Trường học sẽ không được chọn sách giáo khoa
Việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường, theo quy định mới nhất tại dự thảo trình Quốc hội, sẽ được giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Trường học sẽ không được chọn sách giáo khoa
Việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường, theo quy định mới nhất tại dự thảo trình Quốc hội, sẽ được giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ẢNH GIA HÂN
Sáng 21.5, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi), ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho biết một số ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước, tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong dự thảo.
Theo ông Bình, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
“Với quan điểm này, trên nền tảng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất dùng chung trong cả nước do Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành; sách giáo khoa là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học, nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông”, ông Bình nói.
1/3 hội đồng thẩm định sách giáo khoa là giáo viên đang giảng dạy
Ông Bình cũng cho biết, để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa và khách quan trong biên soạn, chọn lựa sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục, dự thảo luật quy định Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo chịu trách nhiệm quy định quy trình biên soạn, thẩm định, phát hành và quy trình chọn lựa sách giáo khoa bảo đảm có ít nhất một bộ sách giáo khoa đủ chất lượng cho giáo dục phổ thông.
Về thành phần hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, mặc dù có ý kiến đề nghị 1/2 thành viên hội đồng phải là giáo viên đang tham gia giảng dạy, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên tỉ lệ là 1/3.
“Tỉ lệ này tạo điều kiện để Bộ Giáo dục – Đào tạo có thể chủ động trong việc sắp xếp nhân sự bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các thành phần khác nhau”, ông Bình nói.
Về vấn đề lựa chọn sách giáo khoa, ông Bình cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Đây là một điểm mới so với dự thảo trước đó, quy định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường sẽ do các trường quyết định, trên cơ sở tham khảo ý kiến của phụ huynh và học sinh.
Tuy nhiên, sau đó có nhiều ý kiến cho rằng, việc để các cơ sở giáo dục tự chọn sách giáo khoa có thể dẫn đến tình trạng lộn xộn, không thống nhất trong sử dụng sách giáo khoa ở các địa phương.
Tạo cơ chế cho học sinh THCS học thẳng liên thông cao đẳng
Về ý kiến đề nghị học sinh học hết trung học cơ sở (THCS) được học thẳng lên trình độ cao đẳng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chúng ta đang thực hiện chủ trương phân luồng sau THCS, phấn đấu tăng tỷ lệ học sinh vào học giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích người học phân luồng sang giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Theo ông Bình, quy định hiện nay của luật Giáo dục nghề nghiệp là người học trình độ trung cấp có bằng tốt nghiệp THCS, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, trên cơ sở đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hoá trung học phổ thông để tạo điều kiện cho người tốt nghiệp THCS học trung cấp có đủ điều kiện khi liên thông lên cao đẳng.
Đồng thời, giao Chính phủ quy định quy trình liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân (điều 10) để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Đề nghị quy định thống nhất độ tuổi nhận trẻ mầm non các trường công lập
Giải trình kiến nghị tăng độ tuổi trẻ mầm non lên thành 6, 9 hoặc 12 tháng để phù hợp với thực tiễn, ông Bình cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy trong thực tế, có những trường hợp lao động nữ đi làm khi con mới được 4 tháng tuổi và có nhu cầu gửi con đến cơ sở giáo dục mầm non. Việc quy định của dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý để những cơ sở giáo dục mầm non đủ điều kiện có thể nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, đáp ứng nhu cầu thực tế. Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như quy định hiện hành.
Thảo luận sau đó, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đề nghị cần phải quy định cụ thể độ tuổi nhận trẻ mầm non tại các trường công lập, vì hiện nay, mỗi trường lại có độ tuổi nhận trẻ khác nhau, dẫn đến nhiều bất cập.
|
LÊ HIỆP