23/12/2024

Hô biến thực phẩm chức năng thành ‘thần dược’ rồi đẩy giá lên trời

So với thuốc có thành phần tương tự, thực phẩm chức năng luôn có giá cao hơn nhiều (trong khi tiêu chuẩn nhẹ nhàng hơn) nhờ các quảng cáo ‘thần thánh’ theo kiểu truyền miệng trên mạng xã hội, Internet… mà nhiều món trở thành ‘thần dược’.

 

Hô biến thực phẩm chức năng thành ‘thần dược’ rồi đẩy giá lên trời

So với thuốc có thành phần tương tự, thực phẩm chức năng luôn có giá cao hơn nhiều (trong khi tiêu chuẩn nhẹ nhàng hơn) nhờ các quảng cáo ‘thần thánh’ theo kiểu truyền miệng trên mạng xã hội, Internet… mà nhiều món trở thành ‘thần dược’.
 
 
 
 

Hô biến thực phẩm chức năng thành thần dược rồi đẩy giá lên trời - Ảnh 1.

Quảng cáo “nổ” saffron (nhuỵ hoa nghệ tây) chữa được ung thư trên mạng xã hội – Ảnh: LAN ANH

 

Mới đây vợ anh H.L. ở Cầu Giấy, Hà Nội phải đi mổ khối u xơ ở ngực. Dù khối u là lành tính, thể trạng vợ anh L. khỏe mạnh, nhưng trong tệp đơn thuốc bác sĩ đưa, anh thấy có sản phẩm hiệu A. và bác sĩ không giải thích đây là vitamin tổng hợp, chỉ nói cầm đi mua…

Tại hiệu thuốc ở cổng bệnh viện, anh L. ngã ngửa khi sản phẩm A. này giá rất đắt nhưng lại được kê trong “phiếu tư vấn” – một cách “lách” quy định cấm kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc của Bộ Y tế…

Giá cao vô lý

“Giá hộp thuốc A. đó lên tới 1,5 triệu đồng/hộp mà chỉ là vitamin, trong khi vợ tôi đang uống thuốc có thành phần tương tự giá rẻ hơn rất nhiều, tôi phải trả lại sản phẩm này. Chị nằm giường bên cạnh cũng được kê sản phẩm tương tự và không biết để trả lại, chị ấy từ quê ra chữa bệnh, tiền ăn còn không đủ, tự dưng phải đi mua lọ vitamin giá 1,5 triệu đồng”- anh L. than.

Còn chị N.T.H., 43 tuổi, ở Điện Biên, bị vàng da, men gan tăng cao do uống loại thuốc lá của bà lang. Chị điều trị tại Trung tâm Dị ứng và miễn dịch lâm sàng (Hà Nội). Sau thời gian điều trị, chị H. có giảm được tình trạng men gan cao, vàng da nhưng chi phí điều trị lại quá cao.

“Bác sĩ ở đây nói cần phải điều trị bổ trợ bằng một loại thuốc ngoại nhập, giá trên 3 triệu đồng/lọ 60 viên, tôi đã uống khoảng 5 lọ nhưng không được giải thích rõ là sản phẩm gì. Mãi sau mới biết đây là loại thực phẩm chức năng xách tay từ Pháp, không có bán trên thị trường VN” – chị H. cho biết.

Nguyên phó cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế Trần Thị Hồng Phương chia sẻ, sản phẩm nhụy hoa nghệ tây (saffron) đông y gọi là tây hồng hoa, có tác dụng chính là hoạt huyết, điều hòa huyết ứ.

Theo bà Phương, sản phẩm này không phát huy được công dụng nếu dùng sản phẩm dạng đơn lẻ và chưa chứng minh được là nó có hàng loạt công dụng ghê gớm như quảng cáo. Tuy nhiên, chính vì những công dụng truyền tai nhau này mà giá sản phẩm saffron đang được đẩy lên rất cao.

Theo giấy tờ nhập khẩu được kê khai tại cơ quan thuế của một trong số các loại saffron đang lưu hành trên thị trường, thì giá nhập khẩu chỉ khoảng 16.500 đồng/gam (0,7 USD), nhưng giá bán lẻ sản phẩm dao động tới 250.000-350.000 đồng/gam.

Mặt khác, đây là sản phẩm dù có nguồn gốc thảo dược nhưng không phải ai uống cũng được và uống vào là “bổ” như hướng dẫn của các “bác sĩ” mạng.

Bộ Y tế đã có nhiều quy định cấm kê thực phẩm chức năng, mỹ phẩm vào đơn thuốc, gần nhất là thông tư 05/2016 quy định kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Nhưng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng loại lớn có trụ sở ở Hà Nội cho biết: “40% doanh thu của công ty này là từ… nhà thuốc bệnh viện.

Trong “rừng” thực phẩm chức năng, nếu không có đơn thuốc, “phiếu tư vấn” của bác sĩ, đố bệnh nhân nào tìm được sản phẩm của công ty để mua”.

Hô biến thực phẩm chức năng thành thần dược rồi đẩy giá lên trời - Ảnh 2.

Giá nhuỵ hoa nghệ tây nhập về chỉ khoảng 16.500 đồng/gam, giá bán ra tăng gấp 15-20 lần thành 250.000-350.000 đồng/gam – Ảnh: LAN ANH

 

Quảng cáo như thần dược

So với thuốc có thành phần tương tự thì thực phẩm chức năng luôn có giá thành cao hơn khá nhiều (trong khi tiêu chuẩn sản phẩm lại nhẹ nhàng hơn), nhờ các quảng cáo “thần thánh” theo kiểu truyền miệng trên mạng xã hội, Internet… mà nhiều món trở thành “thần dược“.

Gần đây, thị trường đang “hot” sản phẩm như nhụy hoa nghệ tây, trước đó là nhân sâm, linh chi, an cung ngưu hoàng hoàn…

Theo bà Phương thì “chưa ai chứng minh được những công dụng của nhụy hoa nghệ tây là ngăn chặn hình thành tế bào ung thư như quảng cáo. Sản phẩm này cũng không dùng cho người có thể trạng suy kiệt, kể cả người lớn và trẻ em”.

Còn theo các “bác sĩ mạng”, các sản phẩm kể trên đều là thuốc bổ, ai cũng có thể dùng vì không thấy hướng dẫn gì về chống chỉ định.

Như nhụy hoa nghệ tây được quảng cáo có tới 12 loại tác dụng, nhưng thực tế đây chỉ là sản phẩm giúp hoạt huyết, hỗ trợ giấc ngủ. Và qua công nghệ quảng cáo đã khiến sản phẩm được nâng giá lên 15-20 lần so với giá ban đầu.

Không tùy tiện dùng “thuốc bổ”

Những sản phẩm được coi là bổ dưỡng như sâm, linh chi, bà Phương cho biết không được tùy tiện sử dụng.

“Người cao huyết áp mà dùng nhân sâm thì gay go. Hay linh chi có tác dụng hạ mỡ máu, nhưng vị của linh chi rất đắng, mà đắng quá thì hại gan, dùng lâu ảnh hưởng đến gan” - bà Phương nói.

Ở sản phẩm an cung ngưu hoàng hoàn, bà Phương cảnh báo không phải thể đột quỵ nào cũng sử dụng được sản phẩm, nguy cơ rất cao nếu người đột quỵ bị thể chảy máu.

Còn tác dụng rõ nhất của nhụy hoa nghệ tây (giới chuyên môn gọi là tây hồng hoa để phân biệt với vị thuốc hồng hoa trong đông y) là tác dụng hoạt huyết, dùng cho người ứ trệ, máu lên não chậm, nhưng muốn phát huy hết tác dụng cần phối hợp với các vị thuốc khác theo hướng dẫn của bác sĩ đông y.

Tai biến do thuốc chứa chì

Mới đây, Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận tổng cộng 6 bệnh nhi bị tai biến do dùng “thuốc cam” có chứa chì, bé nhỏ nhất trong số này mới 7 tháng tuổi.

Cảnh báo nguy hiểm do dùng thuốc cam đã được Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện nhiều năm, nhưng vẫn có nhiều gia đình, đặc biệt ở nông thôn, sử dụng thuốc cam “chữa” chứng ăn kém, loét miệng ở trẻ em.

Và giờ đây, với người dùng mạng xã hội, lại có thêm một nguy cơ mới là “dùng thuốc theo hướng dẫn trên mạng”, nguy cơ với sức khỏe không kém gì so với người dùng thuốc cam trôi nổi.

Kê phiếu tư vấn cũng là hình thức tiếp tay cho nâng giá

Điểm khó khăn với giá thực phẩm chức năng là không có cơ quan quản lý, người bán – người mua “thuận mua – vừa bán”.

Chính vì thế dù Bộ Y tế đã cấm kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc, nhưng các bác sĩ đã “lách” bằng cách kê vào phiếu tư vấn, nhưng rất ít người bệnh biết sản phẩm trong phiếu tư vấn có thể mua hoặc không, tuỳ theo nhu cầu của mình.

Việc xuất hiện ở đơn thuốc hay phiếu tư vấn đều không hoàn toàn “vô tư”, và giá sản phẩm vì thế đã được đẩy lên rất cao.


 

LAN ANH