Dự án Khu công nghệ cao TP.HCM: Kế hoạch hỗ trợ, bồi thường ra sao?
UBND TP.HCM đã có dự thảo về việc bồi thường, hỗ trợ theo kết luận của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến dự án Khu công nghệ cao TP.HCM.
Dự án Khu công nghệ cao TP.HCM: Kế hoạch hỗ trợ, bồi thường ra sao?
Một hộ dân chưa nhận tiền đền bù ở dự án Khu công nghệ cao TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương chụp chiều 5.8
Xác định 652 hộ dân trong 41 ha được hỗ trợ
Đối với diện tích 41 ha, Thông báo 370 của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết luận, khu đất này nằm trong ranh dự án Khu công nghệ cao theo Quyết định 458 ngày 18.4.2007 của Thủ tướng. Diện tích này được thu hồi theo quy hoạch theo các dự án phục vụ cho dự án Khu công nghệ cao, nên không xem xét giao lại cho hộ dân, mà giải quyết bồi thường tái định cư theo quy định pháp luật. Cụ thể hơn, Thông báo 370 yêu cầu TP.HCM phải thực hiện bồi thường tái định cư có lợi hơn cho người dân, tính từ thời điểm ban hành Quyết định 458.
Để giải quyết chỉ đạo trên, bước đầu UBND TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm đo đạc thuộc Sở TN-MT xác định ranh 41 ha, để xác định hộ dân nào nằm trong ranh đi khiếu nại. Sau đó, bản đồ ranh của diện tích 41 ha được công bố công khai cho người dân biết. Bước đầu UBND TP.HCM đã xác định khoảng 652 trường hợp nằm trong 41 ha.
Ông Lê Văn Kiêm (65 tuổi) đứng trước dự án Khu công nghệ cao. Gia đình ông Kiêm có nhiều năm, từ thời ông nội ông Kiêm, đã lập nghiệp ở Q.9 nên anh chị em ông có quyền sử dụng tới hơn 27.000 m2 đất mặt tiền đường Bưng Ông Thoàn. Đây cũng là nguồn sinh kếcho hơn 50 thành viên trong đại gia đình “tứ đại đồng đường”. Tuy nhiên sau đó toàn bộ diện tích đất bị thu hồi với giá rất rẻ: đất mặt tiền đường Bưng Ông Thoàn được đền bù 225.000 đồng/m2, đất nông nghiệp đền bù 150.000 đồng/m2 Ngọc Dương chụp chiều 5.8 |
Song song đó, UBND TP.HCM giao tổ công tác liên ngành Q.9 thuê công ty thẩm định giá đất độc lập để thẩm định đất thuộc 41 ha theo giá thị trường ở thời điểm tháng 4.2007. Kết quả định giá này sẽ gửi công khai để tính giá bồi thường, hỗ trợ cho người dân.
UBND TP đưa ra phương án từ tháng 4.2007 đến tháng 1.2016 người dân sẽ được tính thêm phần lãi suất ngân hàng số tiền chênh lệch. Và từ thời điểm tháng 1.2016 đến thời điểm ban hành chính sách bổ sung hỗ trợ mới, người dân còn được tính thêm khoản tiền nộp chậm (tiền phạt) do lỗi chính quyền theo luật Quản lý thuế.
UBND TP.HCM ước tính số tiền định giá mới (giá thị trường 2007) cộng với tiền lãi suất, tiền phạt thì tổng số tiền mà người dân nhận sẽ tương đối lớn và phù hợp.
Chính sách nói trên đã trình và được HĐND TP.HCM thông qua, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn với số tiền 1.471 tỉ đồng.
Đáng chú ý theo UBND TP.HCM, chính sách bổ sung này chỉ giải quyết cho khoảng 652 trường hợp có đất trong 41 ha, chứ không áp dụng cho toàn bộ hộ dân nằm trong dự án Khu công nghệ cao. Việc giải quyết này cũng thực hiện theo đúng Thông báo số 2138 của TTCP, được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thông qua. UBND TP.HCM giao việc hỗ trợ bồi thường này phải giải quyết trước Tết âm lịch 2020.
Giao nền đất tái định cư vị trí đẹp cho 49 hộ dân tố cáo kéo dài
Đối với việc tính toán, xem xét bồi thường cho 49 hộ dân khiếu, tố cáo kéo dài, UBND TP.HCM cho biết các hộ dân này đều nằm trong ranh dự án Khu công nghệ cao. Hướng của UBND TP.HCM là giá bồi thường trước đây giữ nguyên. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, UBND TP.HCM sẽ bán nền tái định cư cho người dân theo giá cũ, chừng 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/m2.
Đối với vị trí tái định cư, ban đầu UBND TP.HCM dự định một khu tái định cư ở Long Bình – Long Thạnh Mỹ, nhưng người dân cho vị trí đó xa. Người dân mới đề xuất một diện tích 4.000 m2 mặt tiền đường Lê Văn Việt, dự kiến làm trường học mầm non. Người dân đề nghị được bố trí nền tái định cư ở đó, để đảm bảo đúng quyền lợi. UBND Q.9 đã báo cáo với TP, và TP đồng ý chuyển quy hoạch 4.000 m2 này thành đất ở tái định cư, phân ra làm đất nền tái định cư. Dự kiến vị trí này có thể phân ra được 30 nền.
Một số hộ dân vẫn bám trụ tại khu đất của gia đình ở Khu công nghệ cao TP.HCM Ngọc Dương chụp chiều 5.8
|
Khu tái định cư thứ 2 là khu nhà ở Khang Điền. Đây không phải khu tái định cư mà khu nhà ở thương mại được Khang Điền hoán đổi từ đất điền rạch của nhà nước và trả lại cho nhà nước một số nền đất công. Một số người dân cho hay trước đây đất bị thu hồi nằm gần khu vực này, và đề nghị giao những nền đất công ở Khang Điền. Đề nghị này được UBND Q.9 báo cáo và UBND TP.HCM đồng ý.
Theo thông tin PV Thanh Niên, với 3 vị trí đất tái định cư (Long Bình – Long Thạnh Mỹ, mặt tiền Lê Văn Việt, Khang Điền) sẽ tùy theo hồ sơ nhà đất của từng hộ dân để giới thiệu nền tái định cư phù hợp. Chủ trương này cũng được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đồng ý, và đang tìm kiếm sự đồng thuận từ phía các hộ dân.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì tiếp 49 hộ dân (chia làm 3 nhóm) khiếu nại, tố cáo kéo dài để tìm hướng giải quyết.
Tại các buổi tiếp dân này, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM sẽ vận dụng cơ chế linh loạt dựa trên quy định pháp luật, để giải quyết tối đa quyền lợi của người dân. Những vấn đề vượt qua thẩm quyền, UBND TP.HCM sẽ báo cáo Chính phủ.
TRUNG HIẾU – NGỌC LÊ