Chúa Nhật I Mùa Chay C 2019: Sứ điệp Mùa Chay 2019
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho chúng ta Sứ điệp Mùa Chay 2019 để mời gọi chúng ta định hướng cho mùa Chay thánh này. Sứ điệp có chủ đề: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Ngài”.
Chúa Nhật I Mùa Chay C 2019
Sứ điệp Mùa Chay 2019
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho chúng ta Sứ điệp Mùa Chay 2019 để mời gọi chúng ta định hướng cho mùa Chay thánh này. Sứ điệp có chủ đề: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Ngài” (Rm 8,19). Chúng ta dành ít phút để suy nghĩ về những điểm mà ĐTC Phanxicô muốn giới thiệu cho chúng ta.
1. Thế giới thụ tạo đã được cứu độ
Nhìn vào thế giới thụ tạo đã được cứu độ để thấy rằng Thiên Chúa yêu thương con người và toàn thể vũ trụ, nên đã tạo thành mọi loài và chia sẻ vinh quang của Ngài cho tất cả vạn vật. Vũ trụ cũng như con người đều đầy tràn chân thiện mỹ nên khi nhìn vào từng con người, từng thụ tạo, ta nhận ra sự thật, sự tốt lành, nét đẹp, quyền năng kỳ diệu của Thiên Chúa.
Nhìn vào trái đất, ngôi nhà mình đang sống, con người thấy núi cao, biển rộng, sông dài và cảm nghiệm rằng mình đang được hưởng dùng tất cả những thứ tốt lành ấy. Nhìn vào cộng đồng xã hội, con người nhận biết các mối tương quan tốt đẹp vì là anh chị em của nhau, con cùng một Cha trên Trời, để chăm sóc và phục vụ lẫn nhau. Người nông dân chân lấm tay bùn làm ra cho ta bát cơm, miếng bánh; người công nhân vất vả đêm ngày tạo nên cho ta vải vóc, áo quần … Trong bữa ăn hằng ngày, bao nhiêu tôm cá, rau quả đã hy sinh sự sống cho ta. Tất cả cùng ao ước hạnh phúc cho nhau. Đó là vinh quang của Thiên Chúa được chia sẻ cho muôn loài.
Tuy nhiên, nhìn vào thế giới và xã hội hiện nay, chúng ta lại thấy vinh quang đó đang dần dần bị lu mờ, bị biến dạng và biến mất. Đến bãi biển ta không còn nhìn thấy vẻ đẹp bao la mà chỉ thấy đầy những bãi rác, những bãi tắm cắt vụn dành riêng cho một chủ nhân nào đó. Đến vùng núi ta cũng không còn thấy tình yêu cao vời của Chúa được chia sẻ cho nhau, mà chỉ thấy những cánh rừng bị chặt phá để khai thác gỗ lậu, những khu đất dành riêng để xây khu nghỉ dưỡng đắt tiền, những nhà hàng đầy người tìm ăn đặc sản. Vũ trụ vạn vật chỉ còn là những nô lệ phục vụ con người.
Con người cũng không còn nhận ra nhau là anh chị em. Biết bao tội ác man rợ ta đọc thấy trong các báo hằng ngày. Con người đang đóng kín tâm trí mình lại và các quốc gia đang rào kín biên giới của mình. Trong đại hội Đại biểu Nhân dân Trung quốc vào đầu tháng 3 vừa qua, người ta thấy ông Tập Cận Bình lúc nào cũng nói đến nguy cơ chiến tranh, nguy cơ các nước xâm phạm chủ quyền Trung Quốc mà lại không nói đến nguy cơ Trung Quốc xâm phạm các nước chung quanh. Chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan lúc nào cũng sẵn sàng bùng nổ. Nơi nào chúng ta cũng thấy những cuộc xung đột nặng nề giữa người với người. Nên có thể nói rằng: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ vinh quang của Thiên Chúa nơi những con cái của Ngài”.
2. Vì sao ta đánh mất vinh quang của Chúa?
Con người đánh mất vinh quang Thiên Chúa bởi vì con người đã chiều theo tham vọng, dục vọng để cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa. Khi cắt đứt với Thiên Chúa là nguồn chân thiện mỹ thì con người cũng không còn nhận ra nhau là anh chị em và muôn loài thụ tạo là những đứa em nhỏ, mà Thiên Chúa trao cho con người chăm sóc, để cùng giúp nhau tận hưởng vinh quang, hạnh phúc của Ngài.
Qua bài Tin Mừng (x. Lc 4,1-13) kể lại các cơn cám dỗ của Chúa Giêsu, chúng ta thấy con người đã chiều theo “cơn cám dỗ đói khát”, mà con người luôn cảm thấy trong cuộc sống: đói vật chất, đói quyền lực, đói ân huệ.
Con đói đầu tiên là đói cơm bánh vật chất. Họ không ngừng muốn chiếm hữu, không phải chỉ để cho mình ăn mà còn để dự trữ cho tương lai vì lúc nào cũng sợ đói khổ. Khi con người cố gắng chiếm hữu cho mình thì họ lại đi bóc lột anh chị em khác và dẫn đến việc có một ít người sống thừa mứa trên đống tài sản kếch xù, trong khi hàng trăm ngàn người bới moi thùng rác để kiếm sống qua ngày. Đó là cơn đói mà Đức Giêsu đã trải qua trong hoang địa và mỗi người chúng ta đang trải qua trong cuộc sống mình. Chúng ta cần ý thức rằng “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”, và Chúa mới là nguồn sống đích thực cho muôn loài!
Cơn đói thứ hai là quyền lực, danh vọng. Nhiều lần bị khinh miệt, coi thường nên người ta muốn có danh vọng, có quyền lực để được người khác tôn trọng. Ai cũng muốn làm chủ tịch, giám đốc, trưởng phòng hơn là người cấp dưới, người phục vụ… Cơn đói quyền lực ấy thúc đấy ta đi tìm người cung cấp. Lập tức quỷ dữ xuất hiện: “Tôi sẽ cho bạn toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc, nếu bạn thờ lạy tôi!”. Không ít người trong chúng ta đã bái lạy thần tài, thần danh vọng, thần sắc đẹp vì nghĩ rằng những thần tượng đó có thể ban quyền lực cho ta. “Có tiền mua tiên cũng được!” “Có sắc đẹp là khiến bọn đàn ông quỳ sụp dưới chân mình!”. Đó chỉ là sự lừa bịp, dối trá của quỷ dữ, tà ma vì tất cả quyền lực thật sự bắt nguồn từ Chúa và chỉ Ngài mới có thể ban phát cho ta “nên phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi!’.
Cơn đói thứ ba là ân huệ. Chúng ta ao ước có được những ơn lành, ơn lạ để thoả mãn nhu cầu của riêng mình mà không quan tâm đến kế hoạch của Chúa trong đời. Ta bệnh tật nên nghĩ rằng mình nên đi hành hương Đức Mẹ La Vang hoặc sang tận Fatima, Lộ Đức để xin ơn chữa lành. Ta gặp một khó khăn nào đó trong cuộc sống, ta muốn bán nhà, bán đất cho được giá… nên xin lễ, cầu nguyện thật nhiều, đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót và tin chắc Chúa và Đức Mẹ phải ban ơn. Đó là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc đời của rất nhiều người. Chúa Giêsu cũng bị thử thách đó: “Ông hãy gieo mình xuống đi, vì các thiên sứ sẽ bảo vệ ông”.
Nhưng Đức Giêsu đã chấp nhận tất cả các cơn đói khát đó ở hoang địa trong tinh thần nghèo khó, khiêm tốn và vâng phục để nói lên tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa Cha và mọi anh em của mình. Người sẵn sàng chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa và đã sống lại để bảo đảm lòng tin cho ta như thánh Phaolô nhắc nhở ta: “Mọi kẻ tin vào Người sẽ không thất vọng” (Rm 10,11). Chúng ta cũng được mời gọi tìm về hoang địa của mình để vượt qua cơn đói nào đó về vật chất, về quyền lực, về ân huệ? Chúng ta chấp nhận cơn đói khát ấy như Đức Giêsu để không dùng những ơn lành, những quyền lực, phương tiện Chúa ban để phục vụ cho mình. Nhờ đó ta sẽ biến hoang địa đời mình trở thành vườn địa đàng của Chúa giống như Đức Giêsu.
3. Vậy ta phải làm gì để vạn vật nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa?
Đức Thánh Cha gợi ý cho chúng ta: hãy lau rửa khuôn mặt của mình sạch những bụi trần. Chúng ta dùng mùa Chay này để từ bỏ tội lỗi, tham vọng, dục vọng bằng những phương thế cầu nguyện, ăn chay và bố thí.
Ngài nói: “Ăn chay, nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác cũng như đối với mọi loài thụ tạo, học cách từ cơn cám dỗ muốn “ngấu nghiến” mọi thứ để thoả mãn sự thèm muốn của mình, đến chỗ sẵn sàng chịu đựng vì tình yêu, mà tình yêu ấy có thể lấp đầy sự trống rỗng của con tim chúng ta. Cầu nguyện để chúng ta học biết cách khước từ sự sùng bái cũng như sự tự thoả mãn cái Tôi của mình, và thú nhận rằng, chúng ta cần tới Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài. Làm phúc bố thí để chúng ta đặt tính ngông cuồng lại đằng sau chúng ta, mà với sự ngông cuồng ấy, chúng ta sẽ chỉ sống cho mình, tích luỹ tất cả cho mình trong sự ảo tưởng rằng mình sẽ có một tương lai bảo đảm, trong khi tương lai đó không thuộc về chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ tái khám phá được niềm vui trong chương trình của Thiên Chúa dành cho mọi loài thụ tạo và cho mỗi người chúng ta, đó là hãy yêu mến Người, yêu mến anh chị em của chúng ta, yêu mến toàn bộ thế giới, và tìm thấy nơi tình yêu này hạnh phúc đích thực của chúng ta”.
Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta trở về với tình yêu như Đức Giêsu đã dành cho Cha của mình, cho anh chị em của mình, cho muôn loài thụ tạo khi Người chết trên thập giá và sống lại vì chúng ta.
Lời kết
Đó là những đường hướng của mùa Chay 2019 được Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tới chúng ta và ngài cầu chúc mỗi người chúng ta luôn gắn bó với Chúa Giêsu để toả sáng trên khuôn mặt đời sống mình vinh quang của chính Con Một Thiên Chúa.