Đừng lơ là dinh dưỡng trị ung thư
Khi điều trị ung thư, nhiều bệnh nhân còn giữ quan điểm sai lầm về dinh dưỡng lẫn phương thức điều trị, lơ là trong chế độ ăn uống dẫn đến cản trở quá trình điều trị, thậm chí đã quá muộn để ngăn chặn ung thư phát triển.
Đừng lơ là dinh dưỡng trị ung thư
Khi điều trị ung thư, nhiều bệnh nhân còn giữ quan điểm sai lầm về dinh dưỡng lẫn phương thức điều trị, lơ là trong chế độ ăn uống dẫn đến cản trở quá trình điều trị, thậm chí đã quá muộn để ngăn chặn ung thư phát triển.
Dấu hiệu để nhận biết bệnh nhân đang có vấn đề về dinh dưỡng: sụt trên 5% cân nặng/tuần, chán ăn nhiều, ăn quá ít, nuốt nghẹn nhiều, nuốt sặc. Khi xuất hiện các triệu chứng này, bệnh nhân cần gặp ngay bác sĩ để được tư vấn về dinh dưỡng, điều chỉnh chế độ ăn.
BS Nguyễn Thị Kim Ngân
Đã qua giờ trưa, bà P.T.S. (54 tuổi) cho chồng đang điều trị ung thư đại trực tràng tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) ăn chỉ có cơm trắng, trứng chiên và một ít rau. Bà cho biết chồng bị ung thư nên bữa ăn hằng ngày bà hạn chế cho chồng ăn thịt.
Những quan điểm sai
Nhiều bệnh nhân trị ung thư thường có quan điểm về dinh dưỡng như “nhịn ăn để giết chết tế bào ung thư”, về nhà dùng thuốc nam hoặc đắp lá để điều trị, nghe lời truyền miệng kiêng ăn…
Bệnh nhân N.H.T. (22 tuổi) đang điều trị ung thư phổi, bị cha mẹ bắt kiêng hết các món thịt, trứng, sữa… và chỉ được ăn muối mè, gạo lứt… “Ngày nào cũng phải ăn mãi một thứ nên tôi không còn muốn ăn nữa…” – T. than thở.
Bà S. cho biết những món bà cho chồng ăn thường là đọc trên mạng hoặc gặp nhiều bệnh nhân khác nghe họ nói, rồi cho chồng ăn theo như vậy. “Tôi chưa bao giờ tìm đến bác sĩ để tư vấn về dinh dưỡng, trên mạng chỉ rất nhiều nên mình lên đó đọc là được thôi, đến bác sĩ tốn rất nhiều thời gian” – bà S. kể.
Ngoài chế độ dinh dưỡng kiêng khem mọi thứ, việc dùng phương pháp sai lầm để điều trị ung thư cũng gây ra những hậu quả khó lường, nhiều bệnh nhân nghe theo cách điều trị dân gian bằng thuốc lá, quay lại bệnh viện điều trị thì đã quá muộn.
Người nhà một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu cho biết khi thấy con gái đang mang thai có khối u hạch, gia đình không cho con đi bệnh viện mà nghe theo lời truyền miệng đi dán cao. Tuy nhiên, sau một thời gian dán cao không những khối u không hết mà còn to dần ra và bắt đầu di căn đến nhiều khu vực khác, ông liền đưa con đến bệnh viện nhưng quá muộn.
Lúc này con gái ông buộc phải bỏ thai nhi trong bụng để điều trị ung thư. “Tôi rất hối hận, nếu đến bệnh viện sớm hơn thì không có hậu quả như hôm nay” – ông nói.
Nhịn ăn, chết nhanh hơn
Ông Diệp Bảo Tuấn – phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết: “Trong suốt quá trình điều trị ung thư, người bệnh rất cần sức khỏe tốt. Dinh dưỡng là vấn đề rất quan trọng trong chẩn đoán, điều trị ung thư và là mối quan tâm của bệnh nhân”.
Theo BS Nguyễn Thị Kim Ngân – khoa dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, quan điểm ăn kiêng khem quá mức là hoàn toàn sai lầm. Khi bệnh nhân nhịn ăn, tế bào ung thư sẽ chết theo, tế bào tốt cũng chết theo, người bệnh cần phải ăn nhiều hơn để có đủ năng lượng, đáp ứng quá trình điều trị, nhịn ăn chết nhanh hơn.
Đáp ứng đủ dinh dưỡng khi điều trị ung thư sẽ mang lại lợi ích như: duy trì được sức khỏe để theo đuổi quá trình điều trị, hạn chế được độc tính và tác dụng phụ của thuốc hóa trị, xạ trị, nhanh chóng làm lành vết mổ, phục hồi sức khỏe nhanh sau phẫu thuật, cải thiện tâm trạng người bệnh.
BS Ngân cho biết việc nghe theo các lời mách bảo truyền miệng, bệnh nhân uống các loại thuốc lá, thuốc đông y không rõ nguồn gốc, hành động vô tình làm người bệnh tự đánh mất đi thời gian vàng điều trị bệnh. Sau khi điều trị bằng lá không có hiệu quả, bệnh nặng lên, người bệnh mới quay trở lại điều trị theo lộ trình của bác sĩ thì đã muộn.
Mẹo nhỏ cho bệnh nhân ăn đủ
Theo BS Nguyễn Thị Kim Ngân, nên chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Ăn thức ăn giàu năng lượng và đạm (thịt, trứng, sữa, các loại đậu, hạt…), ăn không được thì uống (sữa, sinh tố, yaourt). Ăn đa dạng thực phẩm, chế biến phong phú theo sở thích của bệnh nhân. Mang thức ăn bên mình, lựa thức ăn tươi, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc nên ăn gì tùy thuộc vào tình trạng thể chất của bản thân người bệnh, các bệnh ung thư khác nhau nên việc ăn kiêng cũng khác nhau, phải xem người bệnh ung thư có các bệnh lý khác kèm theo không.
Điều trị cho người ung thư tại quê nhà
Theo ông Trần Văn Thuấn – giám đốc Bệnh viện K, hiện tại các địa phương có 17 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K, 11 bệnh viện tham gia dự án Đồng bằng sông Hồng và 30 khoa, trung tâm ung bướu tham gia nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện K.
Nhờ mạng lưới này, tỉ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến từ các địa phương tham gia mạng lưới đã giảm mạnh. “Phú Thọ trước đây 70% bệnh nhân ung thư phải chuyển tuyến lên Bệnh viện K, hiện đã giảm chỉ còn 1%. Bắc Ninh trước cũng chuyển tuyến 80% bệnh nhân ung thư, nay giảm còn dưới 10%” – ông Thuấn cho biết.
L.ANH