Việc TP.HCM có ý tưởng và tiến tới đẩy mạnh hợp tác, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, an toàn trật tự… đã thu hút sự quan tâm của người dân, chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Tiến sâu vào ngành y
Những năm gần đây, y tế là ngành ứng dụng AI trong điều trị những bệnh lý khó như ung thư, thần kinh… Tại TP.HCM, từ năm 2016 Bệnh viện (BV) Bình Dân triển khai ứng dụng robot mổ trên người lớn. Một năm sau, ngày 23.10.2017, BV Chợ Rẫy tiếp tục ứng dụng robot. Robot phẫu thuật tại BV Bình Dân và BV Chợ Rẫy là hệ thống robot Da Vinci do Mỹ sản xuất, có 4 cánh tay, quay 540 độ và di chuyển tự do ở 6 góc độ, vận động tinh vi, nhờ đó có khả năng phẫu thuật ở những vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận, điều mà bàn tay bác sĩ khó thực hiện được.
Trung tâm tích hợp camera của TP.HCM ngoài chức năng hỗ trợ điều tiết giao thông, còn có thể xử lý nâng cao tính năng nhận dạng khuôn mặt, hành vi người đi đường, phân tích biển số xe… ẢNH: TIỂU THIÊN
|
Đến năm 2018, BV Ung bướu TP.HCM ứng dụng phần mềm AI trong tư vấn và hỗ trợ bác sĩ trong lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư. AI dựa trên nền tảng “Bigdata”, cụ thể là dựa trên 1,5 triệu bệnh án, hệ thống cập nhật dữ liệu theo thời gian 1 tháng/lần. Điều này sẽ giúp cho việc điều trị chính xác, khách quan, không lạc hậu.
|
|
|
Chính quyền và người dân đều được hưởng lợi từ AI. Bởi AI tạo ra minh bạch, văn minh, hiệu quả từ tự động hóa, đặc biệt loại bỏ yếu tố con người lạm quyền, nhũng nhiễu
|
|
|
TS Ngô Quốc Hưng (Công ty Ainovation)
|
|
|
Ngày 15.2 vừa qua, BV Nhân dân 115 TP.HCM thực hiện thành công ca phẫu thuật u não bằng robot thần kinh Modus V Synaptive do Canada sản xuất, và là đơn vị đầu tiên ở châu Á ứng dụng loại robot này trong phẫu thuật thần kinh. Thay vì nhìn vào kính hiển vi thao tác trên bệnh nhân, giờ đây các bác sĩ chỉ nhìn vào màn hình để bóc tách khi phẫu thuật. Phần mềm AI trong robot có thể phân biệt được các bó dẫn truyền (cảm giác, ngôn ngữ, thị giác…) của thần kinh ở trong não người bệnh, từ đó giải thích, mô tả được triệu chứng tổn thương trước mổ hoặc gợi ý đường vào tốt nhất để tránh gây tổn thương các bó truyền dẫn cho bệnh nhân.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, xu thế tại TP là phải áp dụng AI trong y tế. Sở Y tế đã yêu cầu các BV lấy nguyên lý AI làm nên những ứng dụng nhỏ trước. Như tại BV Nhi đồng 1, bác sĩ chẩn đoán bệnh, kê toa thì phần mềm tự động báo trước đó đã có bao nhiêu phần trăm bác sĩ cho toa như vậy. Nếu tỷ lệ cho thấp thì phải xem lại… “Ngành y tế TP rất mong ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, phối hợp xây dựng nên phần mềm AI ứng dụng trong y tế của VN”, ông Thượng nói.
Nhiều lợi ích cho dân sinh, quản lý
Từng tham gia nhiều dự án liên quan đến AI trong và ngoài nước, TS Ngô Tấn Vũ Khanh, giảng viên môn AI ở Khoa Công nghệ thông tin (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) kể về câu chuyện một nhóm chuyên gia AI xây dựng hệ thống camera giám sát cho hệ thống cửa hàng trái cây, rau củ quả ở TP.HCM. Theo đó, khi rau quả bị thối hay hư hỏng, hệ thống camera sẽ “nhận diện” và báo về cho người chủ cửa hàng để có phương án thay thế. Camera cũng giúp nhân viên chuyên tâm vào việc bán hàng, phát triển hệ thống, thay vì vất vả trong khâu kiểm tra, giám sát chất lượng hàng.
TS Ngô Quốc Hưng, Trưởng nhóm nghiên cứu về AI (Công ty Ainovation), nhận định AI là một công cụ bổ trợ về mặt trí tuệ vô cùng hiệu quả cho con người: AI có thể hiểu được ngôn ngữ, chữ viết, âm thanh, hình ảnh, sắc thái… cộng với khả năng siêu tính toán và làm việc mọi lúc, mọi nơi. “Nếu áp dụng, cả chính quyền và người dân đều được hưởng lợi từ AI. Bởi AI tạo ra minh bạch, văn minh, hiệu quả từ tự động hoá, đặc biệt loại bỏ yếu tố con người lạm quyền, nhũng nhiễu”, ông Hưng nói.
GS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cấp cao về toán, chuyên gia hơn 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về AI và khoa học dữ liệu, đưa ra những lợi ích khi TP.HCM ứng dụng AI. Theo đó, trong dịch vụ hành chính công, công cụ AI giống như trợ lý ảo hỗ trợ người dùng các dịch vụ công (hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ hoàn thiện các mẫu đơn trực tuyến hay tại bộ phận hành chính một cửa…). Thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về người dùng dịch vụ công trực tiếp và trực tuyến; khai thác phân tích dữ liệu; cá nhân hóa các dịch vụ và hành chính công cho người dân.
Trong giao thông, ứng dụng AI thông qua giải pháp dữ liệu camera và giám sát hành trình GPS giúp tính được mật độ, tốc độ, lưu lượng, từ đó mô phỏng dữ liệu đưa ra bản đồ số giao thông với các kịch bản tự động điều tiết giao thông; nhận dạng mặt người, biển số xe…, chuyển phạt nóng qua phạt nguội, giảm tai nạn giao thông.
Trong y tế, AI giúp xây dựng hạ tầng số y tế, triển khai bệnh án điện tử tại BV; kết nối bệnh án điện tử giữa các BV để tạo cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khoẻ điện tử; rút ngắn thời gian, thủ tục khám chữa bệnh.
Cần thu hút nhân tài
Về việc ứng dụng AI ở TP.HCM, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông (TT-TT), cho hay TP đang thực hiện 7 chương trình đột phá liên quan đến giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, cải cách hành chính… Do đó cần phải nhanh chóng ứng dụng AI trong những lĩnh vực này để đẩy nhanh 7 chương trình đột phá. Về lĩnh vực áp dụng AI do Sở TT-TT đảm trách, ông Cường cho biết khi triển khai trung tâm tích hợp camera của TP, ngoài chức năng điều tiết giao thông, camera sẽ có khả năng xử lý nâng cao khuôn mặt, phân tích hành vi của người đi đường, biển số xe… gửi về trung tâm.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Bình Dân ẢNH: DUY TÍNH
|
“Ngoài ra, về cải cách hành chính, Sở xây dựng cổng giao tiếp với người dân qua hệ thống 1022 sẽ có ứng dụng AI để có thể tự động tiếp nhận, phân loại và trả lời thông tin cho người dân phản ánh. Nếu chúng ta càng triển khai nhiều ứng dụng AI mang lại hiệu quả sẽ càng thu hút đông người dùng”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, mới đây TP.HCM công bố triển khai 4 trung tâm thuộc Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Bốn trung tâm gồm: Kho dữ liệu dùng chung và triển khai hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội; Trung tâm an toàn thông tin. Đây cũng là bước để dần triển khai ứng dụng AI ở TP.HCM nhiều hơn, đem lại nhiều tiện ích về quản lý cũng như lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Tại hội thảo về nghiên cứu, ứng dụng AI ở TP.HCM giai đoạn 2019 – 2025 diễn ra ngày 20.3, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP.HCM có điều kiện về nguồn nhân lực, quy mô kinh tế để cùng cả nước hình thành một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng về AI. TP đã hình thành bước đầu các cơ sở nghiên cứu về AI.
Theo PGS-TS Thoại Nam, Khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), vấn đề quan trọng trong việc ứng dụng AI là xây dựng đội ngũ tạo ra những giá trị mà AI đem lại. Trong cuộc đua này, TP.HCM cần có những người giỏi để phát triển nền tảng AI từ đây đến giai đoạn 2025. Đó cũng chính là thách thức mà TP.HCM sẽ phải đối mặt, bởi hiện tại việc tìm kiếm người giỏi trong AI không dễ dàng. Do đó ngay từ bây giờ TP.HCMcần có những chương trình, phòng thí nghiệm tạo điều kiện cho những startup (khởi nghiệp) vào cuộc liên quan đến lĩnh vực AI.
TRUNG HIẾU – DUY TÍNH