15/01/2025

Triển lãm ảnh về… rác

Dự án chụp rác dọc chiều dài đất nước men theo bờ biển của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng bắt đầu khi mẹ anh bị ung thư. Căn bệnh ấy, nhiều người cho rằng có tác động của hạt vi nhựa.

 

Triển lãm ảnh về… rác

Dự án chụp rác dọc chiều dài đất nước men theo bờ biển của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng bắt đầu khi mẹ anh bị ung thư. Căn bệnh ấy, nhiều người cho rằng có tác động của hạt vi nhựa.
 
 
 
 
Đốt rác cạnh lò đốt rác ở đảo Bình Ba /// Ảnh: Nguyễn Việt Hùng

Đốt rác cạnh lò đốt rác ở đảo Bình Ba   ẢNH: NGUYỄN VIỆT HÙNG

 
 
Cách đây gần 5 năm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Hùng Lekima) đã lang thang nhiều giờ trên mạng sau khi biết mẹ bị ung thư. Anh cứ đọc đi, đọc lại về nguyên nhân gây ra căn bệnh này. “Khi đó, tôi mới biết hạt vi nhựa có thể gây ra ung thư. Tôi cũng ngỡ ngàng khi biết VN đứng thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra đại dương. Là một nhiếp ảnh gia và dạy nhiếp ảnh, tôi hiểu giá trị của từng bức ảnh qua sự chân thật, thông tin và cảm xúc chúng mang tới. Ảnh có thể thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành động của người xem. Chính vì vậy, tôi quyết định lên đường”, Hùng chia sẻ về ý tưởng hành trình chụp rác.
 
 
Triển lãm ảnh về... rác - ảnh 1

Ảnh có thể thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành động của người xem

Triển lãm ảnh về... rác - ảnh 2
 

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng

 

Chuyến đi chụp rác của anh sau đó kéo dài một tháng rưỡi, qua 28 tỉnh, thành. Anh đã đi tổng cộng gần 7.000 km, trong đó có 3.260 km bờ biển từ bắc chí nam bằng xe máy. Giờ đây, những hình ảnh của chuyến đi hồi tháng 8, 9 năm ngoái có mặt trong triển lãm Hãy cứu biển – Save our seas diễn ra từ 4 – 9.6 tại 29 Hàng Bài (Hà Nội). Triển lãm này do anh và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đồng tổ chức. “Hãy cứu biển có hơn một trăm ảnh. Nhiều ảnh tôi chưa từng công bố. Nhưng quan trọng nhất, mỗi bức ảnh nằm trong câu chuyện tổng thể của chuyến đi. Nó gợi mở việc giảm thiểu rác thải nhựa ở VN”, anh nói.

Hãy cứu biển cho thấy muôn mặt sống chung với rác thải. Ở đó, chim và rùa cũng kiếm ăn trên bãi rác. Có những bức ảnh, con người thản nhiên quăng rác xuống sông, biển rồi lại sử dụng chính dòng nước đó.
 
“Một bức ảnh nói về lò đốt rác lại không có hình ảnh lò đốt. Đó là người đàn ông trông lò đốt rác trên đảo Bình Ba đang dùng chân đẩy rác xuống vực và đốt cạnh lò. Lò đốt rác công suất nhỏ, công nghệ chưa thích hợp hay không phân loại tại nguồn là nguyên nhân gây ra thực tế đó”, nhiếp ảnh gia chia sẻ. Bức ảnh đó gợi lên điều gì đó lớn hơn, dài hạn hơn – tầm nhìn môi trường của nhà quản lý. Thông điệp này cũng lặp lại ở một tác phẩm khác. Đó là hình ảnh người dân tự tổ chức gom rác thải ở Quảng Bình.
 
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng cho biết anh vẫn đang tiếp tục chụp rác. “Hiện tôi đang chụp các đảo. Rác thải nhựa thực sự là hiểm họa, thách thức của nhân loại. Nó sẽ có những ảnh hưởng lâu dài chưa thể hình dung hết được. Tôi cũng muốn nhiều người chụp ảnh các nơi bị ô nhiễm, những nơi nhiều rác thải nhựa, cùng chia sẻ”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.
 
 
TRINH NGUYỄN