Đề thi và chính sách quốc gia thời Nho học
Các kỳ thi, các đề thi cuối cùng cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức về việc học hành khoa cử thời Nho học, đồng thời cho thấy nhiều quan điểm Nho học cũ đã lung lay trước sức ép của sự phát triển.
Đề thi và chính sách quốc gia thời Nho học
Các kỳ thi, các đề thi cuối cùng cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức về việc học hành khoa cử thời Nho học, đồng thời cho thấy nhiều quan điểm Nho học cũ đã lung lay trước sức ép của sự phát triển.
Thầy đồ dạy chữ Nho và chữ quốc ngữ Ảnh: Tư liệu trong Bộ sưu tập ảnh Hà Nội xưa của KTS Đoàn Bắc
Việc phân tích một số đề thi Nho học của GS Wynn Gadkar-Wilcox (Mỹ) đã thu hút các nhà nghiên cứu tại hội thảo Khoa cử Nho học VN (1075 – 1919) – 100 năm nhìn lại. Hội thảo do Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN chủ trì tại Hà Nội ngày 15.8, với 57 tham luận từ Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan.
Theo GS Wynn Gadkar-Wilcox, có nhiều năm, đề thi cùng hỏi về một vấn đề: Năm 1862, nhà Nguyễn ra đề thi về việc làm thế nào để đấu tranh chống Pháp, nên đàm hay nên đánh; năm 1868 đề thi đặt lại câu hỏi này; năm 1877 đề khác một chút, thay vì hỏi hoà hay chiến, đề hỏi người Pháp là ai, từ đâu đến, vì sao ta không thể kháng cự lại. Ông Wynn Gadkar-Wilcox cũng cho biết, theo thời gian, nhận thức trong bài thi đã thay đổi nhiều.
Nữ GS Kathlene Baldanza (Mỹ) cho rằng học giả VN đã tham gia mạnh mẽ trong thế giới tri thức từ giữa thế kỷ 19. Bà lấy ví dụ về nhà nho Phạm Thận Duật với cuốn Hưng Hóa địa chỉ: “Ông ấy không chỉ dùng tri thức Trung Hoa mà còn tự tạo ra các kiến thức. Nó cho thấy thực sự có một trung tâm phát triển ở VN chứ không chỉ bị Hán hoá”.
Tại hội thảo, TS Trần Thị Phương Hoa (Viện Sử học) khiến nhiều nhà nghiên cứu bật cười khi nói tới việc con quan lại bị phát hiện gian lận thi cử tại kỳ thi năm 1912 ở trường thi Nam Định. Chưa hết, bà cho biết cũng có nhiều tố giác gian lận được gửi đến. Đề thi có cả tiếng Pháp dù trong số 120 người thi đỗ chỉ có 13 người được điểm cộng từ kỳ thi tiếng Pháp. “Quy trình thi truyền thống cho thấy rất nhiều kẽ hở cho gian lận. Chính quyền thực dân Pháp trực tiếp can thiệp vào giáo dục và thi cử Nho học, tìm cách thay đổi trước khi xóa bỏ hoàn toàn”, bà Hoa nói.
Trong khi đó, TS Đỗ Hương Thảo (ĐH KHXHNV, ĐH Quốc gia Hà Nội) đề cập đến việc học thi qua những đề xuất của Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục là đề nghị bỏ bớt phần thơ phú và để thí sinh bày tỏ quan điểm trong bài thi. Bà cũng cho biết: “Cuối thế kỷ 19 đầu 20 có nhiều băn khoăn về việc chọn ngôn ngữ. Cao Xuân Dục đã đề nghị cả nước dùng chữ quốc ngữ và lập viện dịch sách quốc ngữ ở kinh đô”.
So sánh thực tế Nho học ở VN và Đài Loan, GS Wi-vun Chiung (Đài Loan) nêu vấn đề: cả hai cùng có Văn Miếu, cùng có chữ Nôm theo phương pháp dùng chữ Hán để ghi âm, tuy nhiên VN có thể thay chữ Hán bằng chữ Latin còn người Đài Loan thì không. Ông lý giải: “Sau khi người Pháp xâm chiếm, họ cố tình thúc đẩy thay thế chữ Hán bằng tiếng Pháp. Tự đối kháng Pháp – Trung cũng thúc đẩy Latin hóa. Người Pháp kết thúc khoa cử cũ và bắt đầu dùng chữ Latin. Nhưng ở Đài Loan, khi người Nhật thống trị, họ lại dùng chữ Trung Quốc để giảm đối kháng. Chẳng hạn, quan Nhật tổ chức thi thơ cho quan Đài Loan để tạo cảm giác chung văn hóa”. Ông Wi-vun Chiung cũng nói đến vai trò của Bác Hồ trong việc chữ quốc ngữ phổ biến ở VN, cũng như sự “may mắn” của chữ quốc ngữ ở VN.
TRINH NGUYỄN