29/11/2024

Loạn danh xưng trường quốc tế

Từ vụ việc học sinh lớp 1 Trường liên cấp quốc tế Gateway (Hà Nội) thiệt mạng trên xe đưa đón, phụ huynh mới chưng hửng về mác “quốc tế” gắn vô tội vạ ở nhiều trường trong cả nước từ mầm non đến đại học.

 

Loạn danh xưng trường quốc tế

Từ vụ việc học sinh lớp 1 Trường liên cấp quốc tế Gateway (Hà Nội) thiệt mạng trên xe đưa đón, phụ huynh mới chưng hửng về mác “quốc tế” gắn vô tội vạ ở nhiều trường trong cả nước từ mầm non đến đại học.
 
 
 
 

Trường tiểu học Gateway tự gắn mác “quốc tế”  /// ẢNH: PHẠM HÙNG

Trường tiểu học Gateway tự gắn mác “quốc tế”  ẢNH: PHẠM HÙNG

 

 
Theo ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy (Hà Nội), trong quyết định thành lập, Trường liên cấp quốc tế Gateway có tên là Trường tiểu học Gateway. Ông Ngọc Anh khẳng định, theo các quy định của pháp luật, sẽ không có trường nào do ngành GD-ĐT nước ta quản lý là trường quốc tế, mà chỉ có trường có yếu tố nước ngoài (về đầu tư, về nhân sự, về chương trình học). “Chữ quốc tế là có thể do trường tự gắn vào để tự quảng cáo”, ông Ngọc Anh nói.

Mác “quốc tế”: Chuyện mới, chiêu cũ

 
Quyết định thành lập tên là Trường tiểu học Gateway nhưng thực tế trường dán mác “quốc tế” ảnh: Nam Cường

Quyết định thành lập tên là Trường tiểu học Gateway nhưng thực tế trường dán mác “quốc tế”   Ảnh: Nam Cường

 
 
Tuy nhiên, không chỉ đến giờ phụ huynh mới được nếm “quả lừa” về mác trường quốc tế. Cách đây 8 năm, nhiều cơ quan báo chí Hà Nội nhận được đơn kiến nghị của tập thể phụ huynh Trường tiểu học và THCS dân lập Thế giới trẻ em về việc họ bị lừa, tưởng cho con học trường quốc tế của Singapore đóng tại Hà Nội với mức học phí “quốc tế” (khoảng 130 – 140 triệu đồng/năm học), nhưng hóa ra đó chỉ là một trường dân lập trong nước, học theo chương trình mà Bộ GD-ĐT VN ban hành. Theo các phụ huynh này, từ cái tên được gắn ở cổng trường đến các giao dịch hành chính với phụ huynh đều khiến họ đinh ninh mình đang cho con theo học Trường quốc tế Singapore (SIS).
 
Gần đây hơn, có vụ liên quan tới việc liên kết với một “trường ma” ở Mỹ củaTrường phổ thông quốc tế Newton, mà Báo Thanh Niên có loạt bài phản ánh. Sau đó, trường này đã phải ngừng chương trình liên kết đó. Hiện tại, trường đã quay về tên Trường phổ thông Newton, nhưng trong một số văn bản cũ vẫn còn mác “quốc tế”.

Mập mờ tên gọi

Theo phản ánh của các phụ huynh, khi tìm hiểu trường tư ở phân khúc thị trường giá cao, họ “hoa mắt” vì nhan nhản những trường danh xưng quốc tế, thậm chí treo biển hiệu bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt chữ “quốc tế” (hoặc “international”) trước tên riêng của trường, mà thực chất “quốc tế” đến đâu thì không ai biết. Thậm chí, còn có tình trạng trường gắn tên quốc tế mà hoạt động rất èo uột.
 
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, cơ sở vật chất của Trường quốc tế Global (tại Hà Nội) khá khang trang nhưng nhiều diện tích lại đang cho một trường THCS khác thuê địa điểm. Trường quốc tế Global rất ít học sinh, mỗi khối dường như chỉ có một lớp, hoạt động có tính cầm cự từ nhiều năm nay.
 
Còn theo hiệu trưởng một trường tư thục tại Hà Nội, một trường học có thể có 2 tên, tên trường (theo quyết định thành lập) và tên thương hiệu (có trong đề án xin phép thành lập trường). Khi treo biển, các cơ quan chức năng vẫn cho phép để tên thương hiệu cùng với tên trường. Vì thế, nhiều trường tận dụng điều này để “lách” luật, ghi mác quốc tế kèm theo để phụ huynh ngộ nhận đó là tên trường. Chữ “quốc tế” lại bao hàm đa dạng ý nghĩa nên phụ huynh càng khó nhận biết đâu là thực chất.
 
“Trong chương trình học, có một chút yếu tố quốc tế thì trường có thể tự giới thiệu là mình dạy chương trình quốc tế. Cho nên, cần phải có một hướng dẫn của ngành GD-ĐT, thế nào là chương trình quốc tế, hoặc phải kiểm định chương trình được gọi là quốc tế và công khai thông tin này cho xã hội biết. Nhưng vấn đề là quan chức ngành GD-ĐT dường như cũng không thật sự hiểu thế nào là chương trình quốc tế. Nói chương trình Cambridge thì họ chỉ biết đấy là Cambridge chứ cũng không hiểu bản chất Cambridge là gì! Hoặc nhiều khi thấy trường nào đó dùng một bộ sách giáo khoa của nước ngoài để dạy thì nghĩ rằng trường dạy chương trình quốc tế. Sự nhập nhằng này rất ảnh hưởng tới môi trường phát triển giáo dục, nảy sinh sự cạnh tranh không lành mạnh, rất ảnh hưởng tới các đơn vị làm giáo dục tử tế”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Cơ quan quản lý bối rối

Một nguyên lãnh đạo quản lý hoạt động giáo dục của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết từ trước tới nay Sở cũng khá bối rối với việc quản lý các trường có chữ “quốc tế,” vì nhiều trường không rõ ràng, đánh tráo khái niệm.
 
Hiện nay, ở TP.HCM có 3 loại hình trường gắn chữ “quốc tế”. Một là các trường có 100% vốn nước ngoài đầu tư, có sự thúc đẩy của cơ quan ngoại giao nước ngoài. Các trường này hầu như chỉ dạy con em của người nước ngoài đang làm việc tại VN và dạy hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Thứ hai là trường có yếu tố của doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đầu tư, dạy chương trình của Bộ GD-ĐT, lấy bằng VN, dạy thêm chương trình nước ngoài bằng tiếng Anh. Thứ ba là loại trường ngoài công lập, do người VN thành lập, dạy chương trình của Bộ GD-ĐT. Các trường này có thể dạy thêm chương trình toán, khoa học bằng tiếng Anh để lấy các chứng chỉ của Cambridge, hoặc dạy nhiều giờ tiếng Anh hơn.
 
“Tuy có thể phân biệt các loại hình trường nhưng về quản lý, các sở GD-ĐT cũng không thể cấm các trường gắn thêm chữ “quốc tế”. Ngay cả các trung tâm ngoại ngữ, tin học cũng tương tự. Khi chữ “quốc tế” được các đơn vị dùng làm tên riêng thì không thể cấm vì không vi phạm luật. Chẳng hạn đơn vị lấy tên “Trường quốc tế A” thì cụm “quốc tế A” là tên riêng, không thể cấm”, người này nói.
 
Một lãnh đạo  Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Vi phạm như thế nào và xử lý ra sao lại là thẩm quyền của ngành văn hóa, vì liên quan tới các hoạt động quảng cáo thương hiệu. Tất nhiên, cũng không thể nói là ngành GD-ĐT “vô can” khi để xảy ra việc tương tự”.
Đăng Nguyên – Quý Hiên

Không có quy định nào của nhà nước về trường quốc tế

Theo luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1.7.2019), có 3 loại hình trường. Một là trường công lập do nhà nước đầu tư. Hai là trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động (loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non). Ba là trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
 
Theo cách hiểu phổ biến của giới chuyên môn, trường quốc tế phải là trường có vốn đầu tư từ nước ngoài, dạy học 100% chương trình quốc tế (chứ không phải chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành). Theo Nghị định 86 (quy định về đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực GD-ĐT) thì trường nào dạy 100% chương trình quốc tế không được nhận quá 50% học sinh quốc tịch VN. Nếu hiểu theo nghĩa này, số trường quốc tế rất ít.
 
Điều 29 của Nghị định 86 về “Đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài” có quy định rõ chuyện đặt tên. Đó là đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “trường”, “cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng. Xét cả luật và nghị định trên, hiện nay ở VN không hề có khái niệm “trường quốc tế”.
 
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết tất cả những trường gắn cho mình mác quốc tế đều là tự phong.
 
Ông Nguyễn Đức Cường, Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết quy định đặt tên trường có trong các điều lệ trường học mà Bộ GD-ĐT ban hành. Với các quy định, quả là không có chỗ dành cho chữ “quốc tế” nếu như đó không phải là tên riêng của trường. “Còn nếu khái niệm “quốc tế” được hiểu như một chuẩn mực hay một đẳng cấp thì hiện nay chưa có quy định”, ông Cường nói.
 
Đăng Nguyên – Quý Hiên
 
 
QUÝ HIÊN