19/11/2024

Ăn bò tái, cá sống dễ nhiễm sán dải bò, sán dải cá hơn sán lợn

Theo nhiều chuyên gia về bệnh ký sinh trùng, người dân dễ nhiễm sán dải bò, sán dải cá hơn là sán dải lợn (sán lợn). Bởi lẽ, hiện nay, các món bò tái, cá tái hoặc sống rất phổ biến và được nhiều người yêu thích.

 

Ăn bò tái, cá sống dễ nhiễm sán dải bò, sán dải cá hơn sán lợn

Theo nhiều chuyên gia về bệnh ký sinh trùng, người dân dễ nhiễm sán dải bò, sán dải cá hơn là sán dải lợn (sán lợn). Bởi lẽ, hiện nay, các món bò tái, cá tái hoặc sống rất phổ biến và được nhiều người yêu thích.
 
 
 
 
Chu trình phát triển và xâm nhập của sán dải cá vào người /// Ảnh: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh

Chu trình phát triển và xâm nhập của sán dải cá vào người  ẢNH: TRUNG TÂM KIỂM SOÁT VÀ PHÒNG NGỪA DỊCH BỆNH

 

Hốt hoảng khi thấy đốt sán ngọ nguậy trên giường

Buổi sáng, chị T.M.L (35 tuổi) thức dậy và vô cùng hốt hoảng khi thấy trong quần lót có một đốt trắng ngà (cỡ hạt đậu đen) ngọ nguậy. Mấy ngày trước, chị cũng từng phát hiện có đốt trắng ngà như vậy trên giường chỗ mình nằm nhưng không nghĩ nó chui ra từ cơ thể mình.
 
Được biết, kèm theo đó, thời gian qua chị L. còn có triệu chứng hay đau bụng, ăn uống khó tiêu, rối loạn tiêu hoá.
 
Lo lắng, chị tới bệnh viện khám, cùng cầm theo mẫu vật lạ.
Tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM, qua thăm khám cho bệnh nhân và soi mẫu vật, bác sĩ nhận thấy đốt trắng ngà đó là đốt sán dải bò. Chị L. được chẩn đoán nhiễm sán dải bò.
 
Bệnh nhân đã được cho uống thuốc và xổ ra con sán dải bò dài hơn 5 mét.
Đây không phải là trường hợp hiếm bệnh nhân bị nhiễm sán dải bò. Nhiều trường hợp bệnh sán dải bò và sán dải cá đã được phát hiện khi bệnh nhân đến khám tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Thường ăn đồ tái, sống, coi chừng nhiễm sán

Theo giáo sư Trần Thị Kim Dung, chuyên gia về bệnh ký sinh trùng, hiện nay, người dân dễ nhiễm sán dải bò, sán dải cá và số trường hợp ghi nhận bệnh này cũng nhiều hơn sán dải lợn (sán lợn).
 
Bệnh nhân bị nhiễm sán dải do thói quen ăn đồ tái, sống. Các món bò tái, cá tái, cá sống hiện rất phổ biến và là món khoái khẩu của nhiều người.
 
Sán dải bò, dải heo và dải cá là những loại sán lớn, con trưởng thành đều ký sinh ở ruột non của người, có thể dài đến hơn 10 mét, với hàng ngàn đốt sán.
 
“Đốt sán dải lợn khi già thì thụ động, chỉ được tống ra ngoài theo phân. Còn đốt sán dải bò thì lại có khả năng tự chui ra khỏi hậu môn. Vì thế, người bị nhiễm sán dải bò thường phát hiện đốt sán ngọ nguậy trong quần lót hoặc trên giường”, giáo sư Dung cho biết.
 
Theo giáo sư Dung, sán dải bò chỉ phát triển thành con sán trưởng thành và ký sinh ở ruột người, chứ ấu trùng sán dải bò không ký sinh ở các mô cơ, da, mắt, não.
 
Người bị nhiễm sán dải bò trong ruột thường có triệu chứng buồn nôn, đau vùng thượng vị, tiêu chảy từng đợt, ăn không ngon miệng hoặc ngược lại có khi đói cồn cào, ăn nhiều nhưng sụt cân.
 
Về sán dải cá, theo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM, đây là sán dài nhất ký sinh ở người, dài trung bình từ 3-10 mét, có khi dài đến 20 mét, có đến 3.000-4.000 đốt.
 
Ấu trùng sán dải cá ký sinh trong mô, thịt cá và “nằm chờ”.
 
Khi người ăn thịt cá sống, tái có nhiễm ấu trùng sán dải cá, vào ruột non, ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành.
 
Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM, khuyến cáo: Đa phần bệnh nhân bị sán dải cá thường không có triệu chứng khi nhiễm ít. Khi nhiễm nhiều bệnh sẽ có triệu chứng rõ ràng hơn như bị đau bụng, rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi, liệt chi,… và có thể dẫn đến những biến chứng nặng như tắc ruột, ói mửa ra nhiều thước sán làm nghẹt thở, đôi khi gây trụy tim mạch.
 
Bệnh sán dải cá cũng gây ra hội chứng thiếu máu do thiếu hụt vitamin B12.
 
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên ăn uống thực phẩm nấu chín, đảm bảo an toàn vệ sinh; khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm sán nên đến bệnh viện khám để được chẩn đoán, điều trị đúng.
 
 
NGUYÊN MI