23/12/2024

Để bệnh viện văn minh hơn

Nhiều nhà vệ sinh ở các bệnh viện tại Việt Nam còn bẩn. Trong khi đó, tình trạng hút thuốc lá bừa bãi tại các bệnh viện vẫn diễn ra công khai. Làm thế nào để các bệnh viện ở Việt Nam trở nên văn minh và sạch sẽ hơn?

 

Để bệnh viện văn minh hơn

Nhiều nhà vệ sinh ở các bệnh viện tại Việt Nam còn bẩn. Trong khi đó, tình trạng hút thuốc lá bừa bãi tại các bệnh viện vẫn diễn ra công khai. Làm thế nào để các bệnh viện ở Việt Nam trở nên văn minh và sạch sẽ hơn?
 
 
 
 

Để bệnh viện văn minh hơn - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Trúc Sinh (Đồng Nai) múc nước vào định đi vệ sinh tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (quận 10, TP.HCM) thì bồn cầu bị nghẹt nên lại quay ra. Ảnh chụp chiều 9-6 – Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Nếu có vấn đề nào bệnh viện cần cải thiện và chú trọng trước tiên ở Việt Nam, tôi cho rằng đó là vấn đề vệ sinh. Bệnh viện càng tươm tất và sạch sẽ càng xóa bớt đi trở ngại tâm lý của người buộc phải đến bệnh viện.

Chị Eli C (người UAE)

Tuổi Trẻ đã ghi lại ý kiến của một số người nước ngoài xung quanh vấn đề này:

* Ông Bill Harany (người Canada): Bệnh viện tư sạch, bệnh viện công dơ

Để bệnh viện văn minh hơn - Ảnh 3.

Ông Bill Harany

 

Lần đầu tiên tôi đi bệnh viện ở Việt Nam là tại Huế. Lúc đó tôi phải phẫu thuật vì gãy tay. Nhân viên bệnh viện không nói tiếng Anh nhiều nhưng nhìn chung mọi chuyện ổn. Khi tôi quay về Canada, bác sĩ ở đó nói rằng các bác sĩ tại Huế đã làm rất tốt. Vậy nên ấn tượng đầu tiên của tôi về bệnh viện ở Việt Nam rất tích cực.

Tuy nhiên, ấn tượng tốt đó về sau thay đổi vì một số bệnh viện quá đông và dơ, một số nhân viên bệnh viện lại có vẻ không quan tâm bệnh nhân. Bệnh viện tư thường rất sạch sẽ trong khi bệnh viện công lại khá dơ, và tôi nghĩ nguyên nhân là do quá đông người. Nhà vệ sinh thì khỏi nói, thường rất thiếu vệ sinh, trong khi bệnh viện phải là môi trường khỏe mạnh.

Một chuyện nữa là tình trạng hút thuốc công khai trong bệnh viện ở Việt Nam. Ở Canada, không ai được phép hút thuốc bên trong bệnh viện. Mức phạt cho hành vi này rất cao.

* Ông Paul Sansome (người Anh): Cần phạt thật nặng người hút thuốc và bệnh viện

Để bệnh viện văn minh hơn - Ảnh 4.

Ông Paul Sansome

 

Tôi từng đến bệnh viện công và cả bệnh viện tư ở Hà Nội. Trong một lần đến một bệnh viện công lớn ở Hà Nội, tôi không thể không để ý đến mùi thuốc lá nồng nặc ngay sảnh chờ, hành lang và lối đi của bệnh viện.

Ở Việt Nam, theo tôi, chất lượng nhà vệ sinh phần nhiều do có quá nhiều người đến bệnh viện nên biến những nhà vệ sinh này thành nhà vệ sinh “công cộng”. Không chỉ bệnh nhân, ngay cả người thân thăm nuôi và ở lại qua đêm cũng tạo thêm áp lực cho cơ sở vật chất tại các bệnh viện này, khiến cho việc có một môi trường đã được khử trùng trở nên cực kỳ khó. 

Tại Anh, người thân chỉ được phép đến gặp bệnh nhân trong khoảng thời gian quy định và sau đó phải về. Việc chăm sóc bệnh nhân là của các cô y tá.

Đối với vấn đề hút thuốc lá ở bệnh viện, tôi cho rằng đó là hệ quả tất yếu của một xã hội nơi mà việc hút thuốc quá phổ biến. 

Ở nước tôi, nhiều năm truyền thông thông tin về sức khỏe, đánh thuế thuốc lá, quy định không cho phép hút thuốc lá tại những nơi công cộng như quầy bar hay nhà hàng, cũng như thông tin về việc thuốc lá ảnh hưởng đến những người xung quanh thế nào đã làm giảm đáng kể số người hút thuốc lá tại Anh. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đặt ra mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn việc hút thuốc lá vào năm 2030.

Dễ thấy ở Việt Nam dù có biển cấm hút thuốc lá, những người hút cũng không bị nhắc nhở hay bị phạt. Ngay cả trong bệnh viện, nhân viên y tế chẳng phàn nàn gì khi có người hút thuốc lá trong khuôn viên, hay những nơi cấm hút thuốc lá. 

Trong khi đó ở Anh, mức phạt tối thiểu cho việc hút thuốc lá ở nơi không được quy định là 1,5 triệu đồng cho người hút, và 75 triệu đồng cho những cơ quan không thực thi quy định này để đảm bảo không ai hút thuốc lá.

* Ông Christopher Denis-delacour (người Pháp): Bệnh viện cần quy định tiêu chuẩn vệ sinh

Để bệnh viện văn minh hơn - Ảnh 5.

Ông Christopher Denis-delacour

 

Tôi đến một vài bệnh viện ở Việt Nam và thấy cảnh người thì ho, người thì ăn, người khác hút thuốc lá. Hút thuốc lá ở Pháp và Mỹ, hai nơi tôi đã từng sống, bị cấm hoàn toàn ở các nơi công cộng.

Vấn đề vệ sinh thường gắn liền với giáo dục. Chính vì vậy bệnh viện cần quy định lại những tiêu chuẩn vệ sinh để đảm bảo một môi trường khử trùng. Không thể mong nhà vệ sinh của các bệnh viện sạch trong khi mọi nơi khác lại bẩn. 

Nhiều người đến từ vùng sâu vùng xa hay các thành phố khác sẽ có quan điểm khác về vệ sinh và cách ứng xử ở nơi công cộng và trong bệnh viện, nên nhiệm vụ của bệnh viện là phải đưa những hành vi này về một quy chuẩn.

Mọi người cũng cần hiểu tầm quan trọng của việc chữa trị trong một môi trường sạch sẽ, hạn chế vi khuẩn hết mức để có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

* Ông Pierre Siquet (người Bỉ): Ngành y của Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều

Để bệnh viện văn minh hơn - Ảnh 6.

Ông Pierre Siquet

 

Ấn tượng của tôi về các bệnh viện mà mình từng đến ở Việt Nam là quá đông đúc, bệnh nhân phải tràn ra hành lang, đội ngũ nhân viên y tế thì quá tải. Khi tình trạng trở nên quá đông đúc thì công tác giữ vệ sinh sạch sẽ khó thực hiện tốt được. 

Tuy nhiên, đó không chỉ là chuyện của bệnh viện công. Tôi từng có lần than phiền một bệnh viện quốc tế ở TP.HCM vì nhiều lần họ để nhà vệ sinh dơ vào buổi sáng.

Tuy nhiên, tôi nghĩ Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều, với nhiều công nghệ hiện đại, công tác đào tạo mới. Tôi cũng tin rằng những bác sĩ hàng đầu Việt Nam đều đạt chuẩn quốc tế cao. 

Tôi từng làm việc trong lĩnh vực y tế ở một số nước mà tại đó, tôi thấy những cơ sở khám bệnh không có mái nhà, thấy những đứa trẻ sơ sinh và các bà mẹ bị “giam” cho đến khi họ trả tiền viện phí… Vì vậy, tôi tin rằng một nửa thế giới đang phải đối phó với những tình huống tồi tệ hơn Việt Nam.

Không được hút thuốc trong phạm vi 9m tính từ cổng

 

hut thuoc 10-6 3(read-only)

 

Ở Canada, chúng tôi có quy định không được hút thuốc trong phạm vi 9m tính từ cổng ra và cổng vào của bệnh viện hoặc các trung tâm y tế. Mức phạt là 1.000 đôla Canada cho lần vi phạm đầu tiên và 5.000 đôla Canada cho lần vi phạm thứ hai. Điều này là cần thiết vì sức khỏe chung của cộng đồng.

 

Katherine Hong (người Canada)

 

HÀ MY – NGỌC ĐÔNG – HỒNG VÂN