Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT, cho rằng nếu làm tốt việc kêu gọi học sinh dùng xong sách giáo khoa tặng lại cho thư viện nhà trường thì giải quyết được đồng thời nhiều vấn đề, bao gồm việc khuyến khích người học dùng sách giáo khoa mượn, giảm lãng phí xã hội.
Điều này dự kiến sẽ bắt đầu khi thực hiện chương trình – sách giáo khoa (SGK) mới.
Sẽ tái lập kho SGK trong trường cho HS mượn
Ông Phạm Hùng Anh cho biết hiện nay Bộ GD-ĐT đang giao Cục Cơ sở vật chất chủ trì xây dựng dự thảo đề án củng cố, nâng cao chất lượng thư viện trường phổ thông. Nội dung dự thảo dự kiến sẽ “quét” hết các vấn đề cần phải giải quyết trong công tác thư viện trường học hiện nay, trong đó quan trọng nhất là đưa ra được mô hình quản lý thư viện trường học. Dự thảo cũng sẽ đưa việc quản lý nhà nước thư viện trường học về một đầu mối, các đơn vị khác sẽ có vai trò phối hợp thực hiện các nội dung liên quan.
Mục tiêu của dự thảo đề án là tạo ra được định hướng cho các cơ sở giáo dục, các phòng, các sở giáo dục chỉ đạo thực hiện. Kinh phí hoạt động của thư viện là tập trung vào xã hội hóa. Ví dụ, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các cựu học sinh (HS) có các hoạt động đóng góp cho thư viện, chẳng hạn như tặng sách (trong đó có SGK) làm giàu kho học liệu cho nhà trường. Dự kiến cuối năm nay Cục sẽ hoàn thành dự thảo đề án, trình Bộ phê duyệt. Trên cơ sở đề án, sẽ sửa đổi Quyết định 01 (được ban hành năm 2004) quy định về tiêu chuẩn của thư viện cho sát với tình hình thực tiễn hiện nay.
Thư viện nhà trường cần trang bị SGK cho học sinh dùng chung để tránh lãng phí ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
|
Trước đây các trường học đều có kho SGK dồi dào số lượng, đủ để tất cả HS mượn, do đó giảm được áp lực phải mua SGK cho mỗi gia đình có con đi học. Theo ông, có cần đưa vào dự thảo đề án chủ trương thư viện trường học cần phải tái lập kho SGK, để HS được mượn SGK?
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo đề án là tạo ra được cơ chế thu hút học liệu cho thư viện trường học mà trong đó khuyến khích HS tham gia tặng sách cho nhà trường thông qua thư viện, như SGK (bao gồm sách đã qua sử dụng), sách học thêm, tài liệu… Khi chúng ta khuyến khích HS tặng SGK đã qua sử dụng cho nhà trường nghĩa là chúng ta cũng khuyến khích HS có ý thức giữ gìn SGK. Việc này mà làm tốt, chỉ sau một vài năm thì kho SGK trong nhà trường sẽ trở nên dồi dào, để những HS nào có nhu cầu mượn SGK thì thư viện nhà trường sẽ đáp ứng được. Sau 3 – 4 năm thì nhà trường không chỉ có đủ SGK cả cấp học mà còn có số lượng SGK lớn, đủ để cho bất kỳ HS nào có nhu cầu mượn. Nếu nhà trường tổ chức được hoạt động quyên góp, thu gom SGK cũ rồi cho HS mượn SGK để học là rất tốt, nó giảm áp lực mua SGK của người dân, giảm chi phí của xã hội vào việc mua mới một lượng SGK lớn hằng năm như hiện nay.
Trông chờ vào nguồn “xã hội hoá”
Có ý kiến đề xuất sắp tới ngay trong năm đầu tiên thay sách, Bộ GD-ĐT đề xuất nhà nước đầu tư để trang bị phần nào cho các thư viện trường học, để các trường có thể cho một số HS được mượn SGK ngay trong năm đầu tiên vì phong trào tặng sách cũ chỉ có thể thực hiện sau đó ít nhất 1 năm?
Hiện nay nhà nước đã có chính sách cấp phát SGK cho đối tượng HS được ưu tiên. Ngoài diện này các em phải tự mua SGK. Nếu giờ thư viện trường học trang bị chỉ được 1/3 số sách, nghĩa là 1/3 số em được mượn, 2/3 còn lại thì không được, tôi e là sẽ tạo sự không công bằng trong số những HS không thuộc diện được nhà nước ưu tiên tặng sách.
Cho nên chi phí mua SGK trong những năm đầu vẫn phải trông chờ vào nguồn xã hội hoá. Hết năm học đầu tiên thay sách, HS đã có thể có sách cũ để mượn nếu ta làm tốt việc kêu gọi HS tặng lại SGK mà các em vừa học xong cho nhà trường. Việc này như tôi đã nói ở trên, không chỉ để làm giàu thêm kho sách trong thư viện mà còn tác động rất lớn vào ý thức tiết kiệm, giữ gìn SGK của HS. Nếu thay đổi được như thế thì tôi tin sẽ vừa tạo những tác động tốt vào việc tổ chức hoạt động của thư viện trường học, vừa giảm lãng phí cho xã hội.
Không kêu gọi đóng góp “cào bằng”
Hiện nay người dân rất dị ứng với hình thức xã hội hóa mang tính cào bằng. Nên chăng kêu gọi các nhà tài trợ tập trung cho mục tiêu trang bị SGK dùng chung cho nhà trường?
Hiện tại mình không kêu gọi mà mỗi phụ huynh đã bỏ tiền ra mua SGK cho con rồi. Vấn đề “xã hội hóa” đặt ra trong dự thảo đề án này là sau khi họ đã mua mình sẽ có phương án sử dụng lại cho lớp tiếp theo, chứ không để phụ huynh, HS bỏ sách đó đi, gây lãng phí xã hội mà lại không giáo dục được HS ý thức tiết kiệm, thái độ quý trọng, giữ gìn sách. Nếu chúng ta làm tốt việc kêu gọi HS tặng sách cho nhà trường, từ đó nhà trường tổ chức tốt việc cho phụ huynh mượn sách, thì những năm sau nhu cầu mua SGK mới trong phụ huynh chắc chắn giảm xuống.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay chúng tôi cũng chưa dám đặt ra nhiều tham vọng. Phương châm của chúng tôi là sẽ giúp các trường học làm tốt dần dần công tác thư viện. Tín hiệu khả quan là hiện có rất nhiều nhà tài trợ cũng quan tâm tới mảng hoạt động này bằng cách hỗ trợ thư viện trường học ở nhiều nơi. Vì thế, trong quá trình xây dựng dự thảo đề án, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục lắng nghe để tìm giải pháp tạo ra cơ chế, tạo ra được tính chủ động của nhà trường trong việc kêu gọi các nhà tài trợ, các cựu HS đóng góp cho thư viện trường học, trong đó có việc làm giàu kho SGK. Chúng tôi mong muốn dư luận xã hội hiến kế, làm sao có các giải pháp thực chất, kêu gọi xã hội hóa một cách thực chất.
Cách làm của các nước
Ở Trung Quốc, từ năm 2008, Bộ Giáo dục nước này cho phép dùng lại SGK trong các trường tiểu học và THCS ở vùng nông thôn, theo tờ China Daily. Chính phủ cấp ngân sách mua SGK và phát miễn phí cho HS. Sau đó, các em được yêu cầu giữ gìn SGK để HS lớp sau có thể sử dụng lại.
Bộ Giáo dục Bahrain đưa ra sáng kiến HS được yêu cầu trả lại SGK sau khi hoàn thành năm học để HS lớp sau có thể dùng, theo trang Ecomena.org. Những sách không thể dùng lại sẽ được tái chế.
Tại Mỹ, hơn 40 bang có điều lệ cấp SGK miễn phí cho HS nhưng thường tính phí đối với những SGK bị hư hỏng hoặc mất do bất cẩn, theo trang Ecs.org. Nhiều bang không thu tiền đối với HS không đủ khả năng mua sách. Trong khi đó có những bang cho HS mượn SGK như Connecticut, Iowa, Mississippi, Missouri, Nebraska, Nevada, New Hampshire, New Jersey, New York, Nam Dakota và Wyoming. Một số bang khác cho thuê SGK, như Nam Carolina, Colorado và Arizona.
Văn Khoa
|
Đầu tư vào đội ngũ giáo viên thay vì SGK
Từng là một giáo viên được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu, bà Tô Thụy Diễm Quyên (TP.HCM) cho hay ở nước ngoài, người dân không mua SGK. HS dùng xong để lại thư viện cho người khác dùng dù đất nước họ rất giàu có. “Không có chuyện SGK mua mười đồng bán ve chai một xu như ở VN”, bà Quyên nói.
Theo bà Quyên, mục tiêu của thế kỷ 21 thì kiến thức chỉ là kênh để hình thành ra kỹ năng. Kiến thức sẽ lạc hậu theo thời gian. Khi soạn xong một bộ SGK và in ra thì lượng lớn kiến thức trong đó đã lạc hậu.
“Trước đây, có người nói một bộ SGK có tuổi thọ 10 năm. Nhưng bây giờ nói câu đó thì thấy nó không hợp lý nữa. Do đó, các nước tiên tiến hiện nay không đổ tiền vào làm SGK. Họ để cho tư nhân làm, không cần dùng tiền của nhà nước. Đổ vào đó một số tiền rất lớn mà nó chỉ có giá trị trong 2 – 3 năm thì đó là một đầu tư không khôn ngoan. Nên đầu tư số tiền đó vào phát triển đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải biết tiếng Anh, phải tra cứu tài liệu”, bà Quyên nhấn mạnh.
Lê Duy
|
QUÝ HIÊN