24/01/2025

Khi trẻ ‘dán mắt’ màn hình

Khảo sát công bố ngày 3-7, do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện trên 5.000 học sinh tiểu học, THCS và THPT ở Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Sóc Trăng và Nghệ An, cho thấy trẻ đang ngồi trước màn hình quá nhiều thời gian.

 

Khi trẻ ‘dán mắt’ màn hình

Khảo sát công bố ngày 3-7, do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện trên 5.000 học sinh tiểu học, THCS và THPT ở Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Sóc Trăng và Nghệ An, cho thấy trẻ đang ngồi trước màn hình quá nhiều thời gian.


 

 
 

Khi trẻ dán mắt màn hình - Ảnh 1.

Đừng để trẻ em dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính quá nhiều giờ trong ngày – Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Và đó là một trong những lý do dẫn đến chứng thừa cân, béo phì và các bệnh về mắt.

Theo khảo sát, học sinh tiểu học ngồi trước màn hình tivi, máy tính trung bình 1,5 giờ/ngày, ngày nghỉ là 2,5-2,6 giờ/ngày; lứa tuổi THCS sử dụng máy tính, xem tivi nhiều hơn, trung bình 2 giờ/ngày thường và 2,8 giờ/ngày nghỉ. Với học sinh THPT, thời gian dùng thiết bị điện tử lên tới 2,4 giờ/ngày thường và 3,1 giờ/ngày nghỉ.

Với thời gian xem tivi, sử dụng phương tiện điện tử như thế này, nhóm nghiên cứu cho biết là quá dài và vượt khuyến cáo của giới chuyên môn (khuyến cáo của giới chuyên môn là không vượt quá 2 giờ/ngày).

Dán mắt vào ”thế giới hình vuông”

Với khuyến cáo này, nhóm học sinh tiểu học đã dành quá nhiều thời gian ngồi tĩnh tại để xem tivi, vào mạng Internet trong ngày nghỉ. Nhóm THPT và THCS thì cả ngày thường lẫn ngày nghỉ đều đã dùng tivi, máy tính quá nhiều.

Khi phân tích về các yếu tố liên quan đến thừa cân béo phì, PGS-TS Trần Thúy Nga (thành viên nhóm nghiên cứu) cho biết có 8,9% trẻ thành thị được khảo sát là thấp còi, ở nông thôn con số này là 17,7%, trong khi thành thị có đến 33,7% các cháu được khảo sát là thừa cân béo phì, nông thôn cũng có đến 6,5% các cháu trong tình trạng mập mạp quá mức. Gánh nặng dinh dưỡng giờ đã nghiêng về phía thừa cân béo phì.

Về nguyên nhân, chỉ trên 47% trẻ 6-11 tuổi đạt mức khuyến nghị về hoạt động thể lực, nhóm trẻ ở thành thị tỉ lệ này đạt rất thấp, chỉ dưới 40%. Đây là điểm được đánh giá có liên quan đến thừa cân béo phì, bên cạnh các yếu tố như chế độ ăn uống, thời gian ngủ mỗi ngày…

Khi trẻ dán mắt màn hình - Ảnh 2.

Nguồn: Khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia – Đồ hoạ: T.ĐẠT

 

Ăn nhiều thịt ít rau

Khi khảo sát chế độ ăn của hơn 5.000 trẻ học đường kể trên, nhóm nghiên cứu cho biết về lượng đạm cho trẻ là không thiếu. Tuy nhiên theo bà Phan Thị Kim – nguyên cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, VN là nước nhiệt đới, nhiều rau quả, nhưng lạ lùng là lượng chất xơ sử dụng chỉ đạt 25% so với khuyến nghị.

Ăn nhiều thịt ít rau, thiếu vi chất, khoáng chất, đó là mô tả của các chuyên gia sau nghiên cứu này. Theo đó, lượng vitamin D chỉ đạt dưới 20% nhu cầu, trẻ còn thiếu các vitamin A, H, B2, B9… Trong khi đó, lượng thực phẩm có đường được sử dụng lại tăng nhanh trong khoảng 25 năm gần đây. Vì vậy, trẻ em và vị thành niên 5-19 tuổi thừa cân béo phì chuẩn hóa theo tuổi tăng từ 2,6% năm 2002 lên 9,7% năm 2016, tức là tăng 273%. Ở các thành phố lớn, tỉ lệ thừa cân béo phì đã ở mức không thua kém so với các nước phát triển.

Chuyển loại hình chơi cho trẻ

Theo ThS Đinh Thạc – phụ trách khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), các bậc cha mẹ nên hướng cho trẻ thay vì xem tivi, chơi trò chơi điện tử trên điện thoại thì nên cho trẻ tham gia các trò chơi vận động, có lợi cho sức khoẻ.

Trẻ có thể chơi những bộ xếp hình, lắp ghép để kích thích trí não phát triển, cũng là cách để các em có thể vận động tay chân và không phải tập trung nhiều vào màn hình, hoặc cho trẻ ra ngoài để dạo bộ, hít thở không khí, tập luyện đá banh… Đây là những trò chơi rất tốt cho sức khoẻ, giúp trẻ không bị lệ thuộc vào các thiết bị điện tử.


 

LAN ANH – THUỲ DƯƠNG