11/01/2025

Nguy cơ đột quỵ ở người trẻ

Ở tuổi 16, nữ diễn viên Anh Mya-Lecia Naylor đã qua đời sau một cơn đột quỵ vào ngày 7.4. Số người trẻ tử vong vì đột quỵ đang gia tăng.

 

Nguy cơ đột quỵ ở người trẻ

Ở tuổi 16, nữ diễn viên Anh Mya-Lecia Naylor đã qua đời sau một cơn đột quỵ vào ngày 7.4. Số người trẻ tử vong vì đột quỵ đang gia tăng. 
 
 
 
 
Duy trì thói quen tập thể dục để ngăn ngừa đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa /// ShutterStock

Duy trì thói quen tập thể dục để ngăn ngừa đột quỵ đang ngày càng trẻ hoá  SHUTTERSTOCK

 
Do đó, có lối sống lành mạnh và nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ là rất quan trọng.
 
Theo trang tin Neurologytimes dẫn lời tiến sĩ Andrew N.Wilner, giáo sư thần kinh học tại Đại học Tennessee (Mỹ), cứ mỗi 4 phút có một người ở Mỹ chết vì đột quỵ. Trên thực tế, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 5 ở Mỹ, ảnh hưởng đến hơn 795.000 người mỗi năm.
 

Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi tác, tuy nhiên hiện nay khoảng 30% số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ là dưới 65 tuổi. Đột quỵ ở đối tượng từ 25 – 44 tuổi, được gọi là “đột quỵ ở người trẻ”, chiếm khoảng 10 – 12% tổng số bệnh nhân đột quỵ.

 
Ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ là 13/100.000, theo nghiên cứu được đăng trên chuyên san European Journal of Neurology.
 
Tương tự, trong khi tỷ lệ đột quỵ ở người trên 65 tuổi đã giảm thì nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người trẻ tuổi lại tăng lên.
 
Ngoài ra, tỷ lệ tử vong sau 10 năm ở người trẻ bị đột quỵ cao gấp 10 lần so với dân số nói chung, theo tiến sĩ Wilner. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn đối với những người trẻ bị đột quỵ tái phát.
 
 
Nhận biết một người đang đột quỵ
Theo trang health.harvard.edu, Hiệp hội Đột quỵ quốc gia Mỹ đưa ra nguyên tắc FAST để giúp mọi người nhận biết dấu hiệu đột quỵ.
 
FAST, tức là mặt (face) – tay (arm) – nói (speech) – thời gian (time), tương ứng dấu hiệu méo mặt một bên khi cười, liệt mặt, rối loạn thị giác; không thực hiện được động tác giơ hai cánh tay lên, một bên tay bị yếu, đi không vững; khó nói hoặc nói ngọng; và thời gian vàng cấp cứu, tức trong vòng 3 giờ sau khi phát hiện triệu chứng đột quỵ đầu tiên. Hoặc đơn giản hơn nếu nghi ngờ một người đột quỵ, hãy yêu cầu họ nói tên, mỉm cười, hoặc giơ hai cánh tay lên. Nếu họ không thực hiện được hoặc thực hiện khó khăn, nghĩa là đang bị đột quỵ.

 
Một nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số bệnh nhân trẻ tuổi này không thể trở lại làm việc sau đột quỵ. Các vấn đề như trầm cảm, rối loạn chức năng tình dục, mệt mỏi, đau đớn sau đột quỵ và rối loạn chức năng nhận thức đóng vai trò trong tỷ lệ tử vong cao đối với những bệnh nhân này.

Hành vi nào làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol có liên quan đến đột quỵ và các tình trạng liên quan, chẳng hạn như bệnh tim.

Ngoài ra, nạp quá nhiều muối ăn làm tăng huyết áp.
 
Lười tập thể dục dẫn đến các tình trạng sức khoẻ khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
 
Những tình trạng này bao gồm béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường.
 
Béo phì là mỡ thừa ở cơ thể. Béo phì có liên quan đến nồng độ cholesterol “xấu” và mỡ máu triglyceride cao hơn, trong khi làm giảm mức cholesterol tốt.
 
Béo phì cũng có thể dẫn đến huyết áp cao và bệnh tiểu đường.
 
Uống quá nhiều rượu bia dễ làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ. Chất cồn nhiều cũng làm tăng mức mỡ máu, một dạng chất béo trong máu gây xơ cứng động mạch.
 
Hút thuốc lá gây tổn hại cho tim và mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Chất nicotine trong thuốc lá làm tăng huyết áp và carbon monoxide từ khói thuốc làm giảm lượng khí ô xy mà máu có thể mang theo.
 
Ngay cả khi bạn không “phì phèo”, thì việc hít phải khói thuốc của người khác cũng có thể khiến bạn dễ bị đột quỵ hơn.

5 thói quen phòng ngừa

Một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Circulation cho biết có 5 thói quen lành mạnh giúp giảm 80% nguy cơ bị đột quỵ. Các nhà khoa học thuộc Trường Y tế công cộng Harvard (Mỹ) rút ra kết luận trên sau khi khảo sát ở 43.685 đàn ông có độ tuổi trung bình 54 và 71.243 phụ nữ ở tuổi 50.
 
Nhóm nghiên cứu xác định lối sống giúp giảm đột quỵnhư sau:
 
– Hiện tại không hút thuốc lá.
– Giữ cân nặng ở mức hợp lý, tức có chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 25. Chỉ số BMI từ 25 – 29,9 được coi là thừa cân và chỉ số BMI từ 30 trở lên được coi là béo phì. Nạp không hơn 1.500 – 2.000 calo/ngày.
– Tập thể dục trong 30 phút trở lên mỗi ngày, như đi bộ, chơi golf, quần vợt… Đi cầu thang bộ thay vì thang máy. Nếu không có thời gian tập liên tục 30 phút thì có thể chia ra nhiều đợt tập trong ngày, mỗi đợt kéo dài 10 – 15 phút.
– Một chế độ ăn uống ít chất béo “xấu”, giàu rau củ và trái cây, protein nạc như thịt gà và cá, chất xơ, các loại hạt và đậu. Giảm lượng muối ăn không hơn 1.500 milligram/ngày (chừng nửa muỗng cà phê muối).
Tránh thực phẩm giàu cholesterol như thức ăn nhanh, phô mai và kem. Ăn 4 – 5 chén rau và trái cây/ngày, 2 – 3 lần ăn cá/tuần.
– Hạn chế rượu bia.
 
 
 
NHẤT LINH