Nghĩa bóng của một lớp thành ngữ nghe có vẻ vô lý, ngược đời
Nhiều thành ngữ tiếng Việt nghe vô lý, có vẻ ngược đời.
Nghĩa bóng của một lớp thành ngữ nghe có vẻ vô lý, ngược đời
Nhiều thành ngữ tiếng Việt nghe vô lý, có vẻ ngược đời.
Lớp thành ngữ dưới đây thuộc loại đó: nằm gai nếm mật; ăn bờ ở bụi; màn trời chiếu đất; tai bay vạ gió; bầm gan tím ruột; ăn xổi ở thì; cao chạy xa bay; đầu trâu mặt ngựa; mẹ tròn con vuông; con ông cháu cha; mình đồng da sắt; thượng cẳng chân hạ cẳng tay…
Trong thành ngữ “nằm gai nếm mật” thì mật là mật đắng. Tôi chia sẻ quan điểm này của tác giả Trường Lân. Có thể nhận ra nghĩa nếm mật là nếm mật đắng này nhờ vào quy luật hình thành nghĩa biểu trưng (còn gọi là nghĩa bóng) của lớp thành ngữ trên.
Cấu trúc AaBb
Về hình thức những thành ngữ trên đều có cấu trúc AaBb, và đều có thể phân thành hai cặp (A,B) và (a,b). Trật tự của chúng không quan trọng.
Hai yếu tố trong mỗi cặp giống nhau về một phương diện nào đó, thuộc cùng một phạm trù ngữ nghĩa nào đó, nên dùng để biểu trưng được. Chẳng hạn,
cao chạy xa bay (chạy, bay) + (cao, xa)
mình đồng da sắt (mình, da) + (đồng, sắt)
bầm gan tím ruột (gan, ruột) + (bầm, tím)
con ông cháu cha (con, cháu) + (ông, cha)
màn trời chiếu đất (màn, chiếu) + (trời, đất)
nằm gai nếm mật (nằm, nếm) + (gai, mật)
Cách hình thành nghĩa biểu trưng của thành ngữ
Nghĩa biểu trưng của thành ngữ, cũng thường gọi là nghĩa bóng. Đó là cách lấy những từ ngữ cụ thể thường ngày, quanh ta để nói lên những điều khái quát.
Trong thành ngữ cao chạy xa bay, cặp (chạy, bay) biểu trưng cho sự trốn chạy. Cái gì càng cao càng xa càng khó thấy. Tới một mức nào đó không thấy được nữa, nghĩa là biệt tăm.
Do vậy (cao, xa) biểu trưng cho sự biệt tăm. Chỉ cần cộng hai nghĩa biểu trưng này lại là chúng ta có được nghĩa của thành ngữ cao chạy xa bay (chạy, bay) + (cao, xa) sự trốn chạy biệt tăm.
Do trật tự kết hợp của các yếu tố trong lớp thành ngữ này không quan trọng nên những cách nói khác như xa bay cao chạy, cao bay xa chạy cũng đều có nghĩa như vậy.
Trong bài viết “Cái bụng chứa… tinh thần” cho mục Tiếng nước tôi (Tuổi Trẻ ngày 26-1-2010), tôi có viết đại để là người Việt dùng lục phủ ngũ tạng tim, gan, lòng, ruột, phổi để biểu trưng cho sự suy nghĩ, cho tâm tư, cho tinh thần.
Vậy thì trong thành ngữ bầm gan tím ruột, cặp (gan, ruột) biểu trưng cho nỗi lòng, còn bầm, tím là hai màu tối rất mạnh nên cặp (bầm, tím) biểu trưng cho sự căm tức đến cùng cực. Do vậy: bầm gan tím ruột (gan, ruột) + (bầm, tím) nỗi lòng căm tức đến cùng cực.
Trong thành ngữ mình đồng da sắt thì mình, da là những bộ phận bên ngoài nhìn thấy được của con người nên cặp (mình, da) biểu trưng cho thể chất con người, còn đồng, sắt là hai kim loại vô cùng cứng rắn nên cặp (đồng, sắt) biểu trưng cho sức mạnh thể chất sắt thép tên bắn không xuyên thủng, lửa nung không chảy.
Do vậy, mình đồng da sắt (mình, da) + (đồng, sắt) con người có thể chất sắt thép, tức là siêu nhân.
Những biến thể của thành ngữ
Do thành ngữ AaBb dùng hai cặp (A,B) và (a,b) để hình thành nghĩa biểu trưng, mà những yếu tố A, B, a, b là những từ cụ thể nên dễ dàng tạo ra những thành ngữ có cặp từ na ná như vậy cho thích hợp với tình huống cụ thể mà nghĩa của thành ngữ không thay đổi.
Cuộc sống là ăn uống, áo xống, giường chiếu, ngủ nghê… nên những từ ngữ nào nói về cái ăn, thức uống, nơi ngủ đều có thể biểu trưng cho cuộc sống vì chúng na ná như nhau. Có hàng loạt thành ngữ nói về cuộc sống khổ cực vất vả: ăn gió nằm sương, ăn bờ ngủ bụi, ăn bờ ở bụi, màn trời chiếu đất…
“Xiết bao ăn tuyết nằm sương, Màn trời chiếu đất dặm trường lao đao” (Nguyễn Đình Chiểu, truyện Lục Vân Tiên).
Nguyên bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ trong một lần thăm người dân miền Trung bị bão lụt nặng nề đã nói cần khắc phục ngay tình trạng màn trời chiếu nước của người dân. Vậy là ông đã vận dụng rất hay thành ngữ màn trời chiếu đất vào một tình huống cụ thể.