27/12/2024

Phân luồng sau THCS thất bại, vì đâu?

Chính sách phân luồng được xác định quan trọng từ nhiều năm qua, nhưng việc thực hiện không đạt được kết quả như ý. TS Hoàng Ngọc Vinh – phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, nhìn nhận: thất bại.

 

Phân luồng sau THCS thất bại, vì đâu?

Chính sách phân luồng được xác định quan trọng từ nhiều năm qua, nhưng việc thực hiện không đạt được kết quả như ý. TS Hoàng Ngọc Vinh – phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, nhìn nhận: thất bại.
 
 
 

Phân luồng sau THCS thất bại, vì đâu? - Ảnh 1.

Học sinh thiết kế thành phố mơ ước trong một hoạt động trải nghiệm của Trường THCS & THPT liên cấp Olympia Hà Nội – Ảnh: THANH PHÚC

Cụ thể, ông Vinh nhận xét: trong gần 20 năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã không đạt được mục tiêu đặt ra trong các chiến lược phát triển giáo dục là 15% học sinh tốt nghiệp THCS vào học ở các cơ sở dạy nghề và TCCN – nếu không muốn nói là thất bại.

Cần lưu ý việc GDNN ở trình độ trung học vẫn có vai trò lớn trong đảm bảo cơ cấu trình độ nhân lực của một xã hội công nghiệp. Tỉ lệ này ở châu Âu vào khoảng 47% vào năm 2020. Ở VN chắc đến năm 2030 không biết có đạt đến trình độ phát triển như châu Âu hiện nay hay không, các nhà làm chính sách cần tính toán cẩn thận.

TS Hoàng Ngọc Vinh

Phân luồng sau THCS thất bại, vì đâu? - Ảnh 3.

TS Hoàng Ngọc Vinh

* Nguyên nhân đến từ đâu, thưa ông?

– Trước hết, chính quan niệm phân luồng nhiều khi vẫn chỉ hướng đến bằng cấp (bằng trung cấp, bằng CĐ), mà chưa hướng đến mục tiêu cuối cùng là kỹ năng nghề nghiệp và việc làm.

Đáng lẽ việc người tốt nghiệp THCS có thể tham gia các khóa học mềm dẻo, linh hoạt, ngắn hạn, dài hạn để có kỹ năng thị trường lao động và có việc làm (có thể học ngay tại nơi sản xuất) cũng phải tính vào mục tiêu phân luồng. Khi đó sẽ có cách nhìn bao quát hơn để làm chính sách.

Chưa kể, hệ thống có sự quản lý chồng chéo nhiều năm dẫn đến sự lãng phí nguồn lực đầu tư vì dàn trải, thiếu quy hoạch hệ thống và hợp tác. Khả năng điều phối chung về quy hoạch trên phạm vi quốc gia và các địa phương với ba dòng chảy chính là THPT, GDNN và giáo dục đại học cũng rất hạn chế.

Điều này liên quan đến công tác dự báo quốc gia về xu hướng nhu cầu thị trường lao động trong 10-15 năm để hình thành mô hình đào tạo nghề cũng như xác định các mục tiêu cho mỗi hệ thống con nói trên.

* Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng bản thân các trường nghề chưa chịu “lột xác” nên không thuyết phục được người học?

– Đúng là sự hấp dẫn của các cơ sở GDNN mà ở đó chất lượng đào tạo là tiêu chí hàng đầu để thu hút người học thì chúng ta chưa đạt được. Đào tạo nặng về bên cung. Thêm nữa, đầu ra ở thị trường lao động sẽ là yếu tố quan trọng để người học quyết định học nghề hay học đại học thì trừ một số nghề, còn lại nhu cầu đáp ứng cho doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thật sự có nhu cầu cao.

 

Một vấn đề đáng lo nữa là chính sách phát triển giáo dục đại học, cơ chế tài chính và luật pháp chưa hoàn thiện khiến cho việc phân luồng vào GDNN đang bị cản trở. Quy định về liên thông GDNN với hệ thống giáo dục đào tạo thiếu mềm dẻo và thiếu cơ chế đảm bảo chất lượng dẫn đến sức hút vào GDNN cũng hạn chế.

Đặc biệt, doanh nghiệp lẽ ra có vai trò rất lớn trong công tác phân luồng học sinh thì dường như đứng ngoài cuộc để mặc cho ngành giáo dục và lao động xoay xở.

* Mô hình 9+, cho phép học sinh tốt nghiệp THCS được học thẳng lên CĐ mà Bộ

LĐ-TB&XH đang đưa ra liệu có thể trở thành giải pháp trọng yếu và căn cơ, thu hút người học, tăng hiệu quả phân luồng?

– Tôi nghĩ điều này là phi logic, thiếu cơ sở thực tế. Việc quy định đào tạo trung cấp sau lớp 9 có 3 trình độ với thời gian là 1 năm, 2 năm và 3 năm để đạt được cùng một mục tiêu như quy định của Luật GDNN về đào tạo trình độ trung cấp. Vì thời gian và nội dung chương trình sẽ quyết định để đạt được mục tiêu.

GDNN không quan tâm đến đầu vào. Cần quan niệm GDNN cho mọi người vào học trong một hệ thống linh hoạt mở (về thời gian, không gian, phương thức đào tạo), chứ không thể “bó cứng” do bản chất đa dạng của người học về nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh và thị trường lao động.

 

NGỌC HÀ thực hiện