Học trước 50% tín chỉ
|
|
Điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh
Theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành năm 2017 của Bộ GD-ĐT, người dự tuyển phải có bằng ĐH loại giỏi trở lên hoặc thạc sĩ; là tác giả 1 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời gian 3 năm tính đến ngày dự tuyển; có năng lực ngoại ngữ từ IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương.
|
|
|
Các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM thông báo xét tuyển dự bị tiến sĩ cho năm học này. Theo thông báo trên website Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ứng viên đăng ký chương trình dự bị tiến sĩ có thể tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp ĐH loại khá với điểm trung bình tích lũy từ 7.5 trở lên. Bên cạnh điều kiện văn bằng, ứng viên còn phải có bài luận về hướng nghiên cứu và có ít nhất một nhà khoa học hướng dẫn. Khi đó, phòng đào tạo sau ĐH của trường sẽ xem xét hồ sơ và công bố kết quả xét tuyển.
Thông báo tương tự cũng đang được triển khai tại các trường: Công nghệ thông tin, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn…
Quy định chung của ĐH Quốc gia TP.HCM cho phép người học dự bị tiến sĩ được đăng ký học các môn ở học phần tiến sĩ cùng các nghiên cứu sinh chính thức (trừ tiểu luận tổng quan và các chuyên đề tiến sĩ). Người học dự bị tiến sĩ được tích luỹ tối đa 50% số tín chỉ trong chương trình đào tạo tiến sĩ tương ứng và tối đa trong 24 tháng.
Đáng chú ý, các bài báo khoa học được công bố trong thời gian dự bị tiến sĩ sẽ được công nhận trong điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh. Kết quả các môn học được tích lũy để bảo lưu trong 24 tháng kể từ ngày thi hoặc bảo vệ kết thúc môn học đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh chính thức và được dùng để xét miễn môn trong chương trình tiến sĩ chính thức.
Viện Năng lượng nguyên tử VN (Bộ Khoa học – Công nghệ) cũng áp dụng chương trình tương tự với người học dự bị tiến sĩ.
Bồi dưỡng… ứng viên trước khi dự tuyển chính thức !
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, PGS-TS Vũ Phan Tú, Trưởng ban Đào tạo sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết chương trình dự bị tiến sĩ được thực hiện theo Quy chế tuyển sinh trình độ thạc sĩ và tiến sĩ của ĐH này (ban hành năm 2016).
Nói về mục tiêu triển khai, theo ông Tú, quy định mới của Bộ GD-ĐT về tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ (năm 2017) yêu cầu dự tuyển trình độ tiến sĩ được nâng cao về trình độ ngoại ngữ, năng lực nghiên cứu, bài báo khoa học… Nhiều ứng viên có nguyện vọng học chương trình tiến sĩ nhưng chưa đủ điều kiện dự tuyển. Chương trình dự bị tiến sĩ sẽ giúp bồi dưỡng, hỗ trợ các ứng viên đạt được các yêu cầu này trước khi dự tuyển theo đúng quy định.
Một hình thức “nợ” đầu vào ?
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành năm 2017 của Bộ GD-ĐT quy định, chỉ khi người học đạt đủ các điều kiện tối thiểu thì đơn vị đào tạo mới phê duyệt danh sách trúng tuyển và ra quyết đinh công nhận nghiên cứu sinh. Vậy việc cho phép người học dự bị được các quyền lợi này phải chăng là một hình thức “nợ” đầu vào tiến sĩ?
Phó hiệu trưởng một trường ĐH thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng: “Chương trình dự bị tiến sĩ không phải là hình thức “nợ” đầu vào vì sau 24 tháng người học không hoàn tất được đầu vào thì mọi kết quả học tập trước đó đều bị hủy. Trong khoảng thời gian 24 tháng đó, người học chỉ được công nhận các học phần đã tích lũy vào chương trình chính thức nếu đạt đầu vào”.
PGS-TS Vũ Phan Tú khẳng định: “Người học dự bị tiến sĩ không phải là nghiên cứu sinh, do đó không phải là “nợ đầu vào”. Các cá nhân có nhu cầu thì đăng ký học dự bị tiến sĩ. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu về tuyển sinh trình độ tiến sĩ, các ứng viên này phải đăng ký và dự tuyển đúng theo lịch tuyển sinh của ĐH Quốc gia TP.HCM và sau khi trúng tuyển mới chính thức là nghiên cứu sinh”.
Sai quy chế của Bộ GD-ĐT
Về việc tích lũy trước chương trình, ông Tú cho biết hiện ĐH này thực hiện đào tạo theo tín chỉ, người học được linh động đăng ký học để tích lũy các tín chỉ. Nếu người học đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu hoàn thành các môn học thì được tích lũy tín chỉ của môn học đó. Nhưng các học phần khác như môn học, báo cáo tổng quan, các chuyên đề tiến sĩ… chỉ được học khi trúng tuyển đầu vào.
Về việc này, theo tiến sĩ Đặng Quang Việt, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), việc học tiền tiến sĩ tách bạch với quy trình tuyển sinh, vì vậy không phải là hình thức cho “nợ đầu vào” đối với các ứng viên không đạt điều kiện tuyển sinh. Việc triển khai các chương trình dự bị tiến sĩ là tự chủ của các trường để hỗ trợ người học có mong muốn được chuẩn bị các kỹ năng hoặc nâng cao kiến thức để được tuyển sinh vào trường theo học các chương trình đào tạo tiến sĩ.
“Nhưng thông báo cho phép người học được bảo lưu kết quả học tiền tiến sĩ để tính vào chương trình chính thức nếu được tuyển sinh chính thức là sai quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Hiện quy chế đã quy định rõ quy trình tuyển sinh đầu vào tiến sĩ, các cơ sở nào làm sai sẽ có chế tài xử phạt”, ông Việt khẳng định.
HÀ ÁNH