạch máu của sản phụ.
Mặc dù Tạp chí y khoa Anh tin tưởng tới 95% về độ an toàn của việc sinh con dưới nước, song họ cũng thấy tiềm ẩn nguy cơ của việc trẻ sơ sinh có thể hít phải nước trong bồn trong trường hợp dây rốn bị xoắn, vặn khiến đứa trẻ phải vội vã hít thở khi mới chào đời.
Dù vậy, trường hợp này hiếm xảy ra vì trẻ sẽ không hít vào theo cách thông thường cho tới khi chúng được tiếp xúc với không khí. Bởi thế, chúng sẽ vẫn tiếp nhận ôxy qua dây rốn cho tới khi có thể tự thở hoặc cho tới khi cuống rốn bị cắt.
Mặc dù hiếm, song vẫn có những nguy cơ nhất định khi sản phụ chọn sinh con dưới nước như: sản phụ và con họ có thể bị nhiễm khuẩn; dây rốn có thể đứt trước khi đứa trẻ được bế ra khỏi bồn nước; thân nhiệt của trẻ có thể quá cao hoặc quá thấp; trẻ có thể hít phải nước trong bồn và có thể bị co giật hoặc không thở được.
Ai không nên sinh dưới nước?
Sản phụ chưa tới 17 tuổi hoặc nhiều hơn 35 tuổi, sản phụ có những biến chứng kiểu như tiền sản giật hoặc bị đái tháo đường, sản phụ sinh đôi hoặc nhiều hơn, thai ngược, sinh non, thai quá lớn, sản phụ cần được thường xuyên theo dõi và không thể sinh trong bồn, sản phụ bị viêm nhiễm không nên sinh con dưới nước.