Vì sao khan hiếm giáo viên bộ môn nghệ thuật?
Người dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng, nguồn tuyển khan hiếm là thực tế về giáo viên bộ môn nghệ thuật tại TP.HCM
Vì sao khan hiếm giáo viên bộ môn nghệ thuật?
TP.HCM khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên bộ môn nghệ thuật Đ.N.T
Vừa hiếm vừa thiếu
Trước thông tin do Bộ GD-ĐT cung cấp, TP.HCM cùng 10 tỉnh, thành khác mới đạt từ 50% trường tiểu học có giáo viên nghệ thuật, lãnh đạo phụ trách bậc học này của TP.HCM cho hay, giáo viên bộ môn này vừa hiếm vừa thiếu.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục quận 12, TP.HCM, cho hay từ nhiều năm qua, số lượng giáo viên âm nhạc và mỹ thuật của các trường tiểu học trong quận mới chỉ dừng ở mức đảm bảo có để tổ chức hoạt động giảng dạy chứ chưa đủ. Ngoài ra, các trường cũng không có cơ hội tuyển người giỏi hơn vì “có người ứng tuyển là tốt rồi”.
Tương tự, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục quận Bình Tân, TP.HCM, cũng từng nói về việc khan hiếm giáo viên âm nhạc và mỹ thuật. Theo đó, có những năm, ứng viên dự tuyển vị trí giáo viên các môn toán, vật lý, hóa học có nguồn tuyển phong phú dẫn đến tỷ lệ chọi xấp xỉ 1/10, còn các môn âm nhạc, mỹ thuật lại không có ứng viên đăng ký dự tuyển. Hay như, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bình Chánh, TP.HCM, từng thông tin: “Giáo viên bộ môn mỹ thuật và âm nhạc luôn luôn thiếu nguồn tuyển, có những năm các trường đề xuất lên cần 8 đến 11 giáo viên mà có khi chỉ có vài ba hồ sơ đăng ký”.
Còn ở quận Tân Phú, ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục quận này, cho hay cơ bản là mỗi trường có ít nhất một giáo viên để tham gia thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên dạy nhiều nhiều môn và đảm bảo một số tiết dạy theo quy định.
Học sinh có năng khiếu nghệ thuật không chọn ngành sư phạm
Ông Khiêm nói thêm, sở dĩ các trường đảm bảo hoạt động giảng dạy là do bậc tiểu học có đặc trưng là giáo viên dạy nhiều môn, ngoại trừ môn tin học và ngoại ngữ cùng với mức độ kiến thức của các môn học này dừng lại ở mức biết và hiểu một cách cơ bản nhất nên việc thiếu nguồn tuyển không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Về phía Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, cho biết trong các hội nghị tổng kết công tác tuyển dụng giáo viên, lãnh đạo các phòng giáo dục đều nêu khó khăn trong việc tuyển giáo viên bộ môn nghệ thuật, cho dù đã bỏ quy định về hộ khẩu thường trú.
Ông Huỳnh Long chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nguồn nhân lực do thu nhập thấp hơn so với tham gia vào các hoạt động ngoài nhà trường, đồng thời đầu vào ngành sư phạm của bộ môn mỹ thuật và âm nhạc không nhiều. Bởi theo ông Long, nếu có năng khiếu nghệ thuật thì học sinh, sinh viên theo định hướng khác chứ không chọn ngành sư phạm.
Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, hiện TP.HCM có 2 trường là Trường ĐH Sài Gòn đào tạo ngành sư phạm mỹ thuật, sư phạm âm nhạc và Trường ĐH Mỹ thuật đào tạo ngành sư phạm mỹ thuật với tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong cả nước là khoảng 100. Vi vậy, không thể chắc chắn 100 sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ theo ngành sư phạm và ở lại TP.HCM làm việc nên khó tuyển là chuyện đương nhiên.
Nói về kế hoạch tổ chức trong thời gian tới, ông Huỳnh Long thông tin Sở đã có kế hoạch làm việc với Nhạc viện TP.HCM để có định hướng cho sinh viên đang theo học hỗ trợ cho các quận, huyện. Song song với đó tham mưu và đề xuất chế độ chính sách cho giáo viên nhạc hoạ để thu hút nhân lực.
BÍCH THANH