Tăng suất ăn dinh dưỡng khi nằm viện ra sao?
Có đến 34,1% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng khi nằm viện. Các nguồn cung cấp suất ăn chưa được kiểm soát trong bệnh viện không thể giúp người bệnh đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.
Tăng suất ăn dinh dưỡng khi nằm viện ra sao?
Có đến 34,1% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng khi nằm viện. Các nguồn cung cấp suất ăn chưa được kiểm soát trong bệnh viện không thể giúp người bệnh đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.
Chuẩn bị những suất ăn miễn phí cho bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – Ảnh: XUÂN MAI
Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay ra sao? ”Các bệnh viện cần cung cấp suất ăn bệnh nhân thông qua chi trả bữa ăn qua bảo hiểm y tế (BHYT) thay vì để họ tự túc” là kết luận từ nghiên cứu “Đặc điểm chế độ ăn của người bệnh nằm viện tại TP.HCM”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tác giả chính của nghiên cứu này – TS TRẦN QUỐC CƯỜNG, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: “Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh, chậm lành vết thương, tăng biến chứng trong quá trình điều trị, tăng chi phí điều trị, tăng thời gian nằm viện, giảm chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ tử vong”.
Ăn kém lại càng kém hơn
* Thể trạng người bệnh như thế nào được đánh giá là suy dinh dưỡng tại bệnh viện, thưa bác sĩ?
– Suy dinh dưỡng khi nằm viện khác với suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng. Trong cộng đồng, người được cho là suy dinh dưỡng khi chỉ số BMI (chỉ số khối của cơ thể, được tính dựa trên chiều cao và cân nặng, áp dụng cho nam và nữ trưởng thành) dưới 18,5.
Tuy nhiên, trong bệnh viện, ngay cả ở bệnh nhân có chỉ số BMI trên 18,5 nhưng sụt cân nhiều trong thời gian ngắn (khoảng 10% so với thể trạng), không thể ăn uống trong thời gian dài cũng được chẩn đoán là suy dinh dưỡng khi đang nằm viện.
Kết quả nghiên cứu (từ 887 người bệnh tại 6 bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM) cho thấy năng lượng khẩu phần khá thấp với mức năng lượng trung vị là 850 kcal/ngày và chỉ có 4,2% người bệnh đáp ứng 100% nhu cầu năng lượng. Khi người bệnh suy dinh dưỡng sẽ có nguy cơ ăn kém 2,2 lần so với người thông thường, và có đến 34,1% người bệnh suy dinh dưỡng khi nằm viện.
Chúng tôi thống kê được các yếu tố tác động trực tiếp đến tình trạng suy dinh dưỡng người bệnh nằm viện như thực phẩm thường được người bệnh tự lo và nấu tại nhà (27,7%), mua bên ngoài bệnh viện (13,6%), từ căngtin bệnh viện (16,8%) hay phối hợp các nguồn trên (39,4%).
Đáng chú ý, chỉ có 13% thực phẩm được cung cấp bởi khoa dinh dưỡng. Hầu hết thực phẩm tiêu thụ trong bệnh viện đều từ các nguồn cung cấp chưa được kiểm soát.
* Đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
– Nguyên nhân từ 2 yếu tố: cơ sở y tế và cá nhân người bệnh.
Thông tư số 08/2001/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện ghi rõ: người bệnh vào viện phải được đo chiều cao, cân nặng và ghi vào hồ sơ bệnh án. Tổ chức hội chẩn giữa cán bộ khoa dinh dưỡng, tiết chế với bác sĩ điều trị về chế độ ăn đối với những trường hợp bệnh đặc biệt có liên quan đến dinh dưỡng.
Tuy nhiên trên thực tế, vì một số lý do khác nhau mà bác sĩ điều trị, điều dưỡng quên hoặc không tư vấn cho bệnh nhân.
Trong trường hợp người bệnh chưa được bác sĩ điều trị, điều dưỡng tư vấn dinh dưỡng thì cần khôn khéo lựa những thời điểm thích hợp rồi trình bày những thắc mắc liên quan đến dinh dưỡng. Theo tôi, không bác sĩ nào mà không trả lời, và đó cũng là quyền và lợi ích của người bệnh nằm viện.
Còn về phía bệnh nhân, nhiều người bỏ hoặc không ăn hết suất ăn do bệnh viện cung cấp vì cho rằng thức ăn nhạt nhẽo, không vừa miệng nhưng họ chưa biết được suất ăn bệnh viện đã được kiểm soát lượng muối, đường, chất béo… Ngoài ra, bệnh nhân thì thường bị giảm khẩu vị, đầy bụng hay bị hạn chế theo chỉ định y khoa nên làm bệnh nhân ăn kém lại càng kém hơn.
Tại các bệnh viện ở nước ngoài, tất cả bệnh nhân điều trị nội trú được chăm sóc toàn diện, trong đó có cung cấp suất ăn và chi phí này được BHYT chi trả. Vì thế, người bệnh ở đây không cần thân nhân chăm sóc, trừ bệnh nhi.
TS TRẦN QUỐC CƯỜNG
Tăng cung cấp suất ăn qua BHYT chi trả
* Giải pháp nào giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng người bệnh nằm viện, thưa bác sĩ?
– Như tôi đã nói, các nguồn cung cấp suất ăn chưa được kiểm soát trong bệnh viện không thể giúp người bệnh đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.
Theo tôi, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là bệnh viện cần chuẩn hóa thực phẩm tại căngtin, tăng cung cấp suất ăn thông qua chi trả bữa ăn qua BHYT và xây dựng các hướng dẫn trong việc mang thức ăn cho người bệnh.
* Bác sĩ đã có nhiều năm học và làm việc về chuyên ngành dinh dưỡng tại nước ngoài. Bác sĩ có thể chia sẻ quy trình cung cấp suất ăn cho bệnh nhân tại các bệnh viện nước ngoài?
– Tại các bệnh viện ở nước ngoài, tất cả bệnh nhân điều trị nội trú được chăm sóc toàn diện, trong đó có cung cấp suất ăn, và chi phí này được BHYT chi trả. Vì thế, người bệnh ở đây không cần thân nhân chăm sóc, trừ bệnh nhi.
Điều làm tôi ưng bụng nhất là thức ăn ở đây rất thịnh soạn và được bài trí rất bắt mắt. Thực tế, người bệnh hay rơi vào tình trạng ăn kém nên “ăn bằng mắt” cũng góp phần rất nhiều trong việc tiêu thụ hết suất ăn do bệnh viện cung cấp. Thông thường mỗi ngày, người bệnh được cung cấp 3 suất ăn, riêng đối với những người có nguy cơ và đang bị suy dinh dưỡng thì được cung cấp thêm một bữa phụ.
Bên cạnh đó, tất cả suất ăn đều được đựng trên khay inox hoặc hộp thủy tinh, sau đó sẽ đưa vào xe giữ nhiệt hai ngăn (nóng, lạnh) di chuyển đến phòng bệnh. Khi nhân viên y tế trao suất ăn đến người bệnh thì vẫn giữ được nhiệt độ mong muốn ban đầu. Đồng thời tại phòng bệnh cũng có tủ đựng thức ăn dự trữ để phòng trường hợp bệnh nhân đói bụng vào lúc tối khuya.
Còn việc thân nhân mang thực phẩm từ ngoài vào biếu người bệnh, nhiều bệnh viện nước ngoài thường không khuyến khích, thậm chí cấm tuyệt đối.