Lưu ý cần thiết khi dùng thuốc trị loãng xương
Loãng xương là bệnh thường gặp ở người trưởng thành và lớn tuổi, đặc biệt là ở nữ giới (chiếm 76%). Bệnh là nguyên nhân dẫn đến ngã gãy cổ xương đùi có thể gây biến chứng tử vong ở người cao tuổi. Do vậy, việc phát hiện sớm và lựa chọn được phương pháp điều trị loãng xương phù hợp và kịp thời sẽ giúp người bệnh thoát khỏi các biến chứng loãng xương nguy hiểm.
Lưu ý cần thiết khi dùng thuốc trị loãng xương
Bệnh là nguyên nhân dẫn đến ngã gãy cổ xương đùi có thể gây biến chứng tử vong ở người cao tuổi. Do vậy, việc phát hiện sớm và lựa chọn được phương pháp điều trị loãng xương phù hợp và kịp thời sẽ giúp người bệnh thoát khỏi các biến chứng loãng xương nguy hiểm.
Mục tiêu điều trị loãng xương nhằm: Giảm mất xương đồng thời tăng khối lượng xương hay nói cách khác là làm chậm quá trình tiến triển của bệnh loãng xương; Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bị loãng xương; Giảm thiểu đến mức tối đa nguy cơ gãy xương hoặc tái gãy xương ở người bị loãng xương; Giảm nguy cơ tử vong do gãy cổ xương đùi ở bệnh nhân loãng xương.
Biện pháp không dùng thuốc
Để dự phòng và hỗ trợ điều trị loãng xương thì chế độ ăn và tập luyện đóng vai trò quan trọng. Trong đó, chế độ ăn cần bổ sung nguồn thực phẩm giàu canxi theo nhu cầu của cơ thể. Những thức ăn giàu canxi bao gồm: sữa, tôm, cua, hải sản… Ngoài ra, có thể bổ sung canxi bằng các sản phẩm bổ sung; Hạn chế thực phẩm làm hao hụt canxi như thuốc lá, cafe, rượu… Nên tăng cường các hoạt động thể dục nhẹ nhàng, những bài tập giúp tăng khả năng dẻo dai cho cơ bắp…
Thuốc giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh loãng xương.
Biện pháp dùng thuốc
Hiện nay có 3 nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị loãng xương là: thuốc bổ sung canxi, thuốc chống huỷ xương và thuốc kích hoạt tạo xương.
Thuốc bổ sung canxi: Được áp dụng cho người có chế độ ăn thiếu hụt chất khoáng. Đây là các thuốc bổ sung khoáng chất và được dùng hàng ngày, kéo dài trong suốt quá trình điều trị. Các thuốc đó là canxi, vitamin D. Tuỳ thuộc vào tình trạng thiếu hụt của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định hàm lượng thuốc uống bao nhiêu mỗi ngày.
Các thuốc chống huỷ xương: Có tác dụng làm giảm hoạt tính tế bào huỷ xương. Trong đó, nhóm thuốc được lựa chọn hàng đầu trong phác đồ điều trị loãng xương là bisphosphonat (alendronat, acid zoledronic, risedronat…). Thuốc được chỉ định cho cả người già, nam giới, phụ nữ sau mãn kinh, các trường hợp loãng xương do sử dụng corticosteroid. Tuy nhiên, không được dùng đối với phụ nữ có thai, đang cho con bú; trẻ dưới 18 tuổi và bệnh nhân suy thận.
Tác dụng phụ thường gặp nhất của các thuốc thuộc nhóm ở dạng uống là tình trạng kích ứng đường tiêu hoá, có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh viêm thực quản, nuốt khó hoặc loét dạ dày… Để hạn chế tác dụng phụ này có thể dùng thuốc dạng truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, việc tiêm truyền cần được thực hiện tại bệnh viện, khoa cơ xương khớp có đủ điều kiện tiêm truyền.
Thuốc kích hoạt tạo xương: Các thuốc như strontium ranelat vừa có tác dụng tăng tạo xương lại vừa có khả năng ức chế hủy xương. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp người bệnh không dùng được thuốc nhóm bisphosphonat. Menatetrenon – vitamin K2 cũng có tác dụng tăng tạo xương và hạn chế hủy xương, có hiệu quả với người bệnh loãng xương kèm theo triệu chứng đau lưng.
Ngoài ra, một số thuốc còn được dùng trong điều trị triệu chứng loãng xương (đau nhức) như paracetamol, ibufrofen. Có thể kết hợp với các thuốc giảm đau thần kinh cho những trường hợp có chèn ép rễ thần kinh, những người phải ngồi lâu, đứng lâu.
Các bài thuốc, bài tập từ y học cổ truyền có thể áp dụng hỗ trợ điều trị những người loãng xương mức độ nhẹ và giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh, nhất là giảm đau.
Các lưu ý về điều trị loãng xương
Nên sử dụng 1 trong 3 loại bisphosphonat để giảm thiểu nguy cơ gãy các xương vùng hông và xương cột sống. Duy trì điều trị liên tục trong 5 năm. Không nhất thiết phải theo dõi mật độ xương và chất khoáng trong thời gian điều trị.
Hiện nay, có một số quan điểm dùng liệu pháp hormon thay thế để điều trị loãng xương ở nữ giới. Tuy nhiên, liệu pháp này không được khuyến khích cho dù là dùng estrogen đơn thuần hay phối kết hợp với progestrogen bởi phương pháp này chưa cho thấy rõ hiệu quả phòng gãy xương ở phụ nữ, song lại làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não và huyết khối tĩnh mạch. Nên cân nhắc việc sử dụng các thuốc điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen SERM do tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Với những phụ nữ có mật độ xương trong giới hạn bình thường không nhất thiết phải theo dõi thường xuyên bởi hầu hết những người này sẽ không có sự phát triển loãng xương theo thời gian.
Đối với bệnh nhân nữ trên 65 tuổi có mật độ xương thấp cùng với nguy cơ gãy xương cao, nên cân nhắc về việc lựa chọn phương pháp điều trị dựa trên lợi ích, tác hại và chi phí của điều trị loãng xương.
Đối với nam giới, cần chú trọng vào tác dụng giảm nguy cơ gãy xương cột sống bằng thuốc nhóm bisphosphonat.
Người bệnh không nên chỉ sử dụng canxi, vitamin D cũng như các hoạt động thể chất đơn lẻ để phòng ngừa biến chứng loãng xương.
Sự tuân thủ dùng thuốc là yếu tố quyết định thành công trong điều trị. Do đó, cần cân nhắc về tổng chi phí của quá trình điều trị, tạo điều kiện cho người bệnh duy trì và tuân thủ điều trị bởi điều trị loãng xương cần lâu dài, bệnh nhân thường sẽ không nhận thấy sự thay đổi triệu chứng trong khi dùng thuốc nên dễ bỏ thuốc.