VN thêm 1.200 giáo sư, phó giáo sư, lần đầu có giáo sư 35 tuổi
Tân giáo sư trẻ nhất Việt Nam được công nhận là giáo sư Phạm Hoàng Hiệp – Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
VN thêm 1.200 giáo sư, phó giáo sư, lần đầu có giáo sư 35 tuổi
Tân giáo sư trẻ nhất Việt Nam được công nhận là giáo sư Phạm Hoàng Hiệp – Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vừa công bố số lượng các tân giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) được công nhận năm 2017. Theo đó năm 2017 Việt Nam có thêm hơn 1.200 tân giáo sư, phó giáo sư.
Trong đó tân giáo sư trẻ nhất được công nhận là GS Phạm Hoàng Hiệp – Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (sinh 1982) thuộc ngành toán học.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nằm trong danh sách tân giáo sư được công nhận năm 2017.
Theo Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, tân giáo sư trẻ nhất năm 2017 là một tài năng khoa học trẻ.
“Nếu tính số lượng công trình thì tân giáo sư trẻ nhất không phải là người sở hữu nhiều công trình khoa học nhất, nhưng chất lượng các công trình khoa học thì rất tốt, rất ấn tượng và nhiều công trình được đăng trên những tạp chí khoa học hàng đầu quốc tế.
Hội đồng ngành toán luôn là một hội đồng chuẩn mực và khắt khe, những kết quả số phiếu công nhận chức danh giáo sư cho ứng viên này đạt 100% cũng đã nói lên được sự vinh danh dành cho tân giáo sư trẻ nhất là vô cùng xứng đáng”, GS. TSKH Trần Văn Nhung – Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, chia sẻ.
Trước đây, kỷ lục GS trẻ nhất Việt Nam cho đến hết năm 2016 là 37 tuổi.
Ứng viên PGS trẻ nhất năm 2017 là Đỗ Đức Thuận (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), 32 tuổi (sinh 1985), ngành toán học. Trước đó, PGS trẻ nhất Việt Nam cho đến hết năm 2016 là 28 tuổi.
Thống kê cho thấy số ứng viên năm nay có tuổi đời trung bình trẻ hơn các năm trước (GS là 55 và PGS là 45), năng lực tiếng Anh của các ứng viên cũng tốt hơn…
Theo GS Nhung, dự kiến từ năm 2019, việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo những quy định mới nhằm nâng cao chất lượng khoa học, đảm bảo hội nhập quốc tế.
Việc đánh giá các ứng viên cần xem trọng cả 3 lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, đào tạo và đóng góp cho xã hội. Vì vậy, các ứng viên tương lai cần lưu ý thành tích ở cả ba lĩnh vực này.
Không chỉ phụ thuộc vào công bố quốc tế, các ứng viên có thành tích trong đào tạo và có những đóng góp quan trọng đối với xã hội cũng sẽ được ghi nhận xứng đáng. Ngoài ra, các ứng viên tương lai cần chú trọng đầu tư đặc biệt vào ngoại ngữ, nhất là trình độ tiếng Anh.
Năm 2016, cả nước có thêm 702 người đạt chuẩn chức danh GS, PGS.