“Đường 2 chiều mà đi như đường 1 chiều thì bảo sao không kẹt xe”!
Đường 2 chiều mà chạy lấn đường như đường một chiều, đèn đỏ cũng cố lấn tới, rồi chạy lấn làn,…gây nên những vụ kẹt xe nghiêm trọng, khiến nhiều bạn trẻ tham gia giao thông bức xúc.
“Đường 2 chiều mà đi như đường 1 chiều thì bảo sao không kẹt xe”!
Những vụ kẹt xe nghiêm trọng tại các ngã tư đa phần đều do nhiều người cố ý lấn tới dù đèn đỏ HOA NỮ
“Kẹt xe vì ý thức quá kém”
Một buổi tối trên đường CMT8, Q.3, TP.HCM, một cô bán hàng tạp hóa quát ầm lên vì những hành vi tham gia giao thông thiếu ý thức của nhiều người: “Đường 2 chiều mà đi như đường một chiều thế này thì kẹt cứng luôn làm sao mà đi. Thiếu ý thức cũng vừa vừa thôi chứ”.
Thật ra lúc cô quát ầm lên như thế, cô đang không tham gia giao thông, nhưng vì quá bực mình cho những hành vi vô cùng thiếu ý thức của mọi người, khiến tình trạng kẹt xe càng ngày càng nặng hơn, nên cô bức xúc.
Bạn Hải Anh (cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) đi ngay bên cạnh người viết lúc đó (mà đúng hơn là đứng ngay bên cạnh gần nửa tiếng vì kẹt xe không nhúc nhích được) bức xúc nói: “Chị nhìn đó, không biết mấy người kia ném ý thức vào thùng rác hết hay sao mà có thể hành động như vậy. Ai cũng mong nhanh về nhà, nhưng ý thức chấp hành giao thông một tý thì đâu phải đứng hàng giờ ở đây vì kẹt xe. Đường 2 chiều mà giờ nhìn như đường một chiều thế này thì bảo sao không kẹt xe cho được. Thật bực mình”.
Đường Cách mạng tháng 8 là đường 2 chiều, nhưng những lúc kẹt xe thì như đường một chiều vì những hành vi bất chấp pháp luật và thiếu ý thức của nhiều người HOA NỮ |
Ngay lúc đó, vì phải đứng lâu quá, một chú chống chân chống xe, chạy sang bên phần bên kia đường và cũng gào lên như cô chủ quán tạp hóa kia: “Làm ơn đừng có chen lấn lên nữa. Như thế này làm sao xe đằng trước chạy được. Lớn hết rồi mà sao ý thức thua đứa con nít vậy”.
Thấy chú này quát lên như vậy, Hải Anh thở dài: “Thật tình, kẹt xe mà tức anh ách vì những con người quá kém ý thức này luôn á”.
Trần Thị Hoài Thương (sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng chia sẻ: “Mình gặp những trường hợp như thế này thường xuyên. Đường 2 chiều mà đến lúc kẹt xe là thấy đường thành 1 chiều luôn. Người đi sau thấy kẹt xe lâu quá lại muốn nhanh thoát ra nên làm liều chạy qua phần bên kia đường, thế là xe này nối xe kia và thành ra chắn hết phần đường bên kia và xe của phần đường bên kia không chạy qua được. Thế là kẹt cứng”.
Thương cho biết ngay tại đoạn đường Trần Văn Đang (đoạn giao với đường Cách mạng tháng 8) là thường xuyên xảy ra tình trạng này: “Mình gặp ở đây mấy lần rồi, nhất là buổi sáng, giờ mọi người đi làm, ngay cái đoạn phải đứng chờ tàu qua, mọi người chen lấn, ai cũng muốn lên trước để tàu qua rồi đi cho nhanh. Nên thành ra 2 bên đường (bị ngăn ra bởi tàu) đều đứng kín bít người như đường một chiều. Thế là lúc tàu qua rồi, không xe nào nhúc nhích được vì kẹt cứng hết 2 bên”.
Rồi Thương bức xúc nói: “Không biết những người đó có thấy được cái hại của việc thiếu ý thức của bản thân mình hay không. Nhanh đâu không thấy, vừa vi phạm luật lại vừa làm tình trạng tắt nghẽn càng thêm lâu. Rồi có người đang lấn chiếm qua đoạn đường kia, nhưng bị kẹt lại lâu, trễ giờ đi làm lại la í ới lên, thật không biết xấu hổ mà”.
Cố lấn tới cho được
“Mình thấy khổ nhất là những giờ cao điểm đi làm về đã mệt mà còn gặp những người thiếu ý thức đó nữa. Nhất là ở những điểm dừng đèn đỏ, bao giờ cũng bị kẹt xe nặng nhất. Mà lý do là do đâu, do mấy người thấy đang kẹt xe nên bất chấp đèn đỏ, không còn biết gì đến đèn đang đỏ hay xanh mà cứ cố lấn tới cho được. Thế là bên đèn xanh chưa đi được, do những người bất chấp này mà dẫn đến tắt đường nghiêm trọng thôi. Đúng khổ”, Nguyễn Thị Kim Tuyền (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế) phẩn nộ.
Cùng tâm trạng với Tuyền, Trương Hoài Nguyên (sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) bức xúc nói: “Lâu lâu em mới chạy lên trung tâm lần, mà 10 lần như một, lần nào đến ngã tư của đường Nguyễn Thông với đường Rạch Bùng Binh (Q.3) là cũng chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn ở nơi này. Mà chỉ cần nhìn là thấy được những thành tố thiếu ý thức gây nên kẹt xe nghiêm trọng. Đèn đỏ thì dừng lại đi, thấy bên kia chưa đi được và có khoảng trống nào là bất chấp lấn lên”.
Nhiều người chịu trận kẹt xe nhưng nhiều khi không biết phía trước mình nguyên nhân kẹt xe lại do những hành vi thiếu ý thức HOA NỮ |
Nguyên chia sẻ thêm: “Chưa kể những người mà đụng xe nhau, chẳng ai bị gì mà cứ để nguyên hiện trường như vậy rồi cãi bướng cãi bừa với nhau. Ai cũng cho là mình đúng và người kia sai, bắt phải đền. Mà đền cái gì, đâu có ai bị gì đâu. Không bị gì thì thôi đứng lên đi cho rồi, làm kẹt xe nguyên cả đoạn đường, nhiều khi kẹt xe hàng mấy cây số chỉ vì những chuyện không đâu vào đâu này”.
Hoàng Thị Quỳnh Anh (cựu sinh viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM) cho biết cô nàng rất bức xúc mỗi khi đi ra đường vào những giờ cao điểm. “Kẹt xe vì người đông thì đã đành, còn kẹt xe vì những hành vi thiếu ý thức thật không chấp nhận được. Chiếc xe buýt to đùng thế kia mà chạy lấn sang làn xe máy, chẳng còn lối đi. Nhiều người bất chấp chạy ngược chiều, nhiều khi kẹt xe lại chỉ vì những người chạy ngược chiều này. Thật không thể nói nổi”.
Quỳnh Anh nói: “Thành phố đã đông đúc, mỗi người ý thức một tý thì chắc đã tốt hơn. Đằng này ai cũng muốn được phần mình, muốn cho tiện, cho nhanh. Nhưng nhanh đâu không thấy, tiện đâu không thấy, chỉ thấy kẹt xe và cản trở đường đi người khác. Nhiều khi mình đi đúng luật mà phải chịu trận kẹt xe vô lý vì những người bất chấp luật pháp và thiếu ý thức này”.
HOA NỮ