27/11/2024

Chấm dứt coi âm nhạc, mỹ thuật như ‘môn phụ’: Phải thay đổi chương trình đào tạo

Quản lý của các trường có đào tạo giáo viên cho rằng chương trình ban hành năm 2018 có sự khác biệt rất lớn so với hiện hành, nên cần phải thay đổi ngay lập tức mục tiêu đào tạo giáo viên, nếu không có thể gây ra hệ luỵ là các giáo viên mỹ thuật phổ thông bị hổng kiến thức khi tham gia dạy học theo chương trình mới.

 

Chấm dứt coi âm nhạc, mỹ thuật như ‘môn phụ’: Phải thay đổi chương trình đào tạo

Quản lý của các trường có đào tạo giáo viên cho rằng chương trình ban hành năm 2018 có sự khác biệt rất lớn so với hiện hành, nên cần phải thay đổi ngay lập tức mục tiêu đào tạo giáo viên, nếu không có thể gây ra hệ luỵ là các giáo viên mỹ thuật phổ thông bị hổng kiến thức khi tham gia dạy học theo chương trình mới.
 
 
 
 
 
Thí sinh thi năng khiếu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM /// ĐÀO NGỌC THẠCH

Thí sinh thi năng khiếu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM   ĐÀO NGỌC THẠCH

 
 

Trường ĐH đào tạo giáo viên nghệ thuật ra sao ?

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hiện chưa có ngành đào tạo giáo viên (GV) sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật. PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đang nghiên cứu đánh giá, xem xét về ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật để đào tạo chuyên sâu đội ngũ này. Trong năm tới, trường sẽ mở một trong 2 ngành này. Đây là hướng đi của nhà trường để góp phần phát triển, đáp ứng nhu cầu trong mối quan hệ hợp tác toàn diện với các sở GD-ĐT trên cũng như ngành giáo dục nói chung.
 
PGS-TS Sơn cho biết, để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, trường đã khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của GV 19 tỉnh thành phía nam. Thực tế cho thấy nhu cầu GV cho chương trình mới khá cao. Trước mắt, với chương trình ETEP (chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông), trường sẽ tham gia bồi dưỡng đội ngũ GV cốt cán về âm nhạc và mỹ thuật ở các tỉnh thành trên. Trước hết là GV tiểu học, sau đó là THCS.
 
Cũng theo ông Sơn, trước nay GV tốt nghiệp từ ngành giáo dục tiểu học có thể dạy tất cả các môn, trong đó đảm nhiệm luôn việc dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật. Tuy nhiên, tiến tới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, việc có đội ngũ GV nghệ thuật chuyên sâu là cần thiết.
 
Còn Trường ĐH Sài Gòn đã tuyển sinh đào tạo 2 ngành sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật nhiều năm trước đó. Năm 2019, ngành sư phạm âm nhạc có 40 chỉ tiêu và sư phạm mỹ thuật 30 chỉ tiêu. Sinh viên tốt nghiệp các ngành học này theo đúng chương trình là dạy bậc THCS. Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết hiện nhà trường đang điều chỉnh và cập nhật chương trình đào tạo cho phù hợp với nội dung của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
 
Trường ĐH Cần Thơ trong đề án phát triển trường không có ngành đào tạo GV nghệ thuật. Lý giải việc này, thạc sĩ Nguyễn Hứa Minh Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho rằng để đào tạo các ngành cần có đội ngũ và cơ sở vật chất về nghệ thuật chứ không chỉ sư phạm. Theo ông Khang, thực tế chương trình đào tạo GV tiểu học có những nội dung về múa, hát, vẽ, nhạc nhưng không chuyên sâu. “Các GV này nếu tìm hiểu thêm có thể dạy được lý thuyết nhưng vẫn không đúng chuyên ngành đào tạo, khó dạy bài bản”, ông Khang nói.

Giải pháp cho gần 3.000 trường “trắng” giáo viên

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên đưa môn âm nhạc, mỹ thuật vào cấp THPT. Điều này khiến 2.834 trường THPT trên cả nước đứng trước thực tế trống hoàn hoàn GV của hai môn học này.
 
Trước tình hình này, Bộ GD-ĐT nêu giải pháp: Không nhất thiết phải đảm bảo ít nhất mỗi trường có 1 GV âm nhạc, 1 GV mỹ thuật. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, âm nhạc và mỹ thuật là các môn học tự chọn, học sinh có thể chọn hoặc không, do đó, tuỳ theo điều kiện của từng trường hoặc liên trường để tổ chức dạy học các môn tự chọn này. Vì vậy, có thể vận dụng 1 GV âm nhạc/mỹ thuật dạy cho một số trường đảm bảo thuận lợi, phù hợp, chất lượng, hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, các trường sư phạm đào tạo GV âm nhạc, mỹ thuật trình độ ĐH cần mở các khóa học bồi dưỡng bổ sung kiến thức dạy học ở THPT (bằng các modun, tín chỉ) cho sinh viên đã tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm, mong muốn dạy học ở THPT. Ngoài ra, theo Bộ GD-ĐT, các nhà trường THPT có thể mời các nghệ nhân, các chuyên gia đến dạy một số chuyên đề. Có cơ chế để các trường sư phạm đào tạo GV âm nhạc/mỹ thuật (hoặc các trường văn hóa nghệ thuật của địa phương) liên kết với các trường THPT để đưa giảng viên sư phạm đến dạy tại trường THPT.
 
Giảng viên và giáo viên đều cần bồi dưỡng
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng các cơ sở đào tạo GV âm nhạc và GV mỹ thuật cần căn cứ chương trình chi tiết 2 môn học này trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 để điều chỉnh chương trình đào tạo hiện tại của cơ sở mình, đồng thời quản lý, thực hiện tốt quá trình đào tạo đảm bảo đáp ứng yêu cầu đối với môn học này ở trường phổ thông.
 
Ông Độ cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV âm nhạc và mỹ thuật phổ thông. Để đáp ứng chương trình giáo dục mới, cần bồi dưỡng cho cả hai đối tượng là giảng viên sư phạm và GV phổ thông.
 

Ý kiến
 
Ban hành chuẩn giáo viên, chuẩn chương trình
Bộ GD-ĐT cần ban hành chuẩn GV, chuẩn chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV âm nhạc, mỹ thuật trong trường phổ thông. Tổ chức biên soạn các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng GV theo từng nội dung hoặc chủ đề để GV học trên lớp, tự học, tự bồi dưỡng. Trên cơ sở đó, thiết kế một số giáo án mẫu, các tiết dạy minh họa thể hiện cách thức dạy học theo hướng đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để GV có thể học tập và vận dụng.
PGS-TS Đào Đăng Phượng 
(Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư)
 
Không giao đào tạo giáo viên mỹ thuật cho trường ngoài sư phạm
Cần quy hoạch các trường sư phạm và cơ sở đào tạo GV mỹ thuật. Trong đó, cần xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các trường sư phạm lớn, không giao chỉ tiêu đào tạo GV mỹ thuật cho các trường ngoài sư phạm, các trường CĐ và trung cấp nên dừng đào tạo GV mỹ thuật, vì hiện nay việc đào tạo GV môn học này tràn lan và không đồng đều. Nhiều cơ sở đào tạo không có đội ngũ giảng viên về khoa học giáo dục và nghiệp vụ sư phạm.
TS Phạm Văn Tuyến 
(Trưởng khoa Nghệ thuật Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
 
 
HÀ ÁNH – TUỆ NGUYỄN