23/12/2024

Mỗi môn học sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa

Lần đầu tiên cả đại diện cơ quan soạn thảo lẫn cơ quan thẩm tra có giải trình rõ ràng về chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi.

 

Mỗi môn học sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa

Lần đầu tiên cả đại diện cơ quan soạn thảo lẫn cơ quan thẩm tra có giải trình rõ ràng về chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi.

 
 
 
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình giải trình tại phiên họp ngày 12.3 /// GIA HÂN

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình giải trình tại phiên họp ngày 12.3  GIA HÂN

 

Nhiều bộ sách giáo khoa sẽ phức tạp?

Tại phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) sáng 12.3 cho ý kiến về luật Giáo dục sửa đổi, việc có một hay nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) vẫn là vấn đề được quan tâm lớn nhất.
 
Nhấn mạnh SGK là vấn đề mình băn khoăn nhất, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự thảo luật đã bám sát Nghị quyết 88 năm 2014 của QH nhưng “liệu có phù hợp với thực tế không?”.
 

Dẫn dự thảo luật Giáo dục, quy định Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện biên soạn một bộ SGK và bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn; còn các trường sẽ lựa chọn SGK sau khi tham khảo ý kiến của phụ huynh, cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, bà Ngân cho rằng quy định như vậy quá phức tạp. “Làm sao cha mẹ học sinh biết nên chọn sách này mà không chọn sách kia? Rồi lại có xu hướng “chạy” để bộ sách của mình được sử dụng ở trường này, tỉnh kia. Và như vậy có lãng phí không khi Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách nhưng các trường lại không chọn?”, bà Ngân nói.

 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Hà Ngọc Chiến cho rằng nếu như tiểu học tới THPT đều có nhiều SGK cho mỗi môn thì sẽ lãng phí và không đảm bảo tính định hướng, nhất là cấp tiểu học.
 
Trong khi đó, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu thì cho rằng mặc dù Nghị quyết 88 quy định như vậy nhưng từ khi ban hành đến nay, chúng ta chưa có nhiều bộ sách để có thể áp dụng như quy định tại nghị quyết. Từ đó, ông Lưu đề nghị cần có một bộ sách chung, thống nhất ở tầm quốc gia; còn sách tham khảo về môn học thì có thể để nhiều người tham gia biên soạn. “Nghị quyết 88 là do QH quyết. Do đó, QH cũng có quyền quyết định khác những vấn đề mà trước đây QH đã quyết”, ông Lưu nói thêm.

Bộ trưởng GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng SGK

 
 
Điều 31, dự thảo luật Giáo dục sửa đổi quy định: Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.
 
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng cấp tỉnh thẩm định và được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, SGK.

 

Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho biết việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 29 của T.Ư lần này có nhiều thay đổi trong cách dạy, cách học khi chuyển từ giảng dạy kiến thức sang đào tạo năng lực, phẩm chất.

“Trong lần đổi mới này, quan trọng nhất là chương trình giáo dục phổ thông có tính chất pháp lệnh, còn SGK chỉ là công cụ, tài liệu phục vụ trong giảng dạy chứ không phải là tài liệu bắt buộc, duy nhất”, ông Bình nói và cho biết Bộ GD-ĐT có trách nhiệm ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước, bao gồm chương trình tổng thể và chương trình môn học làm cơ sở để các cá nhân, tổ chức biên soạn SGK.
 
“SGK không quyết định chương trình giáo dục phổ thông mà chỉ cụ thể hoá chương trình”, ông Bình cho biết.
 
Ông Bình cũng nói thêm theo quy định của dự thảo thì các bộ SGK phải đủ chuẩn và được hội đồng quốc gia thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định ban hành mới được đưa vào sử dụng. Dự thảo luật cũng quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chương trình giáo dục phổ thông và chất lượng SGK, đồng thời sẽ có hướng dẫn cụ thể việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục.
 
Cùng nội dung giải trình nêu trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh dù ai biên soạn SGK thì đều phải qua hội đồng quốc gia thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt mới được sử dụng nên tất cả các bộ SGK đều chính thống và ở tầm quốc gia.
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thì cho biết hiện nay Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn những người tham gia viết SGK, quy trình thẩm định SGK, đồng thời đang soạn thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong các trường chứ không phải “ai thích chọn thế nào thì chọn”.
 
Phát biểu sau đó, cả Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lẫn Phó chủ tịch thường trực Tòng Thị Phóng chủ trì phiên thảo luận đều khẳng định việc giải trình của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra là khá rõ ràng, đồng thời thống nhất sau phiên họp sẽ tiếp thu, chỉnh lý để trình ra hội nghị đại biểu QH chuyên trách vào đầu tháng 4 tới để lấy ý kiến trước khi trình ra kỳ họp thứ 7 của QH.
 
 
 
LÊ HIỆP