Nguy cơ bùng phát dịch tại các khu công nghiệp
Việc nhiều người từ các nơi đến làm việc, thay đổi chỗ ở liên tục, không có thời gian tiêm chủng…đang đẩy nguy cơ bùng phát một số loại dịch bệnh tại các khu công nghiệp (KCN) trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Nguy cơ bùng phát dịch tại các khu công nghiệp
Việc nhiều người từ các nơi đến làm việc, thay đổi chỗ ở liên tục, không có thời gian tiêm chủng…đang đẩy nguy cơ bùng phát một số loại dịch bệnh tại các khu công nghiệp (KCN) trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Nhân viên y tế xã An Phước (Long Thành) cùng các bác sĩ Viện Pasteur TP.HCM đi điều tra công tác tiêm chủng tại khu công nhân – Ảnh: Q.ĐỊNH
ThS.BS Hồ Vĩnh Thắng – phó khoa phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, Viện Pasteur (Bộ Y tế) – cho biết kết quả điều tra mới nhất cho thấy hiện tỉ lệ tiêm chủng của nhóm công nhân ở trong các khu nhà trọ chỉ đạt dưới 50%.
Điều đáng lo ngại là các ca dịch sởi bùng phát gần đây ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương chủ yếu tập trung ở các KCN.
Không có thời gian tiêm
Nằm len lỏi quanh các KCN Sóng Thần (Bình Dương), An Phước (Đồng Nai), Khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM)… là hàng trăm khu nhà trọ mọc san sát dành cho công nhân.
Ban ngày, các phòng trọ đều khóa trái cửa, khu trọ vắng tanh bởi công nhân đều ở… trong xưởng, đến tối mịt mới về. Cha mẹ không có thời gian, dẫn đến việc tiêm chủng không đầy đủ các loại văcxin cho trẻ là bình thường.
Xế trưa một ngày cuối tuần, y sĩ Nguyễn Văn Hậu (34 tuổi) cùng một nữ nhân viên Trạm y tế xã An Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai) chạy xe máy ghé khu trọ công nhân ở gần đó nhằm vận động công nhân đưa con đi tiêm chủng. Khu trọ này của ông Hải, có gần chục phòng, đa phần là công nhân đến từ các tỉnh miền Tây.
Khi thấy một số phòng chỉ khép hờ, nhân viên y tế muốn đến hỏi chuyện tiêm chủng thì con trai ông Hải căn dặn: “Các anh nói nhỏ, đừng gõ cửa làm phiền để công nhân họ ngủ. Những người còn ở phòng là mới từ xưởng về chợp mắt sau ca đêm mệt mỏi”.
Ông Hải thì nói: “Tôi có chỉ công nhân ra trạm y tế tiêm chủng trước khi sinh con nhưng không biết tụi nó có ra không. Còn lúc gần sinh đẻ thấy tụi nó về quê sinh hết cả”.
Cách đó 100m là khu trọ của ông Hồ Văn Minh. Cả khu trọ có tới 20 phòng nhưng y sĩ Hậu chỉ may mắn gặp được một gia đình ở nhà, có trẻ nhỏ. Từ ngày con gái lên Đồng Nai làm công nhân, vợ chồng bà Hồ Thị Xuân (quê Đồng Tháp) cũng dắt díu theo con để trông nom cháu nhỏ gần 1 tuổi.
“Tui nhớ lúc sinh đến nay bé được tiêm hai lần ở trạm y tế, các lần đó tôi đều ẵm đi chứ ba mẹ nó bận lắm, không có thời gian nghỉ. Được ngày chủ nhật nghỉ thì trạm y tế không tiêm” – bà Xuân nói.
Còn vợ chồng anh Hoàng Quốc Việt (đều làm công nhân ở KCN Sóng Thần) cho biết đến nay con gái được 6 tuổi nhưng mới chỉ được tiêm hai mũi sởi từ lúc 3 tuổi.
Nghe thông tin về dịch bệnh bùng phát, anh Việt bảo rằng cũng khá lo lắng, nhưng lại lý giải: “Ở đây, gia đình có con nhỏ ai cũng vậy, rất ít cho con đi tiêm phòng. Phần vì làm gần như cả tuần không có ngày nghỉ, phần cũng chưa hiểu được tiêm chủng là thế nào”.
Chị Hoàng Thị Quyên thì cho biết: “Công nhân suốt ngày trong xưởng nên việc được phổ biến tiêm chủng là rất ít. Tôi có đọc trên báo thấy dịch này dịch kia, cũng tính cho con đi tiêm phòng mà loay hoay quên mất”.
Theo chị Quyên, mặc dù nhận được thông tin và đăng ký tiêm chủng nhưng rồi cũng “hên xui” bởi phụ thuộc có người ở nhà hay không, nếu không cũng đành…bỏ.
Tỉ lệ tiêm chủng chỉ đạt dưới 50%
Bà Lê Thị Thủy – phó trưởng Trạm y tế An Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai) – cho biết chỉ tính riêng trên địa bàn xã An Phước có trên 5.000 người tạm trú, chủ yếu là công nhân làm việc trong các KCN.
Năm 2018, địa bàn An Phước được coi là “điểm nóng” bùng phát một số loại dịch bệnh như tay chân miệng (216 ca), sốt xuất huyết (116 ca) và sởi (51 ca).
Và từ đầu năm 2019 đến nay có thêm 10 ca mắc sởi, trong đó phân nửa số ca trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng.
“Đa số các ca bệnh đều ở nơi khác đến, chủ yếu tạm trú ở các khu nhà trọ, còn người dân thường trú rất ít mắc bệnh” – bà Thủy nói, và cho biết hiện nay nguy cơ lớn nhất là đơn vị không thể nắm được số người dân tạm trú có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng bởi biến động liên tục.
ThS.BS Hồ Vĩnh Thắng cho rằng hiện nay các địa phương được đánh giá là “điểm nóng” có thể bùng phát dịch như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Kết quả điều tra mới nhất của cơ quan y tế cho thấy hiện tỉ lệ tiêm chủng của nhóm công nhân ở trong các khu nhà trọ chỉ đạt dưới 50%. Tỉ lệ tiêm 2 mũi sởi không đạt. Nguyên nhân là có sự di biến động dân cư mạnh, giao lưu đi lại của du khách. Đặc biệt, có sự tập trung nhiều KCN, nhà trọ.
Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng so với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc bệnh 8 tuần đầu năm 2019 tăng rất cao.
“Đa phần họ ở trong các khu nhà trọ đông đúc, ở địa phương không được tiêm chủng nên lúc sinh sống trong các nhà trọ, việc tiêm chủng cũng được chăng hay chớ. Mặt khác, họ di cư biến động liên tục nên nguy cơ mất kiểm soát, dịch bệnh lây lan từ vùng này qua vùng khác là rất lớn” – bác sĩ Thắng nói.
Bác sĩ Thắng cũng cho biết trước thực trạng này, Viện Pasteur vừa đề xuất Bộ Y tế, đối với nơi sống tập trung như nhà xưởng, ở những KCN nên được chủng ngừa trước các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu…
Hầu hết các vụ dịch xảy ra đều tập trung ở đối tượng chưa tiêm hoặc chưa rõ tiền sử tiêm chủng. “Trong khi đó, bệnh sởi/rubella lây qua đường hô hấp, tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Đặc biệt, tại những nơi đông người, nếu chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh, nguy cơ lây lan sởi thành dịch trong khu vực rất cao” – bác sĩ Thắng khuyến cáo.
Giấu bệnh để đi làm
Nhân viên y tế xã đến các khu nhà trọ vận động tiêm chủng – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo bác sĩ Thắng, câu hỏi được nhóm điều tra đặt ra cho các công nhân là “tại sao không đưa con đi tiêm chủng?”. Đa số đều trả lời: “Đi làm thường xuyên, không có thời gian nghỉ đưa con đi”.
Một công nhân lý giải về bài toán kinh tế như sau: hiện nay mức lương công nhân trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng (24 ngày). Nhưng nếu làm được 25 ngày, họ được hưởng thêm một khoản tiền chuyên cần từ 800.000 -1.000.000 đồng và tiền công.
“Nếu nghỉ, chúng tôi sẽ mất luôn khoản tiền chuyên cần, cộng thêm tiền công trong ngày đó, tương đương từ 1 – 1,2 triệu đồng. Vì cơm áo gạo tiền mà phải đi làm, đôi khi mắc bệnh cũng cố giấu bệnh để đi làm chứ không dám nghỉ” – công nhân này lý giải.